Miền Trung trước cơn bão dữ

Nhóm PV 27/09/2022 06:32

Bão Noru (bão số 4) được dự báo là một trong những cơn bão mạnh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây, ảnh hưởng đến Trung Trung bộ. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, khoảng ngày 28/9, bão sẽ đi vào đất liền các tỉnh Trung Trung bộ, sau đó đi xuyên qua Tây Nguyên, sang Lào rồi Thái Lan trước khi suy yếu thành vùng áp thấp.

Cán bộ Đồn Biên phòng Vinh Xuân (Thừa Thiên Huế) giúp ngư dân di chuyển thuyền lên bờ tránh bão. Ảnh: Võ Tiến.

Chia sẻ với báo chí chiều 26/9, ông Nguyễn Văn Hưởng - Trưởng phòng Dự báo thời tiết của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, Noru (bão số 4) là cơn bão có cường độ mạnh, cường độ bão thời điểm trước khi đổ bộ vào khu vực đảo Luzon của Philippines đạt cấp 15, giật cấp 17. Sáng 26/9, bão đi vào Biển Đông, gió 12, giật 14. “Đây là một cơn bão rất mạnh, dự báo là một trong những cơn mạnh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây ảnh hưởng đến Trung Trung bộ của nước ta. Cơn bão này mạnh tương đương bão số 6 - Xangsane 9/2006; bão số 9 - Ketsana 10/2009 và bão số 9 - Molave 10/2020” - ông Hưởng cho biết.

Mưa to gió lớn, nước biển dâng cao, nguy cơ lũ quét và sạt lở đất

Chiều 26/9, thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, tốc độ di chuyển của cơn bão số 4 là khá nhanh, trung bình khoảng 20 - 25 km/giờ. Trong 48 giờ tới, bão số 4 di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20 -25 km, cường độ đạt mạnh nhất khi ở khu vực gần quần đảo Hoàng Sa, ở mức cấp 14, giật cấp 16.

Như vậy, khoảng sáng đến trưa 28/9, bão sẽ đi vào đất liền các tỉnh Trung Trung bộ.

Khi vào Biển Đông, bão số 4 gây mưa lớn, gió mạnh cấp 8 - 9, sau tăng lên cấp 10 - 11; vùng gần tâm bão cấp 12 - 14, giật cấp 16; sóng biển cao từ 9 - 11 m; biển động dữ dội.

Từ trưa nay, 27/9, vùng biển ngoài khơi khu vực từ Quảng Bình đến Ninh Thuận (bao gồm huyện đảo Cồn Cỏ, Cù lao Chàm, Lý Sơn) có gió mạnh cấp 8 - 9, sau tăng lên cấp 10 - 11, vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 - 14, giật cấp 17, sóng biển cao 8 - 10 m, biển động dữ dội. Từ tối và đêm 27/9, vùng biển ven bờ khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định sóng biển cao 3 - 5 m, vùng gần tâm bão 6 - 8 m. Khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi cần đề phòng nước dâng do bão gây ngập úng tại khu vực trũng, thấp ở ven biển, cửa sông. Toàn bộ tàu thuyền, khu nuôi trồng thủy sản và các hoạt động tại các vùng biển trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn, lốc xoáy và nước biển dâng do bão.

Tới gần sáng ngày mai, 28/9, khu vực ven biển từ Quảng Trị trở vào đến Ninh Thuận có gió mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 7 - 8, giật cấp 9 - 10; ven biển khu vực Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, từ sáng sớm ngày 28/9 có gió mạnh cấp 9 - 10, vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 - 13, giật cấp 14 - 15, các khu vực sâu hơn trong đất liền gió mạnh cấp 8 - 9; giật cấp 12 – 13. Tại Tây Nguyên, khu vực Kon Tum, Gia Lai ngày 28/9 có gió mạnh dần lên cấp 7 - 8, có nơi cấp 9, giật cấp 11.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ chiều nay, 27/9 sang ngày 28/9, khu vực Trung Trung bộ, bắc Tây Nguyên mưa to đến rất to và dông kèm gió giật mạnh, lượng mưa phổ biến 150 – 300 mm, có nơi trên 350 mm. Từ 28 - 30/9 mưa có xu hướng mở rộng ra khu vực Bắc Trung bộ. Trong trường hợp mưa lớn trên 300 mm thì các sông ở khu vực từ Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam ở mức báo động 1 đến báo động 2. Các sông ở Bình Định, Kon Tum, Gia Lai ở mức báo động 2 đến báo động 3. Các sông ở Thừa Thiên Huế ở mức báo động 1.

Nếu mưa lớn trên 400 mm, đỉnh lũ trên các sông ở khu vực Trung Trung bộ, bắc Tây Nguyên phổ biến ở mức báo động 2 đến báo động 3 và trên báo động 3. Riêng sông Hương tại Huế lên mức trên báo động 2. Ngập lụt diện rộng tại các tỉnh Trung Trung bộ và khu vực bắc Tây Nguyên.

Còn nếu mưa lớn phổ biến trên 400mm, sẽ có khoảng trên 60 huyện và khu đô thị có nguy cơ ngập lụt tại Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Kon Tum, Gia Lai…

Ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia cho biết, trong cơn bão này, vùng nguy hiểm chịu ảnh hưởng của bão là miền Trung. Cùng với ảnh hưởng của mưa, gió thì với các địa phương chịu ảnh hưởng nguy hiểm của bão, có lượng mưa lớn trong vài ngày thì nguy cơ lũ quét và sạt lở đất tại các địa phương này là rất lớn.

Người dân xã Bình Hải (Quảng Ngãi) gia cố mái nhà chống bão.

Các địa phương dồn sức chống bão

Tại Quảng Nam, Quảng Ngãi, chính quyền và người dân đang ra sức triển khai các biện pháp cấp bách như cấm tàu thuyền ra khơi, kêu gọi tàu thuyền vào bờ trú bão, chằng chống nhà cửa, khẩn trương thu hoạch hoa màu...

Chiều 26/9, tại các bến Cửa Đại, TP Hội An và âu thuyền An Hòa (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam), tàu thuyền của ngư dân địa phương đã vào neo đậu an toàn. Trên các tuyến đường thành phố Tam Kỳ, thị trấn Phú Thịnh, huyện Phú Ninh, ngành chức năng đã cưa cành cây để tránh gãy đổ khi gió lớn.

Ông Lê Quang Trung - Chủ tịch UBND huyện miền núi Phước Sơn cho biết, huyện đã làm việc với các xã vùng cao chủ động di dời các hộ dân ở những nơi có nguy cơ sạt lở cao; nơi có nguy cơ ách tắc giao thông thì đã vận chuyển gạo đến các tận nơi để đảm bảo bà con không bị đứt bữa trong trường hợp mưa bão lớn, bị cô lập.

Tới sáng 26/9, tỉnh Quảng Ngãi đã cấm tất cả các phương tiện, tàu, thuyền ra biển, bao gồm cả phương tiện vận tải hành khách tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn và ngược lại. Các chủ lồng, bè nuôi trồng thuỷ sản trên biển, ven biển đã khẩn trương di chuyển vào nơi neo đậu an toàn. Tổ chức neo đậu tàu, thuyền, lồng bè đảm bảo an toàn tại nơi neo trụ; chủ động đưa tàu nhỏ lên bờ để hạn chế thiệt hại. Tuyệt đối không để người ở lại trên tàu, thuyền, lồng bè khi có sóng, gió lớn

Ông Võ Văn Đồng, Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn cho biết, ngoài xã Bình Hải, hiện có một số xã khác như Bình Châu, Bình Phú đã có nhiều người dân tự xây dựng hầm trú bão. Với kinh phí thấp, những căn hầm nhỏ là nơi trú ẩn an toàn cho các hộ dân có nhà không kiên cố khi mưa bão. Hầm trú bão được xây dựng gần nhà dân, chỉ có diện tích dưới 10 m2, kết cấu bê tông cốt thép kiên cố theo kiểu lô cốt, có sức chứa tối đa 15 người.

Tỉnh Bình Định cũng đã triển khai công tác ứng phó bão theo phương châm “4 tại chỗ” với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhất; đồng thời kích hoạt phương án ứng phó với cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang, tỉnh này là 1 trong 4 địa phương nằm trong vùng tâm bão, cảnh báo mức độ thiên tai cấp 4. Ngoài việc khẩn trương di dời dân ở các khu vực nguy hiểm, Bình Định còn rà soát các khu du lịch ven biển, thông tin kịp thời, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch có phương án ứng phó và di dời khách du lịch đến nơi an toàn.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn cho biết, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương rà soát phương án di dời dân, có phương án cụ thể cho trường hợp thiên tai ở cấp độ 4 và rà soát toàn bộ nhà cấp 3, cấp 4 nguy cơ cao. Các địa phương phải chủ động phương án dự trữ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân trong tình hình bị chia cắt.

Tại Phú Yên, ngày 26/9, tỉnh đã thành lập đoàn đi kiểm tra công tác ứng phó cơn bão số 4 tại một số công trình trọng điểm, kè biển, hồ đập… trên địa bàn thành phố Tuy Hòa và huyện Tuy An; yêu cầu các đơn vị thi công khẩn trương gia cố các điểm xung yếu, đưa trang thiết bị, máy móc, vật tư… đến nơi an toàn.

Với vùng nuôi trồng thủy sản thuộc khu vực Hòn Yến (xã An Hòa Hải, huyện Tuy An), người dân nuôi tôm hùm đã khẩn trương thu hoạch tôm nuôi với phương châm “xanh nhà còn hơn già đồng” nhằm tránh thiệt hại khi bão vào. Ông Trần Sáu - Chủ tịch UBND xã An Hòa Hải cho biết, kể từ ngày 25/9, xã đã liên tục phát thông báo cảnh báo về cơn bão số 4 trên loa truyền thanh xã; cử lực lượng xuống hướng dẫn người dân đưa tàu thuyền đến nơi an toàn; kiên quyết không để người ở lại trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản và trên tàu thuyền tại các khu neo đậu…

Tại thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), ông Lưu Thành Nhân - Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết, địa phương có 125 điểm xung yếu có khả năng xảy ra sạt lở đất, 140 điểm có khả năng xảy ra ngập lụt và ngập cục bộ... đều đã được cảnh báo và chuẩn bị lực lượng ứng trực. Còn trên phạm vi toàn tỉnh, Khánh Hòa có 6 hồ chứa nước đang tiến hành xả điều tiết nhằm hạ thấp mực nước để chủ động ứng phó với khả năng mưa lớn...

Sáng 26/9, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai cùng đoàn công tác đã đến kiểm tra tình hình phòng chống bão số 4 tại Cảng neo đậu Tịnh Hòa (xã Tịnh Hòa, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi). Báo cáo với đoàn công tác, bà Bùi Thị Quỳnh Vân - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi cho biết, hiện nay, tỉnh đã chủ động các phương án ứng phó trước khi cơn bão số 4 đổ bộ vào đất liền. “Điều quan tâm nhất là đảm bảo tính mạng cho người dân và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản. Quảng Ngãi đặc biệt chú trọng đến 5 huyện miền núi và huyện đảo Lý Sơn. Lý Sơn được xác định là vùng đầu tiên ảnh hưởng nặng của bão nên lực lượng quân đội đã giúp cho bà con chằng chống nhà cửa và thực hiện các phương án ứng phó. Đến chiều nay, tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo cho các tỉnh miền núi” - bà Vân nói.

T.Thành-C.Đại

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Miền Trung trước cơn bão dữ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO