Mặc dù tuổi đã già, sức đã yếu nhưng nhiều năm qua, bà Đỗ Thị Vít (SN 1953, trú tại xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh, Hà Nội) vẫn “gõ cửa” nhiều cơ quan chức năng đòi “danh dự” cho bố mẹ đẻ vì cho rằng, họ có công với cách mạng nhưng bị ngành chức năng “bỏ quên” và không quan tâm giải quyết.
Nhiều năm qua, bà Vít (áo đen) đã “gõ cửa” nhiều cơ quan chức năng
đòi danh dự cho cha mẹ
Bà Đỗ Thị Vít phản ánh, từ năm 1948, bố mẹ đẻ của bà Vít là ông Đỗ Đình Mưu (SN 1919) và bà Nguyễn Thị Sợi (SN 1921) đã tham gia làm giao liên phục vụ kháng chiến và cùng bộ đội đánh giặc bảo vệ quê hương. Đầu năm 1950, ông Mưu và bà Sợi đã đào 2 hầm bí mật nuôi giấu cán bộ kháng chiến. Trong số đó, có nhiều cán bộ lãnh đạo chủ chốt huyện như: Bí thư huyện ủy, Trưởng ban tuyên giáo huyện... Tiếp trong những năm 1951 đến năm 1954, quân địch đánh phá dữ dội, ông Mưu cùng vợ vẫn ngày đêm cải trang làm nhiệm vụ đưa công văn, giấy tờ đến các địa phương khác phục vụ kháng chiến. Trong thời gian chiến tranh khốc liệt đó, ông Mưu, bà Sợi đã bảo vệ, chăm nuôi và che giấu cho cán bộ kháng chiến hoạt động an toàn. Đến năm 1960, ông Mưu tiếp tục tham gia vào Ban quản trị hợp tác xã, Đội trưởng sản xuất tới năm 1967 ông Mưu mới về hưu. Cũng theo bà Vít, từ năm 1995 đến năm 2010, Đảng ủy, UBND xã Đại Thịnh đã nhiều lần xác nhận sự cống hiến cho cách mạng của ông Mưu, bà Sợi đồng thời đề nghị tặng Huân chương cho gia đình ông Mưu.
Trong các hồ sơ, giấy tờ như: Tờ khai quá trình công tác kháng chiến chống Pháp của bà Sợi khai ngày 5-10-1998; Biên bản của Hội đồng thi đua khen thưởng xã Đại Thịnh xét khen thưởng chống Pháp 1945 - 1954 ngày 14-8-1999; tờ khai quá trình công tác kháng chiến của ông Mưu ngày 2-1-2007, Đảng ủy, UBND xã Đại Thịnh đều nhất trí đề nghị Hội đồng thi đua khen thưởng cấp trên xét duyệt khen thưởng cho ông Mưu và bà Sợi Huy chương kháng chiến hạng Nhì.
Đáng chú ý, trong biên bản của Hội đồng thi đua khen thưởng xã Đại Thịnh năm 2010, có các cơ quan, tổ chức, đoàn thể như: Đảng ủy; UBND xã; MTTQ xã; BCH xã đội; Hội CCB và cán bộ lão thành cách mạng… đều thống nhất đề nghị các cấp xem xét khen thưởng cho gia đình ông Mưu có công nuôi giấu cán bộ trong cuộc kháng chiến chống Pháp, tặng huy chương kháng chiến hạng Nhì. Ngoài ra, nhiều người trước đây từng ở, làm việc tại nhà ông Mưu như: ông Nguyễn Văn Bồi trước đây là Chủ tịch cụm kháng chiến Bãi Sậy; ông Lê Tần, là Bí thư Huyện ủy; ông Nguyễn Văn Nhữ, Trưởng ban Tuyên giáo huyện… cũng đều xác nhận có hoạt động và được gia đình ông Mưu nuôi giấu tại gia đình.
Dựa vào những căn cứ trên, gia đình bà Vít đã làm đơn kiến nghị ngành chức năng xem xét, giải quyết chế độ cho bố mẹ mình.
Thế nhưng, ngày 7-4-2015, UBND huyện Mê Linh lại có văn bản trả lời đơn của bà Vít rằng, gia đình ông Mưu chưa đủ điều kiện để được khen thưởng thành tích kháng chiến vì: trong quyển lịch sử Đảng bộ của xã Đại Thịnh từ năm 1945 đến nay không có nội dung ghi nhận đóng góp của gia đình ông Mưu. Gia đình ông Mưu không cung cấp được giấy tờ để làm rõ xác nhận của ông Nguyễn Thế Huấn về thời gian gia đình ông Mưu nuôi giấu cán bộ cách mạng không khớp nhau.
Liên quan đến vấn đề trên, theo ông Bùi Quốc Tuấn- Chủ tịch UBND xã Đại Thịnh, các khóa lãnh đạo trước đây xác nhận, kiến nghị tặng huân chương cho gia đình ông Mưu, bà Sợi không phải là sai, nhưng có thể là chỗ quen biết nể nhau nên xác nhận cho nhau (!?). Còn ông Lương Văn Giang, chuyên viên Ban Thi đua khen thưởng TP. Hà Nội cho hay, nhiều lãnh đạo xã, huyện được nuôi giấu tại gia đình ông Mưu cũng xác nhận, nhưng tại sao trong quyển lịch sử Đảng bộ xã lại không có tên gia đình ông Mưu? Phải chăng trong khi xét duyệt, chính quyền xã còn thiếu sót. Ông Lương Văn Giang cho biết thêm, việc ông Nguyễn Thế Huấn khai không khớp về mặt thời gian không quan trọng vì theo quy định chỉ cần 2 người xác nhận là đủ.
Về vấn đề này, bà Vít cho rằng, chính người cán bộ được gia đình nuôi giấu là cựu Bí thư huyện ủy, Trưởng ban tuyên giáo huyện cũng xác nhận, Đảng ủy, UBND xã và các tổ chức, đoàn thể xã trước đây đã xác nhận bố mẹ bà Vít có công nuôi giấu cán bộ, nhưng không hiểu sao năm 2014, UBND xã lại nói trong quyển lịch sử Đảng bộ xã từ năm 1945 đến nay không có ghi nhận đóng góp to lớn của bố mẹ bà cho cách mạng. Mặc dù hàng chục năm qua bà đi đòi “danh dự” cho bố mẹ mình, nhưng ngành chức năng chưa giải quyết.
Thiết nghĩ, ngành chức năng huyện Mê Linh và TP. Hà Nội cần xem xét thấu đáo sự việc để tránh bỏ sót người có công với cách mạng.