Lần theo những dòng bút ký đẹp đẽ, hào sảng và mơ hồ của nhà văn Sơn Nam, chúng tôi đã làm chuyến hành trình lặn lội về vùng biên giới Tây Nam bộ thượng nguồn sông Tiền, sông Hậu để đi tìm mùa len trâu.
Những đàn trâu miền biên ải
“Mùa len trâu”, theo bà con trong vùng có nghĩa là mùa đưa đàn trâu đi rong ruổi, tự do, băng qua nhiều vùng đất khác nhau; chữ “len” có nghĩa là “tự do”.
Khi mùa nước tràn về cho tới thời điểm cuối năm (thường kéo dài khoảng 3-4 tháng) là lúc đàn trâu được đưa đi len nhiều nhất. Ngày đó, cách đây chừng nửa thế kỷ, dải đất biên giới Tây Nam từ vùng Đồng Tháp Mười rộng lớn kéo qua Tân Châu, Châu Đốc, Hà Tiên, Thoại Sơn... vẫn còn hoang vu, với nghề nghiệp chính của người dân là làm nông. Tất nhiên, con trâu cũng là bạn quen thuộc của mỗi gia đình. Thời đó mỗi nhà thường có một con trâu, nhà giàu có thì 2 hay 3 con.
Bình thường, con trâu gắn bó với gia đình, thay thế sức con người trong công việc nặng nhọc như cày ruộng, kéo lúa, chở hàng hóa… Con trâu cũng sinh sống cùng với gia đình. Nhưng khi mùa nước nổi tràn về, cả vùng đất trải dài hàng trăm cây số bị ngập sâu trong nước khiến cho sinh hoạt của người và gia súc phải thay đổi.
Nếu như người hay một vài tài sản khác có thể đưa lên ghe, lên nhà cao hơn thì con trâu không thể làm vậy. Để nó sống và có thức ăn trong thời gian này, người ta phải đưa chúng đi nơi khác, thường là các gò, đồi hay vùng đất cao hơn. Lúc này, có gia đình cắt cử người đưa trâu đi len, có gia đình gom vài con lại rồi mới đưa đi. Nhưng cũng có gia đình họ gửi trâu cho những người đi len chuyên nghiệp, gộp thành những đàn hàng trăm con...
Cứ thế, năm nào cũng vậy, cứ mùa nước chuẩn bị về là đàn trâu lại rục rịch ra đi, giữa mênh mang những cánh đồng ngập nước. Đàn trâu cứ đi, đi mải miết và lặng lẽ không có mục đích bởi chính hành trình đi như vậy là mục đích của người đi len rồi.... Mùa đi len trâu chỉ kết thúc khi nước bắt đầu rút đi. Khi đàn trâu quay trở về nhà cũng là thời điểm cuối năm, để người và trâu lại chuẩn bị cho một vụ mùa gieo hạt mới đầu năm.
Sau mấy lần dò hỏi, chúng tôi tìm tới nhà ông Nguyễn Văn Út, 77 tuổi, một nông dân ngụ ở xã Thường Thới Hậu B (huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp) từng có nhiều năm đi len trâu. Ông Út kể, hồi còn trẻ ông cũng từng có hơn chục năm đi len trâu, cùng với vài người trong xóm.
“Ngày xưa nhà tôi có hai, ba con trâu nhưng bên nhà vợ có nhiều hơn. Có năm chúng sinh thêm lên đến gần chục con. Trước khi mùa nước về, mình đã chuẩn bị kỹ cho mùa đi len rồi. Tôi cùng với ông Sáu Đẹt ở bên chợ Cả Sách chuẩn bị đồ đạc, hướng đi nữa. Đi len trâu phải có bạn, chứ không ai đi được một mình cả. Khi con nước bò tới chân cột tràm sau nhà là lùa trâu đi. Có năm đàn trâu đi theo hướng về bên Thường Lạc, Tân Hội rồi vòng sang cả bên Tân Hộ Cơ, Sa Rài mới hết mùa nước. Cứ chỗ nào có gò đất cao thì trú lại, dựng lều ở rồi tìm cỏ cho trâu ăn. Nhiều đêm đang ngủ mưa lớn, nước nổi lên cao ngập hết cả lại đốt đuốc lùa trâu lội đồng đi tiếp... Có năm, tôi với ông Sáu Đẹt lùa trâu lạc đường ngược sang tận Kampong ở bên Miên. Mùa nước, cả trăm cây số ở đây ngập hết, đâu đâu cũng chỉ có nước và nước thôi. Rồi lại có năm lùa đàn xuôi về hướng Thường Phước, Thường Thới. Bên đó ven sông nhưng cũng nhiều gò cao, rau cỏ nhiều neo đàn nửa tháng ăn chưa hết”, ông Út kể.
Nhưng không phải gia đình nào cũng có người đàn ông khỏe mạnh, am hiểu đồng nước cũng như sống cùng trâu cả mấy tháng rong ruổi như vậy. Nhiều gia đình phải thuê người đi len. Thường là trả công bằng lúa khi tới mùa vụ kế tiếp. Cũng có nhiều gia đình vì quá nghèo, mà chính nơi ở của họ cũng bị nước nhấn chìm nên họ đưa cả trâu và gia đình cùng đi rong ruổi trốn mùa nước nổi vậy.
Cũng theo ông Út, trong thời gian đi len nếu trâu sinh thêm con thì gia đình gửi sẽ bị mất con trâu đó cho người đi len. Ngược lại không may trâu bị lạc đường, bị chết thì người đi len phải đền cho gia đình con trâu khác. Những người nhận trâu để đi len, ngoài am hiểu vùng đất còn phải biết cách điều khiến những đàn trâu cả trăm con như vậy.
Bởi đó là những con trâu ở nhiều nơi gộp lại. Chúng thường được đánh dấu bằng cách buộc những dây vải, lục lạc vào cổ để tránh nhầm lẫn khi nhận lại. Những tay len trâu chuyên nghiệp ngày xưa nếu giỏi giang, sau một mùa nước ngập nếu con trâu vẫn còn béo tốt, khỏe mạnh thì gia đình chủ rất thích, họ có thể trả thêm cho tiền công. Ngược lại dù không bị chết nhưng trâu gầy gò, ốm yếu không có sức khỏe cho vụ làm đồng đầu năm thì năm tới, gia đình không gửi cho tay đi len đó nữa.
Đời người và đời trâu
Cũng theo chỉ dẫn của ông Út, chúng tôi đã chạy xe gắn máy ngược lên mạn Thường Thới Tiền, Thường Lạc, Thường Phước... nơi giáp ranh với biên giới Campuchia với mục đích để tìm kiếm những đàn trâu có thể còn sót lại.
Cuối năm, những cánh đồng biên giới trải dài mơn mởn một màu xanh của lúa non chứ không còn hoang vu, ngập nước như vài chục năm trước. Hệ thống kênh, đê bao cũng chia cắt vùng bưng đồng biên giới thành những thửa ruộng nhỏ với nhiều mái nhà xây kiên cố xen kẽ nhau. Nhưng rồi bất ngờ chúng tôi đã gặp được một đàn trâu hơn chục con của một gia đình ở Thường Phước ngay gần kênh Tứ Thượng. Họ không phải là những người đi len trâu như trước mà chỉ đơn giản là người nuôi trâu. Những chú trâu này đều được dắt (mua) về từ Campuchia sau đó được nuôi vỗ béo để lấy thực phẩm.
Không hiểu sao, nhìn đàn trâu gần hai chục con đang ngâm mình trong làn nước phía xa xa, chúng tôi không khỏi bồn chồn.
Khi máy móc được đưa vào thay thế gần như toàn bộ các công đoạn của nghề nông, thì người nông dân không chỉ từ bỏ người bạn lâu năm của mình mà ngày nay, trâu bị nuôi vỗ béo để lấy thịt. Nhưng hầu hết chỉ có người ở các đô thị mới sử dụng thịt trâu. Nông dân vùng đất này, như đã nói, dù không coi trâu là bạn nhưng họ chưa bao giờ có ý nghĩ sử dụng thịt của loài vật thân thương này.
Hoàng hôn đỏ ối phía đường biên, những chú trâu lầm lũi lững thững đi về phía chiếc chuồng gỗ tràm ở gần đó. Vẫn còn những đàn trâu, chỉ có mùa len trâu là không còn.
Trao đổi với chúng tôi, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hữu Hiệp (sinh năm 1948 ở huyện Phú Tân, An Giang), người đã viết khoảng 30 đầu sách nghiên cứu về văn hóa miền Tây Nam bộ cho rằng, mùa len trâu ở thượng nguồn biên giới có từ rất xa xưa. Nó gắn bó chặt chẽ với nghề làm nông và chăn nuôi gia súc của nhiều cộng đồng người Kinh, người Khmer.
“Ngày nay, nhiều người khi nói đến mùa len trâu thường nghĩ về vùng Hồng Ngự bên Đồng Tháp nhưng thực tế ở vùng Tịnh Biên, Tân Châu, Châu Đốc của An Giang thì nghề đi len trâu mới phổ biến và xuất hiện nhiều. Có lẽ một phần do gần hai chục năm trước, bộ phim nổi tiếng Mùa len trâu được quay nhiều ở bên Hồng Ngự. Hơn nữa, theo nghiên cứu thì nghề đi len trâu là một nghề cực kỳ vất vả, khắc nghiệt thậm chí là nguy hiểm cả tới tính mạng chứ không hề đẹp đẽ, lãng mạn như trên phim ảnh. Do đó, phải là những người cực kỳ khỏe mạnh, am hiểu và rành rẽ mới dám đi len trâu”, ông Hiệp nói và cho biết thêm khi nước nổi tràn về thì với hệ thống đê bao như hiện nay trâu cũng không còn thiếu thốn nơi ở hay thức ăn để phải đi len như ngày xưa nữa. Đó là do mà mùa len trâu đã dần mai một, thậm chí là không còn. Ngoài ra, ông Hiệp cho rằng nếu muốn tìm những đàn trâu đi len như cách đây vài chục năm thì có lẽ phải sang tận bên kia biên giới Campuchia vào năm mùa nước lớn mới có hy vọng.
Cũng như bốn mùa trời đất, cuộc sống luôn luôn thay đổi và có những điều, dù đẹp đẽ, quen thuộc đến đâu nhưng sẽ bị mất đi để nhường chỗ cho những điều mới mẻ hơn. Những mùa len trâu của miền biên ải Tây Nam này cũng vậy. Dù những người nông dân, cánh đồng, mùa nước lên và xuống hay thậm chí cả đàn trâu vẫn còn nhưng những mùa len trâu thì mãi mãi chỉ còn là ký ức. Ký ức của một thời như gần, như xa. Ký ức của một thời vừa có trong thực tế, vừa có trên những tác phẩm văn hóa nghệ thuật. Chúng đan xen và có lẽ đó là cách để nhiều năm sau, những mùa len trâu không bị mất đi mãi mãi trong dòng chảy thay đổi của đất trời.