Từ đầu tháng 3 năm 2020 đến nay, do dịch Covid-19, anh không thể đặt chân ra nước ngoài, việc đi các tỉnh cũng rất hạn chế. Điều đó đã buộc anh phải thay đổi nguyên tắc làm việc của cá nhân.
Trước đây, trung bình mỗi một năm, anh Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Telecom, đi công tác 250 ngày với 24 đến 30 chuyến đi nước ngoài, cùng 150 chuyến bay. Nhịp độ đó kéo dài gần 20 năm. Từ đầu tháng 3 năm 2020 đến nay, do dịch Covid-19, anh không thể đặt chân ra nước ngoài, việc đi các tỉnh cũng rất hạn chế. Điều đó đã buộc anh phải thay đổi nguyên tắc làm việc của cá nhân.
Anh Hoàng Nam Tiến chia sẻ, ba của anh là Thiếu tướng Hoàng Đan. Khi đánh trận, ba đều ra chiến hào tuyến đầu, đến với từng người lính, để biết họ chính xác cần gì, nên hỗ trợ, đánh địch ra sao. Từ bé, anh đã học được ba điều ấy. Đến khi đi làm, có bất cứ quyết định gì, anh Tiến cũng bỏ nhiều thời gian ra để đến các trụ sở công ty ở các tỉnh, gặp từng anh chị em bán hàng, nhân viên…, bay ra nước ngoài, đến với mỗi khách hàng để tìm hiểu xem quyết sách ấy ảnh hưởng đến họ ra sao, phản ứng của họ thế nào và liệu có được ủng hộ không, nhưng bây giờ những việc đó trở lên khó khăn.
Covid-19 làm thay đổi nhiều thứ trong cuộc sống của anh Hoàng Nam Tiến. Như với việc tiếp khách xưa nay, các anh vẫn nghĩ rằng cần ngồi với nhau một bữa tối thì mới chạy được việc, nhưng sau hơn một năm qua thì phát hiện ra không phải thế. Cũng như tưởng việc họp online thì hiệu quả hơn, vì tưởng khi họp bàn thì rất thuận lợi, nhưng khi quyết định cần ký kết triển khai thì vẫn cần phải gặp nhau trực tiếp. Với anh, việc cần cảm nhận đối tác qua việc gặp trực tiếp thì thực sự quan trọng và không thể thay thế. Trong các cuộc đàm phán, một cái vỗ nhẹ vào vai hay nắm tay chặt cũng thay đổi nhiều thứ. Khi bắt tay đàn ông, một bàn tay vững chãi, khô, ấm nóng sẽ tạo cho anh sự vững tin trong mối quan hệ, hợp tác.
“Trong mọi hoàn cảnh, tôi luôn nhìn thấy tính tích cực. Vì vậy, tôi cũng mềm dẻo để thích ứng với sự thay đổi. Người Việt mình hay nói câu “Dĩ bất biến ứng vạn biến” và ứng dụng tốt. Còn người Tây Âu thì có câu “Chính trực”. Có nhiều thứ không thể nói được đúng sai thì người ta sử dụng sự chính trực để nhận định. Khi tôi đi học thì người lãnh đạo luôn phải có sự: “Chính trực”, “Trí tuệ” và “Đổi mới” trong hàng chục tính cách cần. Một cá nhân để thích ứng được thì phải có những chuẩn mực nền như thế. Nếu không bản thân sẽ trở nên dễ dãi, tùy tiện, vô nguyên tắc”.
Với anh Hoàng Nam Tiến, người Việt Nam mình rất mềm dẻo và thích ứng với hoàn cảnh, nhất là khi có chiến tranh, nạn dịch: “Trong lịch sử, khi dân tộc ta đứng trước khó khăn như bão lụt, dịch bệnh hay giặc ngoại xâm thì những gì tốt đẹp của người Việt đều được bộc lộ ra. Nhất là sự đoàn kết nhất trí. Như phòng chống dịch bệnh lần này, có thể thấy sự ủng hộ, đồng tâm nhất trí của nhân dân với chính quyền, từng quyết sách, mỗi bước đi.
Khi tôi bắt đầu lớn lên, tôi vào miền Tây Nam Bộ, mỗi khi mùa mưa tới là nước lũ dâng cao, người dân đã thích ứng hòa hợp với sự thay đổi của tự nhiên. Nhưng vì sao gần đây lại cần cứu trợ? Là vì khi nước ngập lên, với nhiều người dân mới nhập cư thì không thể thích ứng được, nước thì mỗi mùa lại ngập cao hơn. Vùng Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình cũng thế, năm nào cũng đến mùa là lũ lụt nước ngập, đầy vất vả, khó khăn. Người dân thực ra sống vẫn bình thường. Gần đây, sự bất thường được nói tới liên tục có lẽ do mạng xã hội. Qua những hiện tượng như vậy mới thấy người dân ở những vùng đó thích ứng với thiên nhiên, bão lũ để hòa hợp với tự nhiên. Còn những người làm cho vấn đề lũ lụt trở lên trầm trọng, mới là những người không hòa hợp được với tự nhiên”.
Bản chất cuộc sống gồm các chuỗi thoải thuận đàm phán, trong cả tình yêu lẫn công việc. Trong đó, có mọi thứ đều thay đổi.
Với anh Hoàng Nam Tiến, lịch sử loài người đã chứng minh, lợi ích tiền bạc luôn là động lực chính và mạnh mẽ khi người ta hành động. Trừ người rất đặc biệt, thì con người luôn gắn với chữ tham, tham tiền, tham tình, tham danh, tham quyền lợi… đó là cái quyết định hành vi chính của con người, trong khi nguồn lợi trong xã hội là hữu hạn. Lịch sử loài người là vẫn tranh giành nhau. Thậm chí con người còn tranh giành với thiên nhiên. “Khi chúng ta động chạm tới tự nhiên, như là “ăn của rừng thì rừng đòi lại máu”. Trên thực tế thì thiên nhiên sẽ luôn phản ứng trước sự tham lam của con người. Cá nhân tôi luôn tin vào điều đó”.
Do tính chất công việc nên anh Hoàng Nam Tiến từng có 8 đến 9 năm làm việc qua online cùng đồng nghiệp, đối tác trên toàn cầu: “Tuy nhiên, tôi vẫn không thấy thích ứng được với online do cần tiếp xúc trực tiếp giữa người và người. Nên lần này tôi cần phải tập luyện cách đặt câu hỏi, để làm sao bộc lộ chiều sâu suy nghĩ, làm kinh doanh thì việc đàm phán rất quan trọng để làm sao để đảm bảo lợi ích, làm sao nhanh chóng đạt được thỏa thuận. Họp online hay là kéo dài được đến 4, 5 tiếng. Đó là thay đổi tốt. Khi gặp trực tiếp được đồng nghiệp hay đối tác, tôi rất tự tin tìm ra giải pháp. Còn bây giờ thì tôi phải dựa vào sự kiện để thu được thông tin. Trước khi đàm phán, tôi phải tìm hiểu kĩ thông tin về họ, từ tuổi thơ, lời nói hay, những quyết sách… Nguyên tắc làm việc của tôi là cần cụ thể, đi đến tận nơi, xuống địa bàn. Giờ thì tôi phải bắt buộc có nhiều nguồn thông tin hơn. Việc “phân tích dữ liệu lớn” càng trở nên ý nghĩa, lắng nghe các ý kiến trong xã hội. Lựa chọn mẫu thông tin của xã hội một cách chuẩn mực nhất. Phải phân tích thông tin, đọc tài liệu để nhận được những phản hồi”.
Thời gian qua, trong lúc càng khó khăn, anh Hoàng Nam Tiến nhận thấy anh em đồng nghiệp đoàn kết và quyết tâm thực hiện công việc cao hơn hẳn, thấy sự sẵn sàng hi sinh như bớt quyền lợi, nhận thêm việc của từng cá nhân tốt hơn rất nhiều: “Khi giãn cách xã hội vì dịch bệnh lại là lúc tôi làm việc với cường độ cao hơn hẳn. Có những lúc giãn cách thì cần quan tâm đến chi tiết nhiều hơn vì không thể có sự nhầm lẫn, sai sót hay chậm trễ được. Trong mọi hoàn cảnh tôi luôn nhìn vào sự tích cực. Hoàn cảnh mới cho thấy nhu cầu người dân, doanh nghiệp, xã hội ngày một nhanh hơn, nên tốc độ đầu tư và đưa ra giải pháp cũng cần nhanh chóng. Ví dụ như quyết sách, sản phẩm, dịch vụ công nghệ: “Al” (Trí tuệ nhân tạo), “Big data” (Dữ liệu lớn) được đưa ra thị trường rất nhanh và quyết liệt.
Trước đây, chúng tôi một tuần họp một lần. Một năm nay thì cứ 8h sáng các lãnh đạo ngồi với nhau bàn bạc giao việc trong ngày. Điều đó ảnh hưởng sâu sắc đến doanh nghiệp và tạo ra sức ép lớn đối với bộ phận phía dưới”.
Bởi luôn nhìn thấy mặt tích cực của mỗi vấn đề xảy ra, đồng thời nhìn thấy thời cơ trong đó, anh Hoàng Nam Tiến cho rằng, tại thời điểm này những phẩm chất tốt đẹp người dân Việt Nam đang bộc lộ mạnh mẽ, và sẽ giúp chúng ta tiếp tục vượt qua lần bùng phát dịch này và tiếp tục đà tăng trưởng kinh tế.