Miền Tây cần một con đường chiến lược

S.Tuyến 05/07/2022 12:04

Đồng bằng sông Cửu Long được coi là vựa lúa, vựa trái cây, vựa cá nhưng vẫn chưa khai thác hết tiềm năng. Một trong những nguyên nhân là do hệ thống giao thông kết nối giữa vùng này với TP HCM  và Đông Nam bộ xuống cấp, không đồng bộ.

Đường bộ từ TP HCM về Miền Tây đã quá tải.

Một trong những bất cập nhất là tới nay vẫn chưa có tuyến đường sắt kết nối TP HCM với Cần Thơ, trong khi TP HCM là vùng kinh tế sôi động nhất cả nước, là nơi tiêu thụ hàng hóa lớn nhất cả nước.

Nhiều năm qua, hệ thống giao thông đường bộ hoàn toàn phụ thuộc vào Quốc lộ 1A vốn đã xuống cấp trầm trọng, lại phải oằn mình gồng gánh.

Theo ông Hà Ngọc Trường- Phó Chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP HCM , do tư duy coi trọng giao thông đường bộ, phần nào đó là đường thuỷ mà không quan tâm đường sắt nên khả năng kết nối giữa các vùng không cao. Cũng như ông Trường, nhiều ý kiến cho rằng phải làm hệ thống đường sắt kết nối TP HCM với ĐBSCL thì mới giải tỏa được tất cả các ách tắc về đường bộ. Nếu không tất cả "đè" lên đường bộ thì có làm bao nhiêu đường cũng ùn tắc. Việc giao thương cũng sẽ hạn chế, khi việc vận chuyển hàng hóa lẫn hành khách đều “giẫm chân tại chỗ”.

“Tôi nghĩ vấn đề đường sắt TP HCM - Cần Thơ phải nằm trong tổng thể giao thông kết nối vùng và phát triển kinh tế hợp tác vùng thì mới đem lại hiệu quả. Hiện nay, một kế hoạch như vậy chưa thật sự hình thành, nên đường sắt này chưa khả thi, chưa hấp dẫn nhà đầu tư”- Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nói.

Được biết, tới nay đã đầu tư dự án xây dựng tuyến đường sắt huyết mạch này. Theo đó, đường sắt hàng hóa bắt đầu từ ga An Bình (Dĩ An, Bình Dương), ga hành khách bắt đầu từ ga Tân Kiên (Bình Chánh) và điểm cuối cùng là ga Cái Răng (Cần Thơ). Tổng chiều dài 174 km đối với ga hàng hóa, 135 - 140 km đối với hành khách. Số lượng ga là 13 ga, qua các tỉnh Bình Dương, TP HCM , Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ. Căn cứ pháp lý để triển khai đường sắt theo Nghị quyết 120 /2017 của Chính phủ phát triển ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, Quyết định 1769/2021 phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quyết định 287/2022 phê duyệt quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Nói như TS Trần Du Lịch- thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, thì nhất thiết phải đầu tư dự án đường sắt kết nối bởi đây là “con đường chiến lược để phát triển”.

Còn kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, tuyến đường sắt TP HCM - Cần Thơ khi hình thành sẽ giúp ích rất nhiều cho giao thông kết nối. Tuy nhiên, phải nghiên cứu và nhìn tuyến đường sắt này trong tổng thể hiện trạng giao thông bao gồm cả đường sắt, đường bộ cao tốc, hàng không, đường thuỷ…

“Cần phải tính toán kỹ đường sắt này khi xây dựng xong thì hiệu quả như thế nào, bao lâu thì hoàn vốn, đóng góp cho việc vận chuyển hàng hoá, hành khách như thế nào… Nói tóm lại, tính khả thi cần phải làm rõ” - ông Sơn nói.

Xin được nhắc lại, theo Quyết định 1769/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 9/10/2021 về phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, tuyến đường sắt TP HCM - Cần Thơ có chiều dài 174km, đường đôi, khổ 1.425mm, dự kiến nghiên cứu đầu tư trong giai đoạn đến năm 2030. Bộ Giao thông vận tải đã giao Ban Quản lý dự án đường sắt nghiên cứu chuẩn bị đầu tư dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025. Bộ Giao thông vận tải cũng đề nghị TP HCM và các địa phương chủ động phối hợp với Bộ trong quá trình nghiên cứu.

Đây là dự án có quy mô lớn, tính chất phức tạp, thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc- gia nên việc nghiên cứu chuẩn bị đầu tư cần được tính toán xem xét một cách kỹ lưỡng nhằm đảm bảo hiệu quả. Và cần phải đẩy nhanh để dự án sớm được triển khai để có thể góp phần giúp ĐBSCL phát triển nhanh và mạnh hơn nữa trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Miền Tây cần một con đường chiến lược