Ngày 23/11, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia thông tin, từ ngày 25 đến 27/11, khu vực từ Quảng Trị đến Khánh Hòa sẽ có mưa to 100-300mm, cục bộ có nơi trên 600mm.
Cũng trong sáng 23/11, một vùng áp thấp đã hình thành trên vùng biển Nam Biển Đông. Vùng áp thấp này có xu hướng dịch chuyển chậm về phía Tây và không loại trừ khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.
Trong ngày 23/11, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đã có công văn 436 đề nghị Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố từ Quảng Trị đến Khánh Hòa chủ động ứng phó với mưa lớn và nguy cơ xảy ra lũ, ngập úng, lũ quét, sạt lở đất trong đợt mưa này.
Công điện nêu rõ: Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do mưa lớn, nguy cơ xảy ra lũ, ngập úng, lũ quét, sạt lở đất, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố trên theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại. Các tỉnh, thành phố triển khai lực lượng xung kích, kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất; kiểm tra, rà soát phương án vận hành đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra, đồng thời sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Trước đó, đợt mưa lũ từ ngày 12 đến ngày 17/11 đã gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh miền Trung, từ Nghệ An tới Phú Yên. Các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam nhiều nơi ngập nặng. Đợt mưa lũ đã khiến 5 người thiệt mạng, hàng chục ngàn ngôi nhà bị ngập ước, giao thông ùn tắc, nhiều địa phương miền núi bị sạt lở. Mưa lớn kéo dài khiến cho nước tại các hồ thủy lợi, thủy điện trong khu vực lên cao, đe dọa an toàn của hồ cũng như hạ du. Nước nhiều dòng sông tràn bờ, trên báo động 3.
Tại tỉnh Hà Tĩnh, trận mưa đêm 13/11 đã khiến các huyện Thạch Hà, Can Lộc, Lộc Hà… bị ngập lụt, nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch bị chia cắt. Tại vùng ven biển huyện Lộc Hà xảy ra lốc xoáy, gây thiệt hại lớn về nhà cửa, tài sản của người dân. Nhiều công trình trường học, đường giao thông, kênh mương thủy lợi tại các huyện Vũ Quang, Can Lộc, Lộc Hà bị sạt lở, hư hỏng.
Tại tỉnh Quảng Trị, hơn 1.000 nhà dân, nhiều trường học ở huyện Cam Lộ và gần 200 nhà dân ở thành phố Đông Hà bị ngập. Gần 500 hộ dân đã phải sơ tán. Lụt cũng gây ngập cục bộ nhiều địa bàn các huyện Hải Lăng, Triệu Phong và cả huyện miền núi Đakrông, Hướng Hóa của tỉnh Quảng Trị.
Tại Đà Nẵng, mưa to kéo dài khiến, huyện Hòa Vang là tâm điểm của đợt mưa lũ. Lũ từ thượng nguồn sông Cu Đê đổ về làm chia cắt thôn Lộc Mỹ và nhiều khu vực ở thôn Nam Yên ngập sâu đến hơn nửa mét, 83 nhà bị ngập.
Tại Quảng Nam, thôn Khương Mỹ (xã Đại Cường, huyện Đại Lộc) sạt lở bờ sông Vu Gia chiều dài khoảng gần 100m, sâu từ 4-5m đã ảnh hưởng đến việc đi lại của hàng trăm hộ dân. Trong khi đó, tại các huyện miền núi cao của Quảng Nam mưa lũ khiến giao thông nhiều vùng bị chia cắt. Các ngầm sông Trường, sông Nước Oa trên QL40B qua các xã Trà Sơn, Trà Tân bị ngập sâu hơn 1m.
Chính vì vậy, với đợt mưa sắp tới, các tỉnh miền Trung đã lên phương án để giảm tới mức thấp nhất thiệt hại, bảo vệ an toàn cho người dân.