Minh bạch hoạt động từ thiện

Nam Việt 02/12/2021 11:10

Nghị định số 93/2021/NĐ-CP về hoạt động từ thiện có hiệu lực từ ngày 11/12 tới đây, thay thế Nghị định số 64/2008/NĐ-CP (năm 2008) sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để các hoạt động từ thiện được công khai, minh bạch, rõ ràng.

Trước nay, hoạt động từ thiện đã đem lại những hiệu quả thiết thực, tích cực, giúp đỡ những người gặp khó khăn, giúp họ có thêm điều kiện từng bước ổn định cuộc sống. Dân tộc Việt Nam ta giàu lòng nhân ái với truyền thống tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách. Đặc biệt khi thiên tai, dịch bệnh xảy đến thì sự san sẻ càng lớn.

Tuy nhiên, thật đáng tiếc là đã có những lùm xùm xảy ra về tính minh bạch trong hoạt động từ thiện của một số cá nhân, trong đó có những nghệ sĩ, người nổi tiếng. Những lùm xùm ấy kéo theo những vụ sao kê ngân hàng khá ầm ĩ. Điều đó khiến dư luận xã hội băn khoăn.

Thực tế ấy cho thấy hoạt động từ thiện cần có những quy định phù hợp để tạo hành lang pháp lý giúp hoạt động này ngày một tốt hơn. Ở đây, xin được nói về điểm mới của Nghị định 93/2021 về việc làm từ thiện của các cá nhân.

Trước hết, người có đủ năng lực hành vi dân sự được tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Người đó sẽ mở tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại theo từng cuộc vận động để tiếp nhận, quản lý toàn bộ tiền đóng góp tự nguyện, bố trí địa điểm phù hợp để tiếp nhận, quản lý, bảo quản hiện vật đóng góp tự nguyện trong thời gian tiếp nhận; có biên nhận các khoản đóng góp tự nguyện bằng tiền mặt, hiện vật tiếp nhận được khi tổ chức, cá nhân đóng góp yêu cầu.

Đồng thời phải có trách nhiệm thông báo với Ủy ban nhân dân nơi tiếp nhận hỗ trợ để phối hợp xác định phạm vi, đối tượng, mức, thời gian hỗ trợ và thực hiện phân phối, sử dụng. Chậm nhất trong 3 ngày làm việc kể từ khi nhận được thông báo, Ủy ban nhân dân nơi tiếp nhận hỗ trợ chủ trì, phối hợp hướng dẫn cá nhân về phạm vi, đối tượng, mức hỗ trợ, thời gian thực hiện phân phối nguồn đóng góp tự nguyện và tạo điều kiện, đảm bảo an toàn cho hoạt động hỗ trợ; cử lực lượng phối hợp tham gia phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khi cần thiết hoặc theo đề nghị của cá nhân.

Nghị định cũng nêu rõ, cá nhân vận động có trách nhiệm thống nhất với tổ chức, cá nhân đóng góp để có phương án phân phối, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện còn dư hoặc chuyển cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp để thực hiện các chính sách an sinh xã hội bảo đảm phù hợp với mục tiêu đã cam kết với tổ chức, cá nhân đóng góp.

Cá nhân sẽ không được tiếp nhận thêm các khoản đóng góp tự nguyện sau khi kết thúc thời gian tiếp nhận đã cam kết và có trách nhiệm thông báo đến nơi mở tài khoản về việc dừng tiếp nhận các khoản đóng góp tự nguyện; có trách nhiệm mở sổ ghi chép đầy đủ thông tin về kết quả tiếp nhận, phân phối tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện theo đối tượng, địa bàn được hỗ trợ, bao gồm những khoản tiếp nhận có điều kiện, địa chỉ cụ thể (nếu có), thực hiện công khai theo các nội dung quy định trên các phương tiện truyền thông và gửi kết quả bằng văn bản tới Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú để niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan trong 30 ngày.

Như vậy, có thể thấy, Nghị định 93/2021 đã hướng dẫn rõ công tác từ thiện của cá nhân, để khắc phục những tồn tại trong công tác từ thiện. Quy định mới không “làm khó” hoạt động từ thiện của cá nhân mà chỉ khiến hoạt động này tốt hơn lên.

Vì cá nhân người vận động từ thiện, người đóng góp cho hoạt động từ thiện cũng như xã hội cũng sẽ “yên lòng” khi lòng tốt không bị lợi dụng. Công khai, rõ ràng, minh bạch sẽ làm cho hoạt động từ thiện, nhất là của các cá nhân sẽ thuận lợi hơn; truyền thống tương thân tương ái của dân tộc sẽ càng được phát huy, lan tỏa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Minh bạch hoạt động từ thiện