Từ trước đến nay Việt Nam có tổng cộng gần 600 chương trình (CT) liên kết đào tạo quốc tế. Sau khi Bộ trưởng chỉ đạo rà soát, đã cho dừng lại gần 200CT.
Đó là thông tin được ông Phạm Quang Hưng, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ GDĐT cho biết tại Hội nghị Thúc đẩy cơ hội học tập chương trình giáo dục quốc tế tại Việt Nam tổ chức tại Trường ĐH VinUni (Hà Nội) sáng 21/7.
Theo ông Phạm Quang Hưng, hiện nay Việt Nam có 70 cơ sở giáo dục cung cấp CT giáo dục quốc tế với tổng số 452 CT với hơn 30 quốc gia trên thế giới. Các CT đào tạo liên kết quốc tế với các ĐH uy tín ở nước ngoài không ngừng gia tăng cả về số lượng lẫn chất lượng.
Trong đó có 50 CT ở khối các trường ĐH có vốn đầu tư nước ngoài, 50 CT ở khối các trường có Hiệp định hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và các nước. 352 CT là liên kết đào tạo với tổng số sinh viên (SV) đang theo học CT ở Việt Nam là gần 90.000 SV và hiện đang học là 27.000 đến từ rất nhiều nước.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM cho rằng rào cản lớn nhất là trình độ ngoại ngữ của SV từ phổ thông khi tham gia các CT liên kết đào tạo. Trường thường phải dành khoảng 1 năm đầu để nâng chuẩn ngoại ngữ của SV lên mới có thể tham gia học. Khi chúng ta tổ chức được chưong trình đào tạo quốc tế thì chúng tôi học hỏi được rất nhiều khi lấy các phương pháp đánh giá, kiểm định chất lượng của nước ngoài thì học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm của nước ngoài. Khi tổ chức các CT 2+2, 3+1, hay 4 năm học CT liên kết đào tọa ở tại Việt Nam thì sẽ tiết kiệm được một lượng lớn ngoại tệ.
Chia sẻ quan điểm này, Hiệu trưởng ĐH Cần Thơ Hà Thanh Toàn cũng cho rằng trình độ ngoại ngữ đang là khó khăn cho các CT liên kết đào tạo của nhà trường khi SV quốc tế đến Việt Nam theo học, không phải em nào cũng đạt chuẩn ngoại ngữ nên nhà trường mất thời gian nâng chuẩn.
Bà Dương Hồng Loan, Giám đốc chiến lược của ĐH RMIT đề xuất Bộ GDĐT tiếp tục bật đèn xanh để các trường ĐH cũng như các cơ quan kiểm định giáo dục ĐH của các nước được ngồi lại cùng nhau từ đó có một diễn đàn công khai cho SV, để được công nhận tín chỉ giữa Úc, Anh, Mỹ… và Việt Nam sẽ diễn ra như thế nào và đâu là thách thức.
Thứ hai, Bộ là cơ quan làm trọng tài. Liên kết phải nói rõ là liên kết, đâu là chi nhánh, phân hiệu ĐH nước ngoài tại Việt Nam là phân hiệu… Không nhập nhèm khiến phụ huynh và học sinh có hiểu lầm về CT liên kết đào tạo… tạo môi trường minh bạch, công khai cho tất cả những người quan tâm được biết.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đồng tình cho rằng việc công nhận tín chỉ cần làm ngay. Bộ đang làm việc với các đơn vị liên quan của các nước để tới đây sẽ đẩy mạnh công nhận các tín chỉ để công bố, để các học sinh tự chọn, tự chiếu…
Nói như Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ, nếu chỉ nghĩ đến việc giữ chân học sinh, sinh viên Việt Nam ở lại Việt Nam sẽ quá hẹp. Một mặt vẫn khuyến khích học sinh đi du học nhưng mặt khác phải tạo ra những CT liên kết đào tạo tốt để học sinh ở Việt Nam vẫn được học tập trong điều kiện và CT tốt nhất.
“Đây còn là cách để giữ nguồn chi phí dành cho du học ở lại Việt Nam. Chúng ta cùng nhau thúc đẩy mang lại lợi ích cho tất cả. Tạo điều kiện cho sinh viên và cũng là cơ hội các trường ĐH xích lại gần nhau”- ông Nhạ nói.