Mẹ chạy thận nhân tạo 7 năm vẫn sinh con

Trần Ngọc Kha 15/10/2015 06:10

Phụ nữ lập gia đình, có thai, sinh nở là chuyện bình thường. Nhưng, với riêng chị Hoàng Ngọc Yến, 31 tuổi ở Lĩnh Nam, Hà Nội thì đó là chuyện dường như không tưởng chút nào...

Mẹ chạy thận nhân tạo 7 năm vẫn sinh con

Phó Giám đốc BV Bạch Mai Mai Trọng Khoa
tặng hoa chúc mừng mẹ con chị Hoàng Ngọc Yến.

Kỳ tích

Ngày 6/9 vừa qua, chị Yến được các bác sĩ BV Bạch Mai mổ đẻ an toàn, sinh được một cháu trai rất kháu khỉnh. Tuy nhiên, trong suốt thời kỳ mang thai con, chị Yến hầu như chưa lúc nào dám hy vọng có được một hiện thực tuyệt vời này.

Lần có thai trước, chị đã không thể giữ được con vì bị áp huyết cao và suy thận. Từ ngày đầu tiên phải chạy thận nhân tạo 3lần/tuần (13/5/2008) đến nay, 7 năm qua, không bao giờ chị còn nghĩ mình được làm mẹ nữa. Khi biết mình đã có thai, vợ chồng chị Yến không biết nên mừng hay nên lo bởi chị được nghe các bác sĩ cho biết, bệnh nhân chạy thận nhân tạo có thai mà sinh con thì rủi ro rất lớn cho cả mẹ lẫn con.

Nhưng, được sự quan tâm giúp đỡ của Ban Giám đốc BV Bạch Mai, cơ quan BHYT, lãnh đạo khoa Thận nhân tạo và khoa Phụ sản ở đây cùng sự quyết tâm của cả gia đình, chị Yến quyết định giữ lại cái thai, chờ ngày sinh nở.

Theo TS Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng khoa Thận nhân tạo, BV Bạch Mai, trong lịch sử 40 năm hình thành và phát triển khoa này, đây là trường hợp thứ 5 bệnh nhân chạy thận nhân tạo có thai. Trường hợp đầu, thai lưu được 7 tuần tuổi. Trường hợp thứ hai phải bỏ khi thai được 4 tuần tuổi. Trường hợp thứ ba sảy thai lúc 14 tuần. Trường hợp nữa có thai được 19 tuần, phát hiện suy thận, lọc máu được 4 tuần nữa thì sảy thai và trường hợp chị Yến đẻ thường hôm nay.

Một quy trình đặc biệt

Để biến khát vọng của chị Hoàng Ngọc Yến thành hiện thực, một quy trình đặc biệt riêng cho chị do một nhóm bác sĩ có kinh nghiệm ở đây xây dựng. Bởi lẽ, theo các bác sĩ, với bệnh nhân suy thận, các độc tố trong máu cao hơn người bình thường, sự phát triển của thai nhi rất khó khăn.

Bên cạnh đó, người mẹ phải dùng kết hợp nhiều loại thuốc: Thuốc ổn định huyết áp, thuốc chống đông… Thai phụ lại không đi tiểu được nên dẫn đến tăng cân. Đây là cái khó đầu tiên mà các bác sĩ thận nhân tạo phải đối diện. Chỉ cần 1 sai sót nhỏ có thể ảnh hưởng lớn đến thai nhi.

Cái khó thứ hai là nồng độ PH trong máu bệnh nhân cần phải duy trì rất ổn định, PH cao có thể kích hoạt sảy thai. Ở những bệnh nhân lọc máu chu kỳ có thai phải được lọc theo một chế độ đặc biệt. Thông thường là 3 lần/tuần, khi có thai phải lọc 6 lần/tuần, từ 3 - 4 tiếng/lần. Do thời gian lọc gấp đôi nên Nồng độ PH rất cao. Vì vậy phải điều chỉnh nồng độ bicarbonat trong dịch lọc thấp hơn bình thường.

Cái khó thứ ba là việc lựa chọn thuốc cho mẹ. Chọn thuốc điều trị huyết áp cho mẹ thế nào để không ảnh hưởng đến thai nhi. Rồi đến điều trị thiếu máu, điều trị tăng huyết áp, điều trị suy dinh dưỡng, điều trị rối loạn chuyển hoá can xi - phospho, dự phòng tiền sản giật.

Các BS Phan Thế Cường, Nguyễn Thu Hải, Hồ Hà Linh…khoa Thận nhân tạo phối hợp chặt chẽ với bác sĩ khoa Sản theo dõi từng ngày, điều chỉnh tăng cân, theo dõi huyết áp, tình trạng nước ối, siêu âm theo dõi sự phát triển của bánh rau, của thai nhi.

PGS. TS Phạm Bá Nha, trưởng khoa Phụ - Sản trực tiếp theo dõi diễn biến trong quá trình thai nghén và điều trị cho Ngọc Yến cho biết: Đối với các thai phụ suy thận chạy thận, chu kỳ theo dõi tình trạng thai nghén là rất khó khăn do tình trạng toàn thân của người mẹ rất xấu, huyết áp cao, có nhiều biến loạn nên ảnh hưởng rất lớn đến tình trạng thai kỳ.

Đặc biệt khi chạy thận thì những biến loạn này càng nhiều. Khi thai được 24 tuần, sản phụ Yến xuất hiện triệu chứng ra máu và được chẩn đoán là Polype cổ tử cung. Chị buộc phải nằm viện nội trú tại khoa Phụ - Sản và hàng ngày lọc thận tại khoa Thận Nhân tạo.

Kết quả không phụ lòng người, ngày 6/9/2015, bé trai Xuân Bảo đã chào đời. Cháu được sinh mổ ở tuần thai thứ 31. Do có biểu hiện suy thai với trọng lượng ước chỉ 1.500g.

Với nỗ lực của các thầy thuốc Khoa Thận Nhân tạo, khoa Phụ - Sản và khoa Nhi bệnh viện Bạch Mai cháu bé đã được chăm sóc, nuôi dưỡng và ra viện khoẻ mạnh với trọng lượng 2100g sau hơn 1 tháng ra đời… Hôm qua, 14-10, hai mẹ con được xuất viện trong niềm hân hoan của mọi người.

Cứu sống một người bị u đốt sống

Cùng ngày hôm qua, 14/10, BV Bạch Mai cũng cho xuất viện một ca bệnh khó khác. Đây là bệnh nhân Chu Tiến Long, 28 tuổi, ở thôn 1, xã Đại Đồng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Ông bị khối u ở đốt sống. Không dám phẫu thuật, gia đình đã xin BV Đại học Y về, mua thuốc nam đắp, nhưng bệnh tình không đỡ mà ngày càng nặng hơn.

Khi bệnh nhân được đưa vào BV Bạch Mai, xác định đây là ca bệnh khó, nhưng vẫn còn hy vọng cứu chữa được, đích thân PGS.TS Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc BV đã chủ trì hội chẩn toàn bệnh viện với tất các chuyên gia có liên quan để tìm ra phương án can thiệp tối ưu và an toàn nhất cho bệnh nhân. Một kíp mổ kéo dài 6 tiếng đồng hồ đã diễn ra vào ngày 27/9 vừa qua.

Hiện sức khỏe của bệnh nhân đang hồi phục nhanh chóng và có thể sinh hoạt, lao động trở lại sau khi ra viện.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mẹ chạy thận nhân tạo 7 năm vẫn sinh con