Dịch bệnh Covid-19 cùng với Hiệp định tự do trong khu vực ASEAN (ATIGA) đang khiến các doanh nghiệp (DN) ngành mía đường chịu khó khăn kép. Giới chuyên gia cho rằng, các DN mía đường cần đẩy mạnh áp dụng công nghệ cao, cơ giới hóa trong sản xuất mới có thể cạnh tranh trong bối cảnh hiện nay.
Hàng loạt doanh nghiệp đóng cửa
Giới chuyên gia trong ngành nhận định, sau khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại và đặc biệt là hiệp định ATIGA, mặt hàng đường được giảm thuế từ 80% (đường thô) xuống còn 5% trong nội khối ASEAN, đối với đường trắng từ 85% xuống còn 5% từ 1-1-2020. Thực tế này khiến cho các DN ngành mía đường lao đao khi phải cạnh tranh với đường ngoại nhập với thuế suất giảm sâu.
Nhận định về thực trạng hiện nay của ngành mía đường, ông Lê Văn Tam, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn cho hay, thực thi Hiệp định ATIGA đã có nhiều tác động, gây khó khăn cho ngành sản xuất mía đường trong nước.
“Giá đường thấp đã làm cho giá mía tụt giảm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến vùng nguyên liệu. Thu nhập của người trồng mía giảm mạnh, diện tích mía bị thu hẹp (chỉ còn lại 30% so với 5 năm trước đây); năng suất, chất lượng mía chưa được cải thiện, nhà máy không đủ nguyên liệu để sản xuất”, ông Tam chia sẻ.
Cũng khẳng định về những khó khăn hiện nay của các DN trong ngành mía đường, ông Phạm Hồng Dương, Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT Công ty cổ phần Thành Thành Công-Biên Hòa (TTC Sugar) cũng nói rõ, trước khi hội nhập ATIGA, Việt Nam có 41 nhà máy mía đường phía Bắc và diện tích mía đường có khoảng 300.000 ha với hơn 300.000 người trồng mía. Tuy nhiên, do tác động kép của dịch bệnh và Hiệp định ATIGA, hiện nay cả nước chỉ còn 30 nhà máy hoạt động, có tới 11 nhà máy đóng cửa. Trong 30 nhà máy đó, chỉ có 13 nhà máy còn hoạt động xoay vòng vốn, 17 nhà máy đang thua lỗ. Về nông dân, hiện nay chỉ còn dưới 170.000 người.
“Vào những năm 2015-2016, cả Việt Nam có thể sản xuất 1,5 - 1,6 triệu tấn mía đường, nhưng hiện nay chỉ sản xuất được 700.000 tấn. Trong khi dự kiến hết năm 2020, Việt Nam nhập khẩu 1,2 triệu tấn. Đó là điều bất hợp lý cho nông dân, nhà máy và doanh nghiệp”, ông Dương nhấn mạnh.
Cơ cấu lại ngành mía đường
Nêu lên nguyên nhân của thực trạng này, ông Lê Văn Tam, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn cho rằng, lý do chính là bởi đất trồng mía vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, phân tán, trong khi đó diện tích trồng mía chủ yếu là đất đồi; lao động tại nông thôn đang thiếu hụt trầm trọng. Chính bởi vậy, khi có những biến cố xảy ra, các DN ngành mía đường khó có thể vượt qua được rủi ro. Dẫn đến thực trạng hàng loạt nhà máy đóng cửa như dư luận xã hội đã chứng kiến.
Ông Tam cho rằng, thời gian tới cần rà soát lại các diện tích sản xuất mía đường và chỉ giữ lại các vùng trồng chiến lược và có hiệu quả; cần xác định diện tích kém hiệu quả có thể chuyển đổi thì có chính sách khuyến khích và cho phép chuyển đổi.
Thừa nhận những tác động của dịch bệnh Covid-19 đang khiến cho không chỉ các DN ngành mía đường khó khăn mà hầu hết DN các lĩnh vực kinh tế khác đều lận đận, ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện chiến lược và Phát triển Nông nghiệp nông thôn cho rằng, để vực dậy các DN ngành mía đường, rất cần phải rà soát lại các diện tích sản xuất mía đường hiện nay, không để phát triển một cách nhỏ lẻ và tự phát như trong thời gian qua.
“Chúng ta chỉ nên giữ lại các vùng trồng chiến lược và có hiệu quả. Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh áp dụng công nghệ cao, cơ giới hóa trong sản xuất… giảm tổn thất, từ đó giảm chi phí trồng mía”, ông Thắng nói.
“Chúng ta cũng cần chủ động theo dõi tình hình nhập khẩu, giám sát về đường nhập khẩu (chất lượng, xuất xứ) đồng thời nghiên cứu và đề xuất các biện pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm đường nhập khẩu phù hợp với các cam kết quốc tế, đặc biệt với đường lỏng (siro ngô nồng độ fructose cao) nhập khẩu vào Việt Nam. Các biện pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại đồng bộ, quyết liệt đối với mặt hàng đường”, ông Trần Công Thắng nêu quan điểm.