Ngày 16/9, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét và thông qua dự thảo Nghị quyết về một số giải pháp về miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19.
Cần triển khai thêm các giải pháp hỗ trợ
Bộ trưởng Bộ Tài Chính Hồ Đức Phớc nhận định, năm 2021, doanh nghiệp (DN), người dân vẫn phải đối mặt với không ít thách thức, khi mà dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp. Để tiếp tục hỗ trợ DN, người dân vượt qua khó khăn và thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục thực hiện một số giải pháp hỗ trợ.
Theo tính toán của Chính phủ, việc thực hiện giảm thuế thu nhập DN; giảm thuế đối với hộ kinh doanh; giảm thuế giá trị gia tăng; miễn tiền chậm nộp có thể làm giảm thu ngân sách khoảng 21.300 tỷ đồng.
Tán thành với sự cần thiết của việc ban hành nghị quyết trên, Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội đề nghị Chính phủ trong thẩm quyền của mình khẩn trương triển khai thêm các giải pháp hỗ trợ, giảm chi phí đầu vào, đặc biệt là các giải pháp tháo gỡ khó khăn về dòng tiền, tăng tính thanh khoản cho DN, xem xét khả năng thực hiện giải pháp cấp bù lãi suất hoặc có biện pháp thúc đẩy các ngân hàng thương mại điều chỉnh giảm hơn nữa lãi suất cho vay.
Theo ông Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, với tình hình sản xuất kinh doanh của DN hiện nay, nên triển khai chính sách hỗ trợ dựa trên chi phí lao động để góp phần thu hút lao động quay trở lại làm việc.
Chính sách này có thể thực hiện thông qua việc cho phép DN trong các ngành nghề, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng, được trừ chi phí lao động cao hơn mức chi trả thực tế. Chi phí lao động được khấu trừ cao hơn có thể là các khoản chi mang tính chất tiền lương, thưởng. Trong trường hợp DN có chi thêm các khoản bồi dưỡng, hỗ trợ người lao động vì dịch bệnh, có thể cho phép ưu đãi khấu trừ ở mức cao hơn nữa.
Hỗ trợ phải “đúng” và “trúng”
Khẳng định sự cần thiết của việc ban hành giải pháp miễn giảm thuế để hỗ trợ DN, người dân bị tác động của dịch Covid-19, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng: Hiện, người lao động mất việc làm đang bị ảnh hưởng lớn nhất, là đối tượng dễ bị tổn thương.
Việc tăng thời gian hỗ trợ để DN, hộ kinh doanh đủ “sức khỏe” là rất cần thiết. Vì vậy, theo ông Mẫn, cần tính toán mức giảm thuế VAT hợp lý đối với các ngành dịch vụ, du lịch, khách sạn, vận tải bị đóng cửa trong nhiều tháng qua.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, do nguồn lực có hạn nên cần hỗ trợ đúng và trúng đối tượng. Như TP HCM, Hà Nội và một số tỉnh bị ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19, chứ không phải tỉnh nào cũng bị thiệt hại. Chưa kể nhiều lĩnh vực lại có sự tăng trưởng từ dịch như sản xuất khẩu trang, thương mại điện tử...
Nếu hỗ trợ đúng đối tượng bị ảnh hưởng, mức hỗ trợ sẽ được nhiều hơn. Vì vậy phải làm sao bóc tách được DN bị ảnh hưởng, nơi bị tác động nặng nề để có mức hỗ trợ phù hợp, tránh việc đối tượng đáng được thụ hưởng lại không được và ngược lại.
Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết nhất trí ban hành nghị quyết về một số giải pháp nhằm hỗ trợ DN, người dân chịu tác động của dịch Covid-19. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2021.
Đảm bảo an ninh nguồn nước
Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Đề án bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy, Thường trực Ủy ban cơ bản nhất trí với quan điểm của Đề án như Chính phủ trình và cho rằng, quan điểm về bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia cần dựa trên các tiếp cận quốc tế, đồng thời phải phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của nước ta.
Tuy nhiên theo ông Huy, Đề án cần nghiên cứu bổ sung một số nội dung như: Chủ động giải quyết căn bản vấn đề về an ninh nguồn nước một cách đồng bộ; Bảo vệ, phát triển nguồn nước; phòng ngừa ô nhiễm nguồn nước…