Miệt mài truyền lửa trống quân

Minh Phúc 09/01/2017 10:35

Ở tuổi 80 lưng còng, mái tóc trắng như mây, nhưng nghệ nhân Nguyễn Thị Vẫy (thôn Đan Nhiễm, xã Khánh Hà, Thường Tín, Hà Nội) vẫn hát trống quân đến quên cả tuổi tác.

Miệt mài truyền lửa trống quân

Nghệ nhân Nguyễn Thị Vẫy.

Ở tuổi gần đất xa trời, cụ Vẫy vẫn “say” hát trống quân một cách đặt biệt. Niềm say mê ấy như một điều gì đó từ trong sâu thẳm, cứ thôi thúc cụ ngày đêm miệt mài gìn giữ, hát cho đỡ nhớ, đỡ quên, gặn chắt chút sức lực còn lại để truyền toả cho đời sau một “báu vật” vô giá. Hướng ánh nhìn ra dòng Nhuệ Giang, phía dòng sông gợn màu đen đúa, cụ Vẫy cứ tự nhiên hát trống quân như không có ai hối thúc.

“Ai về đàng ấy thì xa/ Có về Đan Nhiễm với tôi thì về/ Đan Nhiễm có bóng cây đề/Có sông tắm mát có nghề chẻ nan/ Chẻ nan, đan giậm cho ngoan/ Mài dao cho sắc vót nan cho mềm...”.

Hình như đời cụ chắt chiu tất cả trong những câu hát ấy. Vì thế nên nó có cái gì đó vô cùng tự nhiên, như thể từ trong lồng ngực trào ra không hề gượng ép. Chẳng cứ hội hè đình đám, hội diễn hội thao, liên hoan trống nhạc linh đình, cụ Vẫy hát mọi lúc mọi nơi.

Đan giậm, chẻ nan cũng hát, ru cháu cụ cũng hát, làm việc nhà cụ cũng hát, ngồi chơi cũng hát, ra đình làng cũng hát. Tôi có cảm giác hễ cụ Vẫy cất tiếng nói sẽ thành câu hát trống quân mà chẳng ai bắt chiếc được.

Mà cụ đâu chỉ hát trống quân, cụ hát được nhiều làn điệu, thể cách lắm. Hát xẩm, hát ru, hát trống quân thì cụ Vẫy gần như trở thành của hiếm ở làng. Cái nếp nói, nếp nghĩ, nếp cảm trong trống quân ấy cụ Vẫy ngấm từ người mẹ.

Khi bắt đầu được nghe mẹ hát thì cũng là lúc tiếng hát trống quân dường như đã có sẵn một phần trong cô bé Vẫy rồi. Đến tuổi phát tiết dung nhan, nhằm những đêm trăng sáng đỉnh đầu, trăng soi rõ gương mặt người, in bóng xuống dòng Nhuệ Giang xanh thẳm, cô thôn nữ chân quê mộc mạc thường ra bến sông hát đối đáp.

Có khi bạn từ phía bên kia sông sang, có khi từ phía làng trên xuống. Tiếng hát vang động xóm làng, vang khắp dòng sông. Dòng sông phủ đầy câu hát trống quân, thức cùng điệu hát trống quân, và dòng sông cũng đang hát cùng lòng người.

Tiếng hát trống quân của cô thiếu nữ Vẫy có một sức cuốn hút đặc biệt. Nó như một thứ phép lạ đánh thức tình yêu trong trẻo trong người con trai vốn từ lâu đã đem lòng cảm mến.

Chàng trai ấy yêu giọng hát, yêu luôn cái nết na, thuỳ mị rồi họ thành vợ thành chồng. Các cụ ăn ở với nhau đến gần hết cuộc đời, gắn bó thuỷ chung, son sắt, bền chặt như cau với trầu.

Thế mà có dạo tiếng hát trống quân ở cái thôn Đan Nhiễm dần bị mai một, lớp trẻ ngoảnh mặt thờ ơ. Sau nhiều năm trực tiếp đi hát, đi diễn, đi khắp nơi, vào buổi xế chiều của đời người, được sống với những câu hát trống quân thao thiết, tình cảm của cụ Vẫy với di sản càng sâu nặng.

Những mối quan hệ làng xã nồng hậu, không gian thôn quê gần gũi với lời ca, tiếng hát của mảnh đất Đan Nhiễm đã thấm vào cụ, nuôi dưỡng lưu giữ truyền thống.

Càng say mê câu hát trống quân làng mình, cụ càng phát hiện thêm nhiều điều quý giá, nhiều lớp nang văn hoá lịch sử và hiện đại ẩn chứa trong đó. Và như một lẽ tự nhiên, cụ nhớ nghề và mong muốn làm sống dậy trống quân, một làn điệu độc đáo mà ai cũng có thể hát được. Và những ý tưởng ấy của cụ cứ nối tiếp nhau thực hiện.

Đó là năm 2005, ở xã Khánh Thượng đã bắt đầu manh nha một phong trào văn hoá văn nghệ và truyền dạy nghệ thuật hát trống quân cho lớp con cháu. Đích thân cụ Vẫy là một trong những nghệ nhân đầu tiên và là phó chủ nhiệm CLB hát trống quân Đan Nhiễm.

Cụ nhớ rồi chép lại các lời hát cổ, cùng các nghệ nhân trong làng biên soạn, sáng tác lời mới phục vụ luyện tập, truyền dạy. Mỗi năm, câu lạc bộ mở một lớp tập hát trống quân hơn 20 cháu bé tuổi từ 9 đến 15 tuổi.

Suốt 10 năm qua, cơ man cũng có trên dưới 100 người dân trong 7 thôn được truyền dạy hát trống quân, trong đó có 45 thành viên thường xuyên tham gia sinh hoạt trong đội văn nghệ và tham gia biểu diễn dịp hội làng, lễ Tết.

Năm 2007, dưới sự động viên, hỗ trợ của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, cụ Vẫy có thêm động lực để mở lớp dạy hát trống quân cho mọi lứa tuổi. Từ đây, cụ thực sự làm một công việc mà với tâm sức dốc ra, quả ngọt thu về - xét về góc độ cống hiến của một cá nhân – cũng có thể được coi như một sự nghiệp: làm sống dậy di sản trống quân làng Đan Nhiễm!

Nam, phụ, lão, ấu rủ nhau đến lớp học, sinh hoạt tại CLB. Năm 2009, cụ được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian và huy hiệu Vì sự nghiệp văn nghệ dân gian Việt Nam.

Kể từ đó, cụ Vẫy thêm khoẻ ra, lúc nào cũng tìm cách truyền toả tiếng hát trống quân đến mọi người, mọi nhà, mọi thôn xóm. 80 tuổi, gần hết cuộc đời sống chết với câu hát trống quân, luôn khát khao truyền dạy cho con cháu đời sau kế tục để câu hát như dòng sông không bao giờ ngừng chảy.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Miệt mài truyền lửa trống quân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO