Đường 35 nối từ ngã 3 Thường Lệ/QL23 đến Khu công nghiệp Quang Minh (Mê Linh, Hà Nội) sau khi được hoàn thiện đã hình thành nơi tập kết vật liệu xây dựng và chợ trái cây tự phát trái quy định, gây cản trở và nguy cơ tai nạn cho người tham gia giao thông.
Khoảng thời gian từ 18h về sáng có hàng trăm xe container và xe tải lớn nhỏ nối dài khoảng 2km, lấn chiếm hết cả 2 chiều đường, khiến việc đi lại của người dân bị cản trở. Cũng chính tại con đường này, dù là đường 2 chiều với 4 làn xe và không có dải phân cách giữa, nhưng cũng bị người dân lấn chiếm hết một chiều đường để thi công, tập kết vật liệu xây dựng nhưng cũng không được xử lý. Những vi phạm này đã gây bức xúc và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn giao thông.
Trước đó, để tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19, UBND huyện Mê Linh đã ban hành văn bản chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ phương tiện, lái xe, phụ xe, người buôn bán từ các địa phương khác vào huyện, lập chốt kiểm soát tại khu vực chợ buôn bán các loại quả tại xã Thanh Lâm. Yêu cầu công an huyện tăng cường kiểm tra tại tuyến đường 35, đường 48 và các tuyến đường khác trên địa bàn.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh, ông Phạm Thành Đô cho biết: Đây là điểm kinh doanh tự phát gây mất trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và an ninh trật tự. Trước đó, huyện cũng đã có chỉ đạo cắm biển, giải tán, hạn chế phương tiện gây ảnh hưởng. Trong công tác chỉ đạo, dù không có văn bản riêng nhưng trong văn bản chỉ đạo chung trong công tác phòng, chống dịch, huyện cũng đã chỉ đạo giải quyết các chợ cóc, chợ tạm và điểm chở hàng.
Huyện cũng đã giao, chỉ đạo các lực lượng như Thanh tra giao thông, Công an huyện tuần tra, xử lý đối với các xe container chở trái cây đứng ở các đường lớn, khu vực đất đấu giá chờ vận chuyển hàng vì không đúng vị trí, và không đảm bảo công tác an toàn phòng, chống dịch; không bao che và đặc biệt xử lý nếu để ra nguy cơ lây lan dịch trong thời gian này.
Được biết, trái cây chủ yếu được vận chuyển từ các tỉnh miền Nam và biên giới phía Bắc. Khó khăn của huyện chưa thể giải tỏa được “điểm kinh doanh tự phát” này là do chưa xây dựng được chợ.
Huyện đã có quy hoạch, đang làm các trình tự thủ tục với thành phố để có thể xây dựng được điểm chợ đầu mối hoa quả trên địa bàn xã Thanh Lâm - xã Kim Hoa. Nếu được chấp thuận thì chợ sẽ được xây dựng theo hình thức xã hội hóa với kinh phí hàng trăm tỷ đồng trên diện tích 23ha.
Liên quan đến việc lấn chiếm lòng đường để thi công, tập kết vật liệu xây dựng gây cản trở, tiềm ẩn những nguy cơ tai nạn, huyện sẽ tiếp nhận thông tin và giao đơn vị chuyên môn kiểm tra, xử lý, tránh gây bức xúc trong nhân dân.