Thị trường tài chính được cho là đang ở thời điểm “có vấn đề” khi những vụ thao túng chứng khoán lộ sáng, khi trái phiếu doanh nghiệp bị “tuýt còi”, khi giá vàng trong nước đang cao hơn giá vàng thế giới đến 17 triệu đồng/lượng… Tuy nhiên, giới chuyên gia tài chính cho rằng thị trường này vẫn có nhiều điểm hỗ trợ tốt nhờ nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định.
TS Cấn Văn Lực - Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, chủ trương quan trọng của Chính phủ như mở cửa nền kinh tế, kiên định chiến lược “sống chung an toàn với Covid-19”, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội... đã tạo nên sức sống của nền kinh tế nói chung và thị trường tài chính nói riêng.
Tuy nhiên, thị trường tài chính cũng đang xuất hiện một số rủi ro nhất định. Chẳng hạn nợ xấu ngân hàng tiềm ẩn sự gia tăng, cùng đó cũng xuất hiện tội phạm tài chính tăng; Thị trường chứng khoán cho vay ký quỹ tăng nhanh, tâm lý nhà đầu tư cũng đang “có vấn đề”.
Trong lĩnh vực bảo hiểm, tỷ lệ chi trả dự báo sẽ tăng lên, nhất là với việc nhiều người lao động rút bảo hiểm một lần mà không chờ đến khi về hưu.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ cùng các cơ quan quản lý đã có những chính sách ứng phó linh hoạt để thị trường tài chính phát triển ổn định. Trước các biến cố trên thị trường diễn ra thời gian vừa qua, quan điểm của Chính phủ thể hiện rất rõ, rằng xử lý nghiêm và quyết liệt những hành vi sai trái, để minh bạch hóa thị trường và bảo vệ nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Còn theo giới chuyên gia, cơ quan quản lý cần phải tập trung giải quyết ngay những bất cập đã và đang được nhận diện để thị trường phát triển bền vững. Chẳng hạn ở kênh trái phiếu doanh nghiệp, với doanh nghiệp bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp là kênh huy động vốn trung, dài hạn quan trọng. Việc siết chặt thị trường này trong khi khoảng 540 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp sắp đáo hạn, nếu cách làm không phù hợp có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, điều quan trọng nhất là phải đề cao tính công khai, minh bạch của thị trường, xây dựng chế tài xử phạt đủ mạnh (ví dụ, có thể nâng mức xử phạt lên 1.000 tỷ đồng với nhà đầu tư lũng đoạn thị trường), xây dựng các định chế xây dựng thị trường (nếu thị trường xuống thì có định chế mua vào để thị trường lên, nếu thị trường lên quá nóng thì bán ra cho thị trường đi xuống), xếp hạng tín nhiệm trái phiếu…
Ở khía cạnh khác cũng rất đáng quan tâm, theo TS Phạm Xuân Hòe - nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) thì rất cần lưu ý đến “mối quan hệ sân sau” của ngân hàng trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Cùng đó, là khả năng các ông chủ bất động sản “thôn tính” một vài ngân hàng để trở thành kênh huy động vốn trái phiếu cho mình. “Như vậy sẽ tạo thành quy trình khép kín, nhưng rất rủi ro cho cân đối tài chính” - ông Hòe nói.