Đối với đề xuất miễn học phí tới bậc THCS trong Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục hiện hành, nhiều ý kiến ủng hộ vì sẽ tạo thêm điều kiện học tập cho người dân, đặc biệt là người nghèo. Tuy nhiên, làm sao để không phát sinh thêm những khoản phí khác vẫn là băn khoăn của các bậc phụ huynh.
Học sinh THCS sẽ không phải đóng học phí theo tinh thần của Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.
Bài toán khó
Cô giáo Ngô Mỹ Lệ- hiệu trưởng trường THCS Khương Thượng (Hà Nội) ủng hộ đề xuất miễn học phí tới bậc THCS vì như vậy là đảm bảo phổ cập đến lớp 9. Đối với những trường hợp học sinh nào học hết lớp 9 mà không có cơ hội đi học thêm bậc THPT có thể đi học nghề. Đó cũng là một hướng mở mới cho các em. Chính sách này đặc biệt có ý nghĩa đối với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn dù ở thành thị hay ở nông thôn. Với những gia đình ở vùng sâu, vùng xa, nơi mức sống của đại đa số người dân vẫn còn thiếu thốn thì đây là một chính sách rất nhân văn.
PGS Trần Xuân Nhĩ- nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT cho rằng Dự thảo miễn học phí cấp THCS là đề xuất tiến bộ, tiệm cận với xu thế chung của thế giới. Ở các nước tiên tiến, học phí được miễn ở tất cả bậc phổ thông, bởi giáo dục phổ thông là kiến thức nền tảng cơ bản. Nếu vì lý do học phí mà công dân không được tiếp cận giáo dục phổ thông thì hệ lụy xã hội là rất lớn.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu ngân sách nhà nước có thể bù đắp được khoản học phí này không khi cùng với đó là đề xuất tăng lương cho giáo viên ở mức cao nhất trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp?
Hiện nay, sau khi nhà trường thu học phí, khoảng 40% được đưa về ngân sách nhà nước, 60% sẽ được địa phương cấp ngược chi cho các hoạt động của giáo dục hoạt động thường xuyên, chuyên môn, nghiệp vụ. Với những trường học sinh đông thì 60% của học phí không phải là số tiền ít.
Nếu như áp dụng miễn học phí đại trà trên cả nước, không phân biệt đối tượng giàu hay nghèo thì ngân sách sẽ phải bù một số tiền không nhỏ trong một thời gian dài hạn chứ không phải ngày một ngày hai. Trong khi ngân sách nhà nước hạn hẹp, nhu cầu phát triển ngày càng lớn thì đây quả là một bài toán khó.
Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, theo TS Nguyễn Tùng Lâm- chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội thì nếu như phải cân nhắc giữa việc miễn giảm học phí bậc THCS và tăng lương cho giáo viên, thì ngành giáo dục nên chọn hướng tăng lương để họ có động lực, tập trung tâm huyết dạy dỗ học sinh, còn học phí thì cứ để như cũ. Còn nếu đồng thời thực hiện được cả việc miễn học phí thì các khoản thu khác trong trường học phải được công khai, minh bạch nếu không phụ huynh lại phải gánh thêm các khoản phí mập mờ khác. Các khoản thu sau khi miễn học phí cũng cần được sự đồng thuận của phụ huynh học sinh. Các trường làm sai, cố tình thu nhiều sẽ phải xử lý thật nghiêm.
Dự kiến miễn học phí bậc THCS nhận được sự đồng tình của xã hội. (Nguồn: Báo Hải Phòng).
Đảm bảo học sinh được học hết chương trình cơ bản
Trước những băn khoăn của dư luận, ông Ngô Văn Thịnh- phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ GDĐT cho biết, việc miễn học phí cho cấp THCS là phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Nghị quyết khẳng định từ sau năm 2020, bậc học phổ thông sẽ thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm. Luật Giáo dục hiện hành cũng đã quy định phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục THCS. Đây là những căn cứ để Bộ GDĐT đề xuất việc miễn học phí cho học sinh bậc THCS. Gần đây nhất, nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2016 cũng đã giao Bộ GDĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng báo cáo trình trung ương và Quốc hội về việc miễn học phí cho học sinh THCS theo lộ trình đến năm 2020.
Theo ông Thịnh, lạm thu là vấn đề đã được Bộ GDĐT cân nhắc rất kỹ trước khi đưa ra đề xuất trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục. Bộ GDĐT cũng đã có nhiều giải pháp quyết liệt để kiểm soát được tình trạng lạm thu tại các nhà trường. Cụ thể, là việc ban hành văn bản quy định rất chặt chẽ về các khoản được thu, các khoản không được thu và yêu cầu các cơ sở giáo dục không được phép thu các khoản thu trái quy định. Để việc thực thi miễn học phí bậc THCS đạt hiệu quả, Bộ GDĐT và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời và xử lý nghiêm các cơ sở giáo dục, người đứng đầu các cơ sở giáo dục vi phạm.
Theo kế hoạch, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 (dự kiến vào tháng 5-2018) và thông qua tại kỳ họp thứ 6 (dự kiến vào tháng10/2018). Bộ GDĐT sẽ trình Chính phủ cho ý kiến vào tháng 1/2018.