Thống kê các ca nhiễm Covid-19 của tỉnh Đồng Tháp, số ca nhiễm chéo trong khu cách ly khá lớn. Cụ thể như ngày gần nhất từ 18h ngày 16 đến 6h ngày 17/7 tỉnh này ghi nhận 41 ca mắc mới. Trong đó, có 26 ca trong các cơ sở cách ly tập trung, 10 ca trong khu vực phong tỏa, 1 ca về từ TP HCM, 4 ca trong cộng đồng, cũng có tiền sử tiếp xúc với người về từ TP HCM. Tình trạng lây nhiễm chéo trong khu cách ly khiến cho lực lượng phòng, chống dịch của Đồng Tháp gặp nhiều khó khăn.
Giải bài toán lây nhiễm chéo trong khu cách ly
Ngoài tính toán việc thành lập thêm các điểm, khu cách ly tập trung hay đề xuất cách ly F1 tại nhà, mới đây tại Bệnh viện đa khoa Sa Đéc, một bác sĩ của bệnh viện đã sáng tạo ra robot vận chuyển thức ăn và vật dụng cho người bệnh tại khu cách ly để hạn chế tối đa nhất tiếp xúc giữa đội ngũ y bác sĩ với bệnh nhân.
Bác sĩ Lê Ngọc Lâm, Trưởng Khoa xét nghiệm của Bệnh viện đa khoa Sa Đéc, người sáng chế ra robot vận chuyển cho biết: Nhìn thấy đồng nghiệp đang điều trị và tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân rất nguy hiễm, dễ lây nhiễm chéo trong khi sử dụng đồ bảo hộ rất tốn kém nên tôi suy nghĩ và sáng chế ra robot vận chuyển, phần nào hỗ trợ, tiếp sức cho đồng nghiệp của mình tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19…
Tính đến nay Bạc Liêu có khoảng trên 1.600 trường hợp cách ly tập trung. Để giảm thiểu tình trạng lây nhiễm chéo trong khu cách ly, UBND tỉnh này đã có văn bản trưng dụng các cơ sở lưu trú, khách sạn trên địa bàn để phục vụ cho công tác tổ chức cách ly tập trung nhằm giảm diện tích tiếp xúc giữa các bệnh nhân với nhau, đây được xem là giải pháp hữu hiệu tránh tình trạng lây nhiễm chéo trong các khu cách ly.
Số lượng người phải cách ly tập trung ngày càng tăng, gây áp lực đối với các địa phương và các lực lượng chức năng, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ lây chéo trong nội bộ các khu cách ly. Trong điều kiện hiện nay, phương án cách ly tập trung tại các khách sạn, nơi lưu trú trên địa bàn tỉnh theo hình thức xã hội hóa, người cách ly trả tiền dịch vụ cho cơ sở lưu trú với mức giá hợp lý là cần thiết, song phải đảm bảo tốt nhất các điều kiện an toàn cách ly phòng, chống dịch.
Bà Đỗ Ái Lam, Phó Chủ tịch UBND thành phố Bạc Liêu, cho biết hiện thành phố có 4 điểm cách ly tập trung người F1 và người từ vùng dịch về gồm: Điểm ở số 32 Nguyễn Du, phường 5, điểm ở số 16 đường Võ Thị Sáu, phường 3, điểm ở số 80 đường Trần Huỳnh (trường mầm non Bạc Liêu) phường 1, điểm ở khách sạn Hoàng Sa, phường Nhà Mát với 200 người đang cách ly tập trung.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh như hiện nay, nhất là tình hình người từ vùng dịch về ngày càng nhiều, UBND đã khẩn trương khảo sát chuẩn bị một số địa điểm cách ly tập trung để đưa vào hoạt động dự phòng khi điểm cách ly tập trung của thành phố quá tải. 2 địa điểm đã khảo sát xong là Trường Đại học Bạc Liêu cơ sở II và khu ký túc xá sinh viên trường chính trị Châu Văn Đặng với quy mô cách ly tập trung khoảng 350 người.
Đẩy mạnh tiêm vaccine
Chia sẻ từ lực lượng phòng, chống dịch ở các địa phương cho thấy, giải pháp hữu hiệu và chắc chắn nhất thời điểm này vẫn là nhanh chóng tiêm vaccine cho người dân.
Ở Cần Thơ thống kê sơ bộ, đến nay thành phố đã tiếp nhận 2 đợt vaccine với 19.700 liều của Hãng AstraZeneca, đến nay đã tổ chức tiêm cho khoảng 13.000 người thuộc các đối tượng ưu tiên tuyến đầu chống dịch, trong đó có 6.700 người được tiêm đủ 2 lần tiêm.
Theo UBND thành phố Cần Thơ, hiện đã chỉ đạo cho các bệnh viện, CDC rà soát chuẩn bị tiếp nhận 20.000 liều vaccine mới được Bộ Y tế phân bổ đợt 3, triển khai tiêm ngừa với số lượng lớn, đảm bảo đạt yêu cầu tiêm nhanh, an toàn và hiệu quả. Đợt này, ngoài các đối tượng ưu tiên, sẽ ưu tiên tiêm phòng cho công nhân, người lao động làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn.
Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường cho biết, giải pháp cơ bản để phòng chống dịch vẫn là vaccine. Tuy nhiên, vaccine hiện nay rất hiếm, số lượng được phân bổ có hạn, thành phố tích cực tìm kiếm nguồn nhưng khó vô cùng. Do đó, cùng với việc chờ đợt vaccine thì phải dồn hết sức phòng thủ. Nếu tuyến phòng thủ bị thủng thì thành phố sẽ kích hoạt phương án ở 4 cấp độ dịch khác nhau đã được sẵn sàng.
Những ngày qua, cả hệ thống chính trị ở Cần Thơ đã vào cuộc tập trung chống dịch, thực hiện các biện pháp xiết chặt tuyến phòng thủ bên ngoài, tăng cường tấn công bên trong, nhằm ngăn chặn các vệt lây vào địa bàn. Các ngành chức năng của thành phố đã khẩn trương rà soát, truy vết, khoanh vùng, lấy mẫu xét nghiệm, cách ly các trường hợp liên quan.
Với quyết tâm cao nhất cho công tác phòng, chống, kiểm soát chặt chẽ các ổ dịch Covid-19 trên địa bàn, nhất là việc truy vết, khoanh vùng, cách ly triệt để, điều trị kịp thời các ca mắc không để dịch lây lan trên diện rộng; do đó, thành phố đã quyết định giãn cách, phong tỏa nhiều nơi, trong đó có những nơi chưa phát hiện ca F0 nhưng có nguy cơ cao và lập hàng chục chốt kiểm soát dịch bệnh tại các cửa ngõ ra vào thành phố và các khu vực giáp ranh giữa các quận, huyện. Điều này cũng gây ra một số khó khăn nhất định cho người dân trong việc đi lại, mua sắm hàng hóa, buôn bán, kinh doanh và những nhu cầu thiết yếu khác...
Để thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cũng kêu gọi người dân thành phố chung tay với lực lượng phòng chống dịch, người dân cần giữ bình tĩnh, không hoang mang; nâng cao tinh thần cảnh giác với các thông tin xấu, sai sự thật; đồng thời, thể hiện những hành động đẹp, ấm áp nghĩa tình để động viên tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ nơi tuyến đầu chống “giặc” Covid-19. Mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi gia đình là một pháo đài vững chắc trong cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh.
Hiện thành phố Cần Thơ đã kích hoạt thêm 13 điểm cách ly tập trung, nâng tổng số 34 điểm cách ly tập trung trên địa bàn…
(Còn nữa)