"Hơn 1 tháng cùng trong khu cách ly với công dân, anh em chiến sĩ coi người dân như người thân trong gia đình vậy, và ngược lại, các chú, các bác cũng xem chúng tôi như con cháu", Đại uý Lê Đức Thiện, chiến sĩ quân y của Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô.
Khu cách ly Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô là nơi thực hiện nhiệm vụ cách ly tập trung 927 ca F1. Đây đều là số F1 thuộc hai chùm ca bệnh phát triển nhanh trên địa bàn TP Hà Nội đã được khoanh vùng, cách ly tập trung tránh lây lan cộng đồng.
PV Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trò chuyện cùng Đại uý Lê Đức Thiện, chiến sĩ quân y của Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô, người đang làm nhiệm vụ trực tiếp trong khu cách ly từ ngày 8/5 đến nay để hiểu hơn về công việc của các chiến sĩ tại đây.
PV: Anh có thể chia sẻ về công việc hàng ngày trong khu cách ly?
Đại úy Lê Đức Thiện: Tôi bắt đầu nhiệm vụ trong khu cách ly từ ngày 8/5, khoảng 17h ngày 8/5 khu cách ly tập trung bắt đầu đón những công dân đầu tiên. Nhiệm vụ của tôi trong khu cách ly người F1 là phối hợp với Trung tâm y tế để tiến hành tổ chức các công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 như thu gom rác thải, phun khử khuẩn, đo thân nhiệt hàng ngày cũng như phối hợp với các y bác sĩ về công tác thăm khám, sàng lọc sức khoẻ công dân. Bên cạnh đó là việc theo dõi, chăm sóc sức khoẻ cho mọi cán bộ, chiến sĩ cũng như công dân trong khu cách ly tập trung.
Đồng thời, tôi cũng có nhiệm vụ quản lý, chỉ đạo sâu sát đối với lực lượng phục vụ đồ ăn, thức uống và thu gom rác thải của công dân. Mỗi ngày chúng tôi đều tới từng phòng để kiểm tra, bảo đảm về công tác phòng chống dịch như giữ khoảng cách, giữ vệ sinh cho phòng ở của công dân.
Đã hơn 1 tháng trôi qua từ khi thực hiện nhiệm vụ, tâm trạng của anh thế nào? Gia đình có chia sẻ với công việc của mình không, thưa anh?
- Tôi quen rồi, đây là đợt thứ 3 tôi thực hiện nhiệm vụ trong khu cách ly tập trung. Trước đó, đợt 1 từ 24/2/2020 - 8/3/2020, đợt 2 là từ ngày 6/8/2020. Thêm nữa, công việc của người lính nên những lúc không có dịch tôi cũng không về nhà thường xuyên. Bố mẹ và vợ con tôi rất thấu hiểu và ủng hộ.
Tôi thường tâm sự với vợ, ngành y là tuyến đầu, là phải đối mặt với dịch bệnh Covid-19 này. Ở đâu cũng vậy, ở đâu cũng có các y bác sĩ đang làm nhiệm vụ ứng phó với dịch bệnh nên vợ tôi rất chia sẻ với công việc của tôi. Các con cũng thường xuyên gọi điện động viên.
Mà không phải ai cũng được giao nhiệm vụ này đâu. Đảng uỷ, Ban Giám hiệu nhà trường cũng đã xem xét rất kỹ, chọn những người có kinh nghiệm, có nhiệt tình và trách nhiệm trong công việc.
Tôi nghĩ rằng, cuộc chiến nào cũng vậy thôi, kể cả tăng gia sản xuất, lao động thì cũng đều có thể có sát thương; tuy nhiên trong cuộc chiến chống dịch bệnh này, sát thương của virus còn gây ảnh hưởng đến cộng đồng, ảnh hưởng tới những người xung quanh.
Trong những ngày tháng thực hiện nhiệm vụ, có những kỷ niệm nào làm anh nhớ nhất?
- Về kỷ niệm, có thể nói có cũng có thể nói không có. Không có vì đó là công việc, là nhiệm vụ hằng ngày của chúng tôi. Cũng có thể nói là có, vì ngày nào cũng là kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời. Tôi thấy ấn tượng hơn cả là trong những ngày đầu tiên tiếp nhận các công dân về khu cách ly, đó là thời điểm khó khăn nhất vì tôi nhận trách nhiệm đón tiếp người dân.
Trong vòng 5 ngày, tôi thường xuyên làm việc đến 3h sáng. Đôi khi vừa đặt lưng xuống thì lại có thông báo chuẩn bị đón thêm người. Trong 5 ngày, chúng tôi đón hơn 800 công dân vào khu cách ly tập trung. Bên cạnh đó, công dân được đưa đến vào bất kỳ lúc nào, trưa, tối; có trường hợp đến vào lúc 3h30 sáng, rồi đến 5h sáng; đó là bởi phụ thuộc vào công tác truy vết, đưa người đi cách ly tập trung của trung tâm kiểm soát dịch bệnh.
Nhưng mà mình mệt một, thì thương người dân trong này đến mười lần. Hơn 1 tháng cùng trong khu cách ly với công dân, anh em chiến sĩ coi người dân như người thân trong gia đình vậy, và ngược lại, các chú, các bác cũng xem chúng tôi như con cháu. Thương lắm, có cháu bé mới vài tháng tuổi đã đi cách ly cùng mẹ.
Còn có 3 cụ ung thư giai đoạn cuối, mỗi khi các cụ đau, chúng tôi đều bảo nhau phải làm nhanh nhất có thể để cho các cụ ung thuốc, rồi sữa cho các cụ, các cháu nữa, phải đảm bảo đầy đủ cho công dân. Chúng tôi cũng đề xuất với lãnh đạo, tạo điều kiện, dành một phòng ở tầng dưới, có vị trí thuận lợi nhất cũng như yên tĩnh nhất để các cụ được nghỉ ngơi.
Vào thời điểm xảy ra nhiều ca F0 trong khu cách ly tập trung, tâm trạng của anh và đồng đội thế nào?
- Có lẽ buồn nhất là công dân trong khu cách ly, vì thời điểm đó là chỉ còn 2 ngày nữa họ sẽ được trở về với gia đình. Còn chúng tôi, anh em chiến sĩ rất vững vàng, lúc nào cũng đầy đủ ý chí quyết tâm và không hề dao động.
Khi phát hiện nhiều ca F0 trong khu cách ly tập trung, chúng tôi được lệnh tạm dừng công tác để lực lượng khác tiếp nhận. Tôi cũng lo lắng, bởi lẽ gần 1 tháng trôi qua, hiệu quả làm việc của anh em rất cao, cán bộ, y bác sĩ, chiến sĩ và người dân rất thấu hiểu nhau nên mọi việc đều rất trơn tru. Tuy nhiên, khi biết lực lượng mới cũng là những cán bộ, chiến sĩ dày dặn kinh nghiệm, cũng đã từng thực hiện nhiệm vụ chống dịch ở nhiều nơi thì tôi thấy rất yên tâm.
Hiện nay, khu cách ly đã tiến hành san tải, giảm mật độ và xét nghiệm thường xuyên nhằm lọc ra các ca nghi nhiễm, đưa đi điều trị kịp thời; khử khuẩn liên tục khu vực tránh để việc lây nhiễm trong khu cách ly. Bây giờ hàng ngày tôi tập thể dục, làm sẵn các mẫu báo cáo, các giấy tờ liên quan để khi ra ngoài lại tiếp tục trở lại công việc chăm sóc sức khoẻ cho các chiến sĩ trong Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ Đô. Còn hơn 10 ngày nữa, sẽ nhanh thôi.
Trân trọng cảm ơn anh!