Minh bạch để tránh 'bắt tay ngầm'

Hồ Hương (thực hiện) 13/09/2016 09:25

Đang có nhiều lo ngại được đặt ra, nhà đầu tư nước ngoài sẽ tràn vào mua thương hiệu các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam. Thế nhưng, theo khẳng định của ông Nguyễn Hoàng Hải - Tổng thư ký kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam, sợ nhất là những cái “bắt tay ngầm”. Xung quanh vấn đề này, Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Hải.

Minh bạch để tránh 'bắt tay ngầm'

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính.

Nhiều ý kiến lo ngại việc thoái hết vốn Nhà nước sẽ khiến nhiều thương hiệu lớn, truyền thống của Việt Nam bị thâu tóm, sau đó dần biến mất. Ý kiến của ông về vấn đề này ra sao?

- Chúng ta cần lưu ý rằng, bất kể nhà đầu tư nào, dù nhà đầu tư tài chính hay nhà đầu tư chiến lược…, không ai có ý định hủy hoại thương hiệu DN khi mua CP. Vì một trong những thứ quan trọng họ nhắm đến khi mua DNNN là thương hiệu.

Đơn cử, như Vinamilk, DN này đã có một thương hiệu bền vững, giá trị, ai dại gì mà mua rồi hủy hoại nó. Còn thực tế, cũng có nhiều DNNN mà thương hiệu giá trị thấp, không nổi bật, không khác biệt, hoạt động cầm chừng như Khách sạn Kim Liên… thì việc nhà đầu tư đổi thương hiệu, đổi tên nếu có cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Vì thế, có mất thương hiệu hay không nằm ở bản thân giá trị của thương hiệu đó, chứ không phải do bán vốn cho ai.

Trở lại với câu chuyện cổ phần hóa, nhiều doanh nghiệp đã cổ phần nhưng không chịu niêm yết. Theo ông, điều này nguy hại như thế nào?

- Đúng vậy, có một câu chuyện là có nhiều doanh nghiệp lớn đã thực hiện cổ phần hóa từ lâu, chẳng hạn như Tổng công ty bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Tổng công ty bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco) nhưng không chịu niêm yết, lên sàn chứng khoán.

Vì doanh nghiệp không chịu niêm yết nên dẫn đến những thực tế chuyện “âm thầm” bổ nhiệm người nhà, người quen vào ghế cán bộ chủ chốt. Còn nếu như doanh nghiệp niêm yết, các thông tin về tài chính, hoạt động tài chính công khai thì sẽ xóa bỏ được sự bắt tay của các nhóm lợi ích làm thất thoát tài sản Nhà nước.

Ông có thể nói cụ thể hơn?

Doanh nghiệp sau khi niêm yết và bán cổ phần Nhà nước sẽ trở thành công ty đa chủ sở hữu, từng bước tuyển chọn bộ máy quản trị và điều hành phù hợp, đặt lợi ích DN lên trên hết, không phụ thuộc vào một cổ đông nào.

Công ty niêm yết có những quy định cụ thể về chuẩn mức thông tin. Thông tin minh bạch, rõ ràng hơn, hàng năm các nhà đầu tư tham gia đại hội cổ đông thường niên sẽ trực tiếp giám sát hoạt động của HĐQT và Ban giám đốc điều hành.

Việc đẩy mạnh cổ phần hóa là nhiệm vụ đặt ra trong nhiều năm nay. Nhưng có một thực tế, là chính các ban bộ ngành không muốn buông các “con cưng” của mình. Chẳng hạn như Bộ Xây dựng không muốn buông Lilama...

Điều này đúng. Nếu tỷ lệ bán vốn chỉ 20% chắc chắn giá sẽ khác bán 50%, thậm chí 100%. Cộng đồng DN Việt Nam, đặc biệt là khu vực tư nhân đã lớn mạnh và lớn mạnh rất nhanh. Việc mua 100% CP của một DN quy mô nhỏ, trị giá vài trăm tỷ đồng là việc không khó với nhiều DN tư nhân hiện nay. Tuy nhiên, nếu chỉ mua được 20%, 30%, không được nắm quyền phủ quyết, không thay đổi được quản trị DN để thay đổi quản trị, thay đổi cách kinh doanh thì họ cũng không mua làm gì.

Vậy còn câu chuyện để tránh thất thoát vốn nhà nước, ông nhìn nhận ra sao?

- Thủ tướng Chính Phủ ra yêu cầu các doanh nghiệp DNNN nắm giữ 100% vốn điều lệ có mức vốn chủ sở hữu trên 5.000 tỷ đồng phải được Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán trước CPH cũng là một cách để hạn chế thất thoát vốn nhà nước.

Việc Chính phủ yêu cầu các DN này phải được Kiểm toán Nhà nước kiểm toán kết quả định giá và xử lý các vấn đề về tài chính trước khi định giá DN là đúng. Yêu cầu này góp phần phòng chống tham nhũng, lãng phí và lợi ích nhóm, có ý nghĩa rất lớn trong việc minh bạch hóa quá trình CPH DNNN.

Cá nhân tôi cho rằng, một vấn đề khiến thất thoát vốn Nhà nước trong CPH thời gian qua là do nhiều DN bưng bít thông tin, không niêm yết hoặc niêm yết đối phó để các nhà đầu tư không có thông tin và không có thời gian chuẩn bị.

Nếu DN cứ cung cấp đầy đủ báo cáo tài chính, chi tiết thông tin, có lộ trình CPH, bán vốn rõ ràng… thì nhà đầu tư sẽ có nhiều cơ hội để nghiên cứu mua cổ phần. Tuy nhiên, có trường hợp, công bố thông tin xong bán ngay, kiểu “đánh úp”, nhà đầu tư không có thời gian chuẩn bị, vì thế sức cầu giảm đi, bán được giá thấp, lợi ích nhóm có cơ hội lũng đoạn.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Minh bạch để tránh 'bắt tay ngầm'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO