Năm nào cùng vậy, vào mùa nắng nóng, các địa phương miền Trung lại đối diện với nguy cơ cháy. Thực tế đã có những trận cháy rừng lớn gây thiệt hại nặng nề cho các địa phương.
Một vụ cháy rừng ở Quảng Ngãi mới đây.
Năm 2016 Quảng Nam, Quảng Ngãi cũng đã đối diện với những trận cháy rừng. Như vụ cháy rừng ngày 17/5 ở thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi đã làm cho hơn 10 ha keo bị thiêu rụi. Hay trước đó, ngày 11/4 cũng tại địa phương này, trong quá trình đốt rẫy, một hộ dân để cháy lan gần rừng phòng hộ Nước Nia, may mà UBND huyện kịp thời huy động hơn 100 cán bộ, công an, bộ đội kịp thời dập tắt vụ cháy. Hoặc như ở Quảng Nam chiều ngày 21/4 cũng đã xảy ra vụ cháy rừng ở xã Đại Sơn, huyện Đại Lộc, thiệt hại gần 12 ha rừng keo…
Theo thông tin từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam, 5 năm trở lại đây có trên 57 vụ cháy rừng xảy ra, gây thiệt hại gần 300 ha rừng trồng và cả rừng tự nhiên. Như tại huyện Đại Lộc, 4 năm qua (2012 - 2015), đã xảy ra 5 vụ cháy rừng làm thiệt hại 36,04 ha rừng trồng. Cháy rừng còn gây ô nhiễm môi trường, đe dọa tính mạng nhân dân sống ven rừng và ảnh hưởng đến môi trường đầu tư.
Nắng nóng cùng với sự bất cẩn của người dân là nguyên nhân chính dẫn đến cháy rừng. Thời tiết càng nắng nóng thì nguy cơ cháy rừng càng cao. Điều đáng nói là do ý thức chủ quan của con người như đốt nương làm rẫy, đốt than, xử lý thực bì để trồng rừng, khai hoang, đốt ong, thắp hương mồ mả, vệ sinh rừng sau khai thác,… là những nguyên nhân cháy rừng gây hậu quả nặng nhất.
Thời gian này, Quảng Nam và Quảng Ngãi đã triển khai nhiều biện pháp PCCCR. Trong đó, nhiều địa phương đã khoanh vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng để phối kết hợp với lực lượng kiểm lâm chủ động đối phó với cháy rừng vào đỉnh điểm mùa khô.
Ngành kiểm lâm cũng đã bỏ ra hàng tỷ đồng để mua các loại xe chữa cháy rừng chuyên dụng, máy bơm nước chữa cháy, cưa xăng, thuyền máy, ca nô, ô tô, xe máy, hệ thống thông tin liên lạc, đồ bảo hộ, kẻng báo động… Để phòng xa, chính quyền các địa phương còn đề nghị người dân ký cam kết cấm mang theo lửa trong những khu rừng có nguy cơ cháy cao. Ngành kiểm lâm cho rằng, chủ rừng phải chịu trách nhiệm đầu tiên về công tác bảo vệ và PCCCR trong lâm phận do mình quản lý.
UBND tỉnh các tỉnh cũng đã ký quyết định phê duyệt phương án PCCCR rừng trên địa bàn tỉnh. Hạt Kiểm lâm các huyện đã chủ động xây dựng và triển khai chương trình kế hoạch công tác bảo vệ, PCCCR trên địa bàn. Củng cố, kiện toàn các ban chỉ đạo bảo vệ và phát triển rừng cấp huyện. Ký kết lại hợp đồng bảo vệ rừng trong mùa khô đối với tất cả các xã có nguy cơ cháy rừng. Chuẩn bị đầy đủ nguồn lực và các dụng cụ chữa cháy theo phương châm “3 tại chỗ”.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh cũng cho biết, diễn biến thời tiết khô hạn năm nay vô cùng phức tạp, nên nhiều khu rừng xung yếu rất dễ xảy ra cháy.