Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho tiếp tục xuất khẩu 400 tấn gạo trong tháng 4 với điều kiện phải bảo đảm an ninh lương thực. Tuy nhiên, ngay sau đó, thị trường xuất khẩu gạo trở nên bất ổn với tờ khai hải quan lúc “0 giờ”, cũng như việc nhiều doanh nghiệp không chấp hành mua gạo để dự trữ quốc gia.
Thị trường xuất khẩu gạo. Ảnh: Quốc Trung.
Trước tình hình xuất khẩu gạo và dữ trữ gạo có nhiều vấn đề bất ổn, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, yêu cầu liên bộ Bộ Tài chính, Công thương báo cáo rõ về những phản ánh của DN nghi ngờ sự khuất tất trong việc đăng ký tờ khai hải quan xuất khẩu gạo lúc nửa đêm.
Cách giải thích chưa thuyết phục
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công thương báo cáo việc triển khai văn bản 2827 (nêu cụ thể về quy trình, cách làm, danh sách các DN, thời gian mở tờ khai hải quan và số lượng gạo xuất khẩu của từng DN đã đăng ký thành công trên hệ thống) của Văn phòng Chính phủ và công tác phối hợp với Bộ Tài chính để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Liên quan tới việc mở cổng khai báo hải quan điện tử (VNACCS), cho DN đăng ký tờ khai xuất khẩu hạn ngạch 400.000 tấn gạo, nhiều DN bức xúc cho rằng Hải quan không thông báo chính thức là thiếu công bằng, thiếu minh bạch. Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn giải thích, với hệ thống VNACCS, DN khai mọi lúc mọi nơi, không có sự can thiệp chủ quan. Riêng ngày 11/4, đơn vị này phải thiết lập các chỉ tiêu thông tin trên hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan. Kể từ 0 giờ ngày 12/4, hệ thống đã được thiết lập để hoạt động tự động theo nguyên tắc tự động tiếp nhận, tự động trừ lùi số lượng gạo xuất khẩu trong hạn ngạch được phép, do đó không thông báo cho DN. Đồng thời với việc không thông báo việc mở tờ khai lúc 0 giờ, Tổng cục Hải quan coi việc đó là bình thường.
Tuy nhiên, những giải thích của Tổng cục Hải quan chưa thuyết phục. Chính vì vậy, nhiều công ty xuất khẩu gạo đã gửi công văn, đơn kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ và các bộ xem xét, giải quyết.
Doanh nghiệp “khổ trăm bề”
Về phía DN lúc này đang được xem là “khổ trăm bề”. Như tỉnh Đồng Tháp - một trong những đơn vị chủ lực lúa gạo nhưng hoàn toàn “đóng băng” xuất khẩu trong tháng 4, khi trên địa bàn tỉnh có 21 DN xuất khẩu gạo, nhưng không có đơn vị nào đăng ký xuất khẩu được. “Các DN đều khóc ròng do hết hạn ngạch, trong đó có một công ty hiện có hơn 9.000 tấn gạo đang nằm ở cảng nhưng không đăng ký được. Các DN không đăng ký được phải lưu kho dưới tàu nên tốn chi phí rất lớn, bán gạo trả tiền tàu cũng không đủ. Khổ nhất là các DN 100% vốn nước ngoài. Họ không được bán hàng nội địa, chỉ được xuất khẩu nhưng bây giờ họ không đăng ký được thì chỉ có nước buông tay chịu lỗ, rồi hợp đồng bao tiêu với người dân này kia, khổ trăm bề”- ông Nguyễn Hữu Dũng, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp nói.
Tình hình tương tự với tỉnh An Giang khi đại diện Sở Công thương tỉnh này cho biết, sáng 12/4, Sở rà soát, nắm thông tin nhanh từ các DN xuất khẩu gạo thì được biết Tổng cục Hải quan không công bố thời gian mở hệ thống thông quan hàng hóa tự động. Do đó, phần lớn công ty trên địa bàn cũng không thể thực hiện đăng ký tờ khai hải quan xuất khẩu gạo.
Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Intimex Group cho hay: Chỉ riêng các đơn vị hội viên của Hiệp hội Lương thực Việt Nam đăng ký có hợp đồng xuất khẩu sản lượng đã lên tới 1,3 triệu tấn gạo, tồn kho gần 3 triệu tấn. Vì thế, khi chỉ cho xuất khẩu 400.000 tấn trong tháng 4 thì chắc chắn sẽ tồn kho tới 900.000 tấn. Khi mở tờ khai điện tử, ai nhanh tay thì được, khi đó chắc chắn sẽ có những DN chậm chân, không xuất khẩu được. “Vì vậy, để minh bạch, rõ ràng, cơ quan hải quan xác minh cứ DN nào đăng ký tờ khai có số container, có tàu rõ ràng, có hàng thật thì cho thông quan. Còn nếu DN nào không có thì coi như tờ khai đó bị xóa”- ông Nam kiến nghị.
Ở góc nhìn chuyên gia, GS.TS Võ Tòng Xuân cho rằng, các DN đã ký hợp đồng trước khi có lệnh ngưng xuất khẩu và đã đưa gạo ra cảng thì phải được ưu tiên cho xuất trước trong tháng 4 này. Nếu không, DN bị phạt hợp đồng thì khoản này ai trả thay? “Việc áp dụng hạn ngạch sẽ gây ra cơ chế xin cho và tiêu cực”- theo GS Xuân.
Đồng bằng sông Cửu Long được mùa vụ đông xuân. Ảnh: Quốc Trung.
Doanh nghiệp “ngó lơ” cung cấp gạo dự trữ quốc gia?
Ở khía cạnh khác, đáng chú ý, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, có tới 26/28 DN đã trúng thầu cung cấp gạo dự trữ quốc gia, nhưng đang tìm đủ lý do để hủy hoặc không đến ký hợp đồng thực hiện. Còn theo công bố của Tổng cục Dự trữ Nhà nước, tính đến ngày 15/4 có hàng loạt DN trúng thầu cung cấp gạo cho đơn vị này song đã đơn phương hủy hợp đồng. Số lượng gạo DN trúng thầu lên tới 160.300 tấn. Đến ngày 14/4, Tổng cục mới mua vào được 7.700 tấn gạo dự trữ trong tổng số 190.000 tấn gạo dự trữ quốc gia năm 2020 theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
Được biết, hầu hết là các DN trúng thầu đều có trụ sở ở miền Bắc và miền Trung nhưng lại trúng thầu ở khu vực Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, Tây Nam Bộ. Một số DN trúng thầu hàng loạt, giờ lại hủy hợp đồng như Cty CP lương thực Hà Nam Ninh và 3 công ty con thuộc Tổng Công ty lương thực miền Bắc (Vinafood 1) là Cty CP lương thực Cao Lạng, Cty CP lương thực Hà Tĩnh, Cty CP lương thực Yên Bái…
Với vai trò giám sát, ông Âu Anh Tuấn- Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) cho rằng: Bất cập lớn hiện nay là chưa có chế tài buộc DN phải ký hợp đồng đối với lượng gạo đã trúng thầu khi đấu thầu lượng gạo dự trữ quốc gia mới được xuất khẩu. Do đó, Tổng cục Hải quan kiến nghị Bộ Công thương cần xem xét lại quy định quản lý xuất khẩu gạo.
Ông Âu Anh Tuấn cũng cho biết, qua rà soát, Tổng cục Hải quan nhận thấy có dấu hiệu bất thường như: Tổng Cty lương thực miền Bắc trúng thầu 4.500 tấn, đến thời điểm hiện nay chưa ký hợp đồng, tuy nhiên DN này lại đăng ký xuất khẩu với 8 tờ khai, số lượng 7.200 tấn. Hay Cty TNHH Phát Tài trúng thầu 17.940 tấn, DN cũng đăng ký 5 tờ khai xuất khẩu, tổng khối lượng hơn 13.000 tấn. 2 DN khác gồm Cty CP Vĩnh Tường và Cty CP XNK Thuận Ninh cũng nằm trong danh sách trúng thầu nhưng chưa ký hợp đồng với Cục Dự trữ Quốc gia khu vực nhưng cũng đăng ký tờ khai xuất khẩu trên 10.000 tấn. Như vậy các DN này chưa thực hiện quy định cung cấp gạo cho dự trữ quốc gia.
Có thể thấy, những ngày qua, thị trường xuất khẩu gạo “mở cửa” nhưng chưa thực hiện đúng với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Ở đây, câu chuyện minh bạch vẫn là điều rất đáng bàn.
Đấu thầu lại 182.300 tấn gạo
Tổng cục Dự trữ nhà nước cho biết, ngày 17/4 phát hồ sơ trên hệ thống để ngày 12/5 tổ chức đấu thầu lại 182.300 tấn gạo đưa vào dự trữ quốc gia, bao gồm cả hơn 178.000 tấn gạo đã đấu thầu tháng trước với 28 DN trúng thầu nhưng phần lớn đã từ chối không ký hợp đồng để bàn giao gạo.
Tổng cục Dự trữ nhà nước dự kiến hoàn thành nhập kho hơn 180.000 tấn gạo trong tháng 6, chậm hơn kế hoạch ban đầu 15 đến 30 ngày. Đồng thời, Tổng cục Dự trữ nhà nước đã quán triệt đến các Cục Dự trữ nhà nước là phải khẩn trương tổ chức thực hiện mua đủ 100% số lượng gạo được Thủ tướng Chính phủ giao 190.000 tấn gạo dự trữ trong năm 2020. Những năm trước cũng có một số nhà thầu từ chối ký hợp đồng sau khi trúng nhưng số lượng ít, không quá ảnh hưởng đến nguồn dự trữ quốc gia hàng năm. Tuy nhiên, năm nay, mới xuất hiện hiện tượng hàng loạt các DN từ chối ký hợp đồng. T.Hằng