Trung tuần tháng 6, tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Ủy Ban Dân tộc đã tổ chức hội thảo “Tham vấn xây dựng chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế- xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020” với sự tham dự của hơn 80 đại biểu đến từ 14 tỉnh, thành phố thuộc khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Đời sống tinh thần của bà con dân tộc có nhiều đổi thay
Trong 5 năm qua, các chính sách của Chính phủ hỗ trợ phát triển kinh tế- xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã từng bước triển khai có hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống kinh tế, xóa đói giảm nghèo, ổn định an ninh chính trị và tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.
Cụ thể, các chính sách của Chính phủ triển khai hỗ trợ xây dựng hơn 373.000 căn nhà, giải quyết đất sản xuất cho hơn 100.000 hộ, đất ở cho gần 95.000 hộ, xây dựng hơn 1.800 công trình nước sinh hoạt tập trung; tổ chức định canh định cư cho gần 20.000 hộ dân, với 41 điểm định cư tập trung và 107 dự án định cư xen ghép, hơn 30 triệu lượt hộ được hỗ trợ vốn vay sản xuất… với tổng số tiền gần 10.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nhìn chung tốc độ giảm nghèo vẫn còn chậm và chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo vẫn còn cao, nhiều chương trình, dự án triển khai chồng chéo, thiếu tập trung, nguồn lực đầu tư dàn trải nên hiệu quả chưa cao.
Theo tờ trình của Ủy ban Dân tộc, giai đoạn 2016-2020, chính sách đặc thù phát triển kinh tế- xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi sẽ tập trung vào 3 nội dung chính, đó là: Hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ nghèo ở xã, thôn đặc biệt khó khăn và hộ dân tộc thiểu số nghèo; bố trí sắp xếp ổn định dân cư vùng khó khăn và hỗ trợ tín dụng, với tổng kinh phí thực hiện lên đến gần 38.718 tỷ đồng.
Để chính sách này được triển khai đạt kết quả cao, hội thảo đã dành nhiều thời gian tham luận, tổng hợp được nhiều ý kiến đóng góp vào dự thảo xoay quanh các nội dung về cách thức triển khai, phương pháp hỗ trợ, tiếp cận đối tượng, cơ chế quản lý và phối hợp, tích hợp với các chương trình khác… sao cho đảm bảo mang tính đặc thù, phù hợp với điều kiện thực tế và yêu cầu của mỗi vùng miền.
Theo ông Bon Yo Soan, Phó Trưởng Ban dân tộc tỉnh Lâm Đồng, hiện nay chính sách là chính sách chung của cả nước, tuy nhiên trong quá trình thực hiện chính sách thì tùy vào địa phương, tùy vào điều kiện cụ thể của từng vùng để triển khai thực hiện thì mới đảm bảo mang lại hiệu quả.
Đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù mới nhằm tiếp tục phát triển kinh tế-xã hội Miền Trung- Tây Nguyên, nhiều đại biểu cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu tăng suất đầu tư về giao thông và thủy lợi để phù hợp với nhu cầu, đặc điểm địa lý tự nhiên của các địa bàn miền núi, vùng cao, vùng sâu; đầu tư xây dựng các hồ chứa, đập dâng để tích nước, hoàn thiện hệ thống kênh mương phục vụ tưới tiêu. Cùng với đó cần tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác cử tuyển, tăng cường thu hút học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số thuộc các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã trọng điểm vùng đồng bào dân tộc thiểu số vào học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường cao đẳng, đại học; có định hướng ưu tiên đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật là người dân tộc thiểu số đối với các ngành nông-lâm nghiệp, giáo dục, y tế, văn hóa.
Chủ trì Hội nghị, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Sơn Phước Hoan nhận định: Trước đây chúng ta xây dựng chính sách trong thời gian chưa dài, cho nên đối tượng và mục tiêu đưa ra có thể không phù hợp. Lần này xây dựng với một khoảng thời gian dài, có tính chủ động như thế thì chắc chắn sẽ lồng ghép, phối hợp được tốt hơn.