Tiếp sau việc cơ quan chức năng TP HCM công bố 77 dự án bất động sản (BĐS) thế chấp ngân hàng, Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội (thuộc Sở Tài nguyên-Môi trường) cũng đã công khai danh sách dự án tương tự. Theo đó, tính đến ngày 29/7, Hà Nội có 34 dự án do chủ đầu tư đang đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản khác gắn liền với đất hình thành trong tương lai.
Một dự án bất động sản “đắp chiếu” tại khu Nam Hà Nội đang thế chấp ngân hàng.
1. Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa- Phó Giám đốc Sở TN-MT Hà Nội thì vẫn kiểm soát được việc thế chấp dự án vào ngân hàng của các chủ đầu tư, không ảnh hưởng quyền lợi của người dân liên quan đến việc cấp sổ đỏ. Thực tế thì việc thế chấp dự án để vay vốn không phải là chuyện lạ với các chủ đầu tư.
Vẫn theo lãnh đạo Sở TN-MT Hà Nội, cho đến thời điểm này, các các cơ quan chuyên môn vẫn kiểm soát được và hoàn toàn không ảnh hưởng đến quyền lợi người mua nhà. Trên thực tế người mua nhà tại một số dự án thế chấp cũng đã và đang tiếp tục được cấp giấy chứng nhận.
Nhưng Sở này cũng khuyến cáo, người mua nhà cũng nên tìm hiểu kỹ về dự án trước khi mua, liên hệ với Sở TN-MT để được tư vấn xem dự án đó có được cấp sổ đỏ hay không. “Sở TN-MT sẵn sàng trao đổi và cung cấp thông tin về các dự án này”- theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa.
Theo “danh tính” công khai của Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội, tại thời điểm này có 34 dự án chủ đầu tư đang đăng ký thế chấp ngân hàng.
Trong đó có nhiều tên tuổi lớn, như Cty TNHH thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh thế chấp 1 phần tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai dự án tại phường Ô Chợ Dừa, Q.Đống Đa; Cty TNHH Đầu tư Capitaland - Hoàng Thành (CT09 - khu Cổ Ngựa, khu đô thị mới Mỗ Lao, Q.Hà Đông) thế chấp bằng quyền sử dụng đất; Cty cổ phần đầu tư Văn Phú - Invest (khu đất có ký hiệu TTDV-01, KĐTM An Hưng, phường La Khê và phường Dương Nội, Q.Hà Đông) thế chấp bằng quyền sử dụng đất; Cty TNHH MTV Đầu tư Văn Phú - Trung Kính (khu A, B Tổ 51 phố Trung Kính, phường Yên Hòa, Q.Cầu Giấy) thế chấp quyền sử dụng đất; Cty cổ phần tập đoàn Nam Cường Hà Nội (thửa số 04, 03, 02, 01 phường Yên Nghĩa, phường Dương Nội, Q.Hà Đông) thế chấp quyền sử dụng đất; Cty cổ phần xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội (D20-CTDDCN1, khu đô thị mới hai bên đường Lê Trọng Tấn, phường Dương Nội, Q.Hà Đông và xã La Phù, huyện Hoài Đức) thế chấp quyền sử dụng đất; Cty TNHH Mai Trang (Dự án số 16 Phạm Hùng, phường Mỹ Đình 2, Q.Nam Từ Liêm) thế chấp quyền sử dụng đất; Cty cổ phần đầu tư xây dựng Trung Việt (khu đô thị mới Phú Lương, phường Phú Lương, Q.Hà Đông) thế chấp quyền sử dụng đất; Cty cổ phần Hóa chất và vật tư Khoa học kỹ thuật (Dự án Số 265 đường Cầu Giấy, phường Dịch Vọng, Q.Cầu Giấy) thế chấp bằng quyền sử dụng đất…
Công khai “danh tính” các chủ dự án thế chấp ngân hàng là tốt, nhưng theo giới chuyên gia BĐS thì quan trọng hơn là phải đưa ra số liệu các dự án thế chấp đó đã bán căn hộ cho người khác chưa, và người mua căn hộ có đem thế chấp lần nữa hay không.
Nếu không thì thị trường vẫn tiềm ẩn nguy hiểm, vì khi một chủ đầu tư thực hiện hai quyền sẽ tạo ra mâu thuẫn xung đột về lợi ích. Nói như GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT thì việc thế chấp ngân hàng của một dự án BĐS sẽ là trái pháp luật nếu như dự án đã thế chấp rồi lại đem đi bán hoặc bán cho khách rồi lại đem đi thế chấp.
2. Trở lại vấn đề thế chấp dự án BĐS tại TP HCM vẫn đang làm nóng dư luận, khi mà Sở TN-MT thành phố này công bố danh sách 77 dự án BĐS được (bị) chủ đầu tư thế chấp ngân hàng. Cả từ phía người mua lẫn giới kinh doanh BĐS đều sốc.
Từ phía người mua, họ hoang mang không hiểu số phận căn hộ mình đang (hoặc sắp) sử dụng rồi sẽ ra sao? Có hợp pháp không khi mà nó đang bị cầm cố. Nếu chủ dự án thua lỗ, không đáo nợ ngân hàng nổi thì ai sẽ bảo vệ quyền lợi của họ. Trên thực tế, đã có việc ngân hàng yêu cầu người đang ở trong căn hộ chung cư phải chuyển đi nơi khác do chủ dự án không trả nổi nợ ngân hàng trong khi chung cư đó đã được thế chấp từ lâu.
Phía doanh nghiệp kinh doanh BĐS gồm 2 thành phần: một là những người “mua đi bán lại” căn hộ; và hai là chủ đầu tưu dự án. Với người đầu cơ, khi biết những căn hộ mình “xuống vốn” đã bị cầm cố thì đã hình dung ngay ra cuộc chiến pháp lý mà họ sẽ phải đối đầu. Có thắng thì cũng bị thương tích sau khi ra khỏi cuộc chiến.
Còn với không ít chủ đầu tư bị “bêu tên”, họ phản ứng khi tại sao họ bị công khai, trong khi nhiều “đại gia” BĐS khác lại ở ngoài danh sách. Họ coi chuyện này là không công bằng, đã nêu tên thì nêu tên hết. Trước dư luận, Sở TN-MT đã phải họp báo “trấn an”, tuy nhiên dư luận vẫn không hết “sóng”.
Nhiều ý kiến cho rằng, danh sách 77 dự án thế chấp ngân hàng chỉ dừng ở mức điểm danh một cách thuần túy, không chỉ rõ dự án bị thế chấp vì mục đích gì. Theo Hiệp hội BĐS TP HCM (HoREA), việc thiếu thông tin sẽ khiến người tiêu dùng lo lắng, khi nghĩ rằng chủ đầu tư kém năng lực, quyền lợi chính đáng của mình đã và đang bị xâm hại.
Tới nay, người mua nhà tại TP HCM vẫn tiếp tục liên hệ với chủ đầu tư để xem mình có bị lừa hay không.
Vì vậy, việc minh bạch, công bố sâu thông tin về các dự án BĐS đã thế chấp ngân hàng là điều cơ quan chức năng cần sớm minh bạch trước dư luận. Đó cũng chính là để người mua nhà bảo đảm được quyền lợi chính đáng của mình và cũng là cách giúp những doanh nghiệp đem cầm cố tài sản một cách đúng đắn được “minh oan”.
Kéo dài gói giải ngân 30.000 tỉ đồng tới hết ngày 31/12/2016 với các hợp đồng tín dụng của cá nhân ký trước ngày 31/3/2016 và được các ngân hàng liên quan báo cáo NHNN tại báo cáo định kỳ số liệu đến ngày 10/5/2016.
Đó là nội dung chính của Thông tư số 25/2016/TT-NHNN ngày 29/7/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư số 11/2013/TT-NHNN ngày 15/5/2013 quy định về cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 7-1-2013 của Chính phủ.
Thông tư 25 có hiệu lực thi hành kể từ hôm nay, ngày 1-8-2016. Đáng chú ý, Thông tư nêu rõ: Trong trường hợp ngân hàng đã thu nợ lãi lớn hơn mức lãi suất cho vay hỗ trợ nhà ở, ngân hàng thực hiện hoàn trả phần chênh lệch nợ lãi giữa mức lãi suất thực tế đã thu và mức lãi suất cho vay hỗ trợ nhà ở trong thời hạn không quá 2 tháng kể từ ngày Thông tư 25 có hiệu lực thi hành, hoặc bù trừ cho khách hàng chậm nhất vào 2 kỳ thu lãi gần nhất sau khi được NHNN tái cấp vốn.