Giáo dục

Minh bạch quản lý dạy thêm, học thêm

Lâm An 31/03/2025 07:17

Trong nhiều giải pháp để kiểm soát dạy thêm, học thêm tràn lan được ngành giáo dục nỗ lực triển khai, phương án lập trang điện tử giúp công tác quản lý dạy thêm, học thêm minh bạch, hiệu quả, đảm bảo quyền lợi học sinh của Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) TP Hồ Chí Minh nhận được nhiều quan tâm.

Kinh nghiệm từ địa phương

Trang thông tin điện tử về dạy thêm, học thêm của TP Hồ Chí Minh sẽ cung cấp cho phụ huynh, học sinh những thông tin cần thiết như trung tâm dạy thêm được cấp phép, địa chỉ, danh sách giáo viên tham gia dạy thêm tại trung tâm, danh sách các môn học, mức học phí học thêm. Địa chỉ trang điện tử dạy thêm, học thêm là csdaythemhocthem.hcm.edu.vn

bai chinh
Một tiết học của học sinh Trường THCS Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Ảnh: NTCC

Sở sẽ tích hợp các nội dung quản lý theo yêu cầu Thông tư 29 của Bộ GDĐT, giúp ngành giáo dục và các cơ quan quản lý, giám sát công tác dạy thêm, học thêm. Mỗi trung tâm dạy thêm đều phải khai báo trên cổng thông tin điện tử về danh sách học viên. Tuy nhiên, chỉ những nhà quản lý mới xem được mục này. Ngoài ra, phụ huynh, học sinh và xã hội cũng dễ dàng nắm bắt, giám sát được hoạt động của trung tâm dạy thêm theo đúng quy định. Hiện TP Hồ Chí Minh có hơn 10.000 trung tâm dạy thêm.

Cùng với giải pháp này, ông Nguyễn Bảo Quốc - Phó Giám đốc Sở GDĐT TP Hồ Chí Minh cho biết, từ nhiều năm nay, thành phố đã ngưng tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường. Các trường chủ động kế hoạch giảng dạy. Khi Thông tư 29 của Bộ GDĐT ra đời, Sở đã tham mưu UBND thành phố ban hành các văn bản, hướng dẫn chỉ đạo nhiều nội dung thực hiện, kiên quyết không để dạy thêm, học thêm trái quy định trong nhà trường, chỉ đạo việc ra đề kiểm tra không gây áp lực cho học sinh, không buông lỏng việc bồi dưỡng ôn tập cho học sinh mà xác định đây là trách nhiệm của các nhà trường.

Ngoài ra, Sở GDĐT cũng chỉ đạo nhà trường rà soát kế hoạch giáo dục, tăng cường quản lý công tác dạy học 2 buổi/ngày, phân công giáo viên hỗ trợ học sinh, nhất là học sinh cuối cấp. Sở GDĐT cũng đã thành lập các đoàn kiểm tra công tác quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn, từng quận/huyện chủ động thành lập đoàn kiểm tra dạy thêm, học thêm.

Hàng loạt giải pháp đã được TP Hồ Chí Minh triển khai đồng bộ với sự chuẩn bị sẵn sàng từ sớm nên đây là một trong những địa phương được Bộ GDĐT đánh giá là thuận lợi khi triển khai Thông tư 29. Khi kiểm tra công tác quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn TP Hồ Chí Minh trong tháng 3/2023, Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng đánh giá, TP Hồ Chí Minh có cơ sở vật chất tốt, nhiều trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Hơn nữa, ngành giáo dục TP Hồ Chí Minh không có những câu chuyện về thành tích, dạy học thực chất, các kỳ thi học sinh giỏi, quốc gia đều tổ chức khách quan, bình đẳng, thầy cô hết lòng vì học sinh trong giờ dạy chính khóa.

Cộng đồng trách nhiệm, lắng nghe băn khoăn

Tại Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học có nội dung yêu cầu UBND cấp xã có trách nhiệm phối hợp với Phòng GDĐT và các cơ quan liên quan quản lý việc thực hiện quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn. Theo đó, chủ tịch UBND phường, xã sẽ phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm dạy thêm, học thêm trên địa bàn.

Thực tế, việc yêu cầu chính quyền cơ sở quản lý, giám sát việc dạy thêm, học thêm là hợp lý nhưng cũng kéo theo những khó khăn nhất định khi nhân sự khan hiếm, chính quyền sẽ phải bố trí cán bộ hướng dẫn, thực hiện việc kiểm tra, thanh tra đối với các cơ sở, cá nhân vi phạm quy định tại Thông tư số 29. Công việc phát sinh cũng không ít khi phải dành thời gian trong việc tuyên truyền, lập biên bản, xử lý vi phạm hành chính đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm... đòi hỏi mỗi địa phương cần có sự quan tâm, phân công phù hợp về nhân sự phụ trách với quy định rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm.

Sau hơn 1 tháng triển khai thực hiện quy định Thông tư 29, Vụ trưởng Vụ giáo dục phổ thông (Bộ GDĐT) Thái Văn Tài cho biết, ở cấp địa phương, đã có sự vào cuộc cách quyết liệt của UBND các tỉnh, thành phố. Tỉnh Bắc Giang đã ra quyết định kỷ luật giáo viên khi vi phạm Thông tư 29. Trong khi đó, Hải Phòng có dự thảo quy định sau 19 giờ 30 phút không tổ chức dạy thêm trên địa bàn, để học sinh có thời gian nghỉ ngơi.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhận định, qua thanh tra các trường, giáo viên đã được phân công dạy chính khóa đều không được dạy thêm cho các em học sinh của mình. Đây là băn khoăn rất lớn của đội ngũ giáo viên. Trong khi đó, một bộ phận giáo viên, cán bộ quản lý chưa dành sự quan tâm, do đó còn lúng túng trong việc hiểu và thực hiện Thông tư 29.

Một số ý kiến khác băn khoăn vì sao quy định lại cấm dạy thêm, học thêm ở bậc tiểu học; điều này có vi phạm quyền được học của trẻ hay không. Trên thực tế, việc cấm dạy thêm, học thêm ở bậc tiểu học đã có quy định từ lâu. Thông tư 29 chỉ quy định rõ hơn và cấm trong một số trường hợp chứ không phải cấm tuyệt đối mọi hoạt động theo nhu cầu của trẻ.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) đánh giá hiện nay có rất nhiều giáo viên dạy thêm, học sinh không bị ép buộc, thậm chí gia đình viết đơn tự nguyện, nhưng thực chất đấy không phải tự nguyện mà vẫn là ép buộc một cách trá hình. Ông Cường đề nghị nên sửa thành cấm dạy thêm có thu tiền đối với những học sinh đang trực tiếp giảng dạy.

Tại tọa đàm tham vấn chuyên gia về dự án Luật Nhà giáo, do Ủy ban Văn hóa và xã hội của Quốc hội tổ chức mới đây, bà Nguyễn Thị Thanh - Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ GDĐT sớm có báo cáo, tổng kết thực tế triển khai để quy định vào trong Luật Nhà giáo các nguyên tắc trong vấn đề dạy thêm, học thêm và không quá chi tiết, cụ thể, để đến lúc lại phải sửa luật. Có thể quy định trong nghị định để trong những điều kiện và thời điểm cụ thể nghiên cứu thêm về câu chuyện dạy thêm, học thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Minh bạch quản lý dạy thêm, học thêm