Vấn đề quản lý, sử dụng tiền công đức tại các cơ sở tôn giáo, lâu nay luôn được người dân đặc biệt quan tâm.
Mới đây, tiền công đức một lần nữa được dư luận nhắc đến ở khía cạnh là một nguồn lực quan trọng cùng chung tay đóng góp ủng hộ đồng bào các tỉnh phía Bắc bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 và tác động hoàn lưu sau bão theo lời kêu gọi của MTTQ Việt Nam.
Trong hoàn cảnh đất nước gánh chịu thiên tai, hình ảnh nhiều sư trụ trì, linh mục, mục sư, chức sắc tôn giáo tích cực tham gia vận động, kêu gọi giáo dân, phật tử và đồng bào các tôn giáo đóng góp nhân lực, vật lực, công đức một lần nữa làm sáng truyền thống “lá lành đùm lá rách”, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc.
Hơn thế nữa, hình ảnh đó đã khẳng định sức lan tỏa, hiệu quả sau hơn một năm triển khai thực hiện Thông tư số 04/2023/TT-BTC ngày 19/1/2023 (gọi tắt là Thông tư 04) của Bộ Tài chính về hướng dẫn công tác quản lý nhà nước đối với tiền công đức, tiền tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa trên phạm vi toàn quốc.
Thời điểm một năm trước, khi Bộ Tài chính triển khai Thông tư 04, các tỉnh, thành trên cả nước đã xây dựng và ban hành văn bản quy định về quản lý tiền công đức, tài trợ, bảo đảm phù hợp với thực tế của từng di tích và phong tục, tập quán của mỗi địa phương. Chỉ sau thời gian ngắn, Bộ Tài chính báo cáo tổng số tiền thực thu năm 2023 khoảng 4.100 tỷ đồng (không bao gồm các khoản công đức, tài trợ bằng hiện vật,...). Trong danh sách các địa phương có số thu trên 200 tỷ đồng thì Hà Nội, Hải Dương, An Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Nam Định xếp vào các vị trí tốp đầu.
Số tiền đáng kể thu được từ hoạt động này đã được các địa phương triển khai chi cho hoạt động từ thiện, nhân đạo, hỗ trợ người bị thiên tai, hỏa hoạn, xây nhà tình nghĩa, ủng hộ làm đường giao thông... một cách hiệu quả. Sau một năm, nhiều địa phương cũng chủ động xây dựng và ban hành văn bản quy định thuộc thẩm quyền địa phương về quản lý tiền công đức, tài trợ, bảo đảm phù hợp với thực tế của từng di tích cũng như phong tục, tập quán riêng.
Không thể phủ nhận các mặt tích cực đã đạt được, thế nhưng công tác quản lý nhà nước đối với tiền công đức, tài trợ thời gian qua ở một số nơi còn khó khăn, bất cập. Một số địa phương phản ánh, còn tồn tại tình trạng đốt vàng mã gây tốn kém, lãng phí, ô nhiễm môi trường, nguy cơ cháy nổ tại các di tích là cơ sở tín ngưỡng. Việc quản lý tiền công đức, tiền tài trợ tại không ít di tích chưa chặt chẽ, tiềm ẩn rủi ro về thất thoát, trộm cắp.
Cá biệt, có trường hợp nhân viên Ban quản lý di tích có hành vi xâm phạm tiền công đức. Dù số tiền không lớn nhưng hành vi tiêu cực liên quan đến tiền công đức khiến dư luận hết sức bức xúc. Tại TPHCM, đại diện Sở Tài chính Thành phố nhìn nhận, sau một năm thực hiện thông tư của Bộ Tài chính còn ghi nhận một số vấn đề tồn tại, chưa đảm bảo nội dung theo hướng dẫn.
Do đó, mới đây Sở này đã tổng hợp báo cáo UBND TPHCM và cũng đã kiến nghị với Bộ Tài chính để tháo gỡ các vướng mắc trong thời gian tới. Ngoài sự quan tâm từ các địa phương, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có công điện về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với tiền công đức, tiền tài trợ tại các di tích lịch sử văn hóa trên phạm vi toàn quốc. Thủ tướng yêu cầu các Bộ ngành, địa phương rà soát, báo cáo tình hình thực tế. Từ đó, sửa đổi, ban hành các quy định phù hợp, phối hợp quản lý nguồn tiền công đức hiệu quả, đúng quy định pháp luật.
Quản lý tiền công đức là vấn đề nhạy cảm, được người dân và dư luận quan tâm giám sát chặt chẽ. Quá trình thu chi tiền công đức cần được thực hiện công khai, minh bạch, tuân thủ đúng các hướng dẫn của cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Nhờ vậy, việc quản lý và sử dụng tiền công đức bảo đảm sử dụng đúng mục đích, tạo đồng thuận, ủng hộ tuyệt đối từ các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng và nhân dân.