Sau 2 lần điều chỉnh, tổng vốn dự toán đối với Dự án cao tốc Bắc - Nam giảm gần 20.000 tỷ đồng khiến dư luận không khỏi băn khoăn, liệu trước đây Bộ Giao thông vận tải (GTVT) có tính “vống” tổng mức đầu tư cho các chủ đầu tư PPP hưởng lợi? Bởi, sau khi một số dự án thành phần chuyển từ đầu tư PPP sang đầu tư công, tổng vốn dự toán được điều chỉnh cách nhau khá xa...
Ảnh minh họa.
Theo tờ trình của Chính phủ, năm 2017, Quốc hội ban hành Nghị quyết 52 phê duyệt Dự án cao tốc Bắc-Nam với tổng vốn đầu tư 118.716 tỷ đồng, trong đó có 3 dự án đầu tư công, 8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Cuối năm 2018, Bộ GTVT điều chỉnh tổng vốn đầu tư 11 dự án thành phần xuống còn 102.513 tỷ đồng. Đầu tháng 5/2020, khi đề xuất chuyển đổi 8 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam sang đầu tư bằng 100% vốn ngân sách nhà nước, Bộ GTVT tiếp tục điều chỉnh giảm tổng vốn đầu tư xuống 99.493 tỷ đồng. Vậy là sau 2 lần điều chỉnh, tổng vốn đầu tư giảm 19.223 tỷ đồng.
Hiện, dư luận đang rất quan tâm về giá đầu tư thực để xây dựng 1km cao tốc Bắc - Nam là bao nhiêu, liệu tổng vốn dự toán đầu tư mới nhất của Bộ GTVT còn có thể giảm được nữa hay không, tránh thất thoát lãng phí hay lợi ích nhóm.
Theo ước tính của Bộ GTVT, mỗi km đường cao tốc Bắc - Nam 4 làn xe sẽ phải đầu tư 115,8 tỷ đồng (khoảng 5 triệu USD), bao gồm cả chi phí đầu tư xây dựng công trình cầu, hầm, xử lý nền đất yếu và hệ thống giao thông thông minh (ITS), hệ thống thu phí điện tử không dừng, đường gom phục vụ dân sinh. Nếu không tính Dự án Cam Lộ - La Sơn (quy mô 2 làn xe, chiều dài 98,4 km) và Dự án cầu Mỹ Thuận 2 (dài 6,6 km) thì suất vốn đầu tư xây dựng bình quân khoảng 95,6 tỷ đồng/km.
Theo PGS-TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) khẳng định: “Tổng mức đầu tư của các dự án cao tốc Bắc - Nam khi triển khai có thể giảm tiếp so với hiện tại...”.
Đánh giá cao việc chuyển dự án giao thông quan trọng như cao tốc Bắc - Nam sang đầu tư công, song TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương nhận định, quan trọng nhất là chất lượng công trình như thế nào, dự án có suất đầu tư thấp nhưng nếu mang lại chất lượng không cao thì cũng không ổn.
“Các dự án cao tốc Bắc Nam có tổng vốn lớn nên khi tính toán tổng mức đầu tư các cơ quan chuyên môn phải thẩm tra và giám sát chặt chẽ, công khai, minh bạch. Đồng thời, Chính phủ nên lập một hội đồng giám sát độc lập để theo dõi công tác thực hiện của chủ đầu tư là Bộ GTVT hoặc các doanh nghiệp đầu tư PPP...”, TS Lê Đăng Doanh kiến nghị.
Về việc điều chỉnh tổng vốn đầu tư Dự án cao tốc Bắc-Nam, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho hay, hiện tổng mức đầu tư Dự án cao tốc Bắc-Nam sau khi được điều chỉnh là khoảng 99.493 tỷ đồng, trong đó bao gồm 55.000 tỷ đồng thuộc kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020 được xác định tại Nghị quyết số 52.
“Với số vốn còn lại 44.493 tỷ đồng, Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm cân đối, bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Bộ GTVT. Chính phủ sẽ chỉ đạo, tổng hợp trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của quốc gia, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định theo đúng quy định của Luật Đầu tư công...”, ông Nhật khẳng định.
Trước đó, Bộ Chính trị đã thống nhất chủ trương khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước. Theo đó, một số dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam sẽ được điều chỉnh từ phương thức đầu tư PPP sang đầu tư từ ngân sách nhà nước. Với những dự án đầu tư PPP còn lại, Bộ Chính trị yêu cầu bảo đảm công khai, minh bạch, khoa học, hiệu quả, khả thi, phù hợp với tình hình thực tế về khả năng huy động vốn tín dụng để thực hiện từng dự án, đồng thời phải có cơ chế quản lý, kiểm tra, giám sát chặt chẽ, tránh thất thoát vốn đầu tư.
Đề xuất Thủ tướng chỉ định Tổng Công ty Sông Đà xây dựng cao tốc Bắc - Nam
Bộ Xây dựng vừa đề xuất Thủ tướng chỉ định Tổng Công ty Sông Đà xây dựng một số dự án tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Trong khi đó, TCT Sông Đà đang nợ ADB khoảng 114,8 triệu USD. Sau khi Chính phủ có chủ trương chuyển một số dự án đầu tư cao tốc Bắc - Nam từ đầu tư PPP (hợp tác Nhà nước và tư nhân) sang đầu tư công, Bộ Xây dựng đã có văn bản trình Thủ tướng.
Theo đó, Bộ Xây dựng đề nghị Thủ tướng xem xét, chỉ định thầu Tổng Công ty Sông Đà thi công một số đoạn đường bộ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông để tạo việc làm cho khoảng 20.000 cán bộ, kỹ sư, công nhân đang làm việc tại Tổng Công ty. Trước đó, Tổng Công ty Sông Đà đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng với mong muốn được chỉ định thầu làm một số dự án trên cao tốc Bắc - Nam phía Đông.