Việc Hà Nội cấp thẻ miễn phí sử dụng các phương tiện vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn có trợ giá do thành phố quản lý (được hiểu là xe buýt), bao gồm người có công với cách mạng, người khuyết tật, người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên), người thuộc hộ nghèo... đang nhận được nhiều ý kiến tích cực.
Đặc biệt, với người cao tuổi thì đây quả là một tin rất vui, khi từ nay (chí ít là trong vòng 5 năm kể từ ngày cấp thẻ) được đi xe buýt… không mất tiền. Không những các cụ vui mà con cháu các cụ cũng vui.
Người cao tuổi ở Hà Nội phấn khởi làm thủ tục đi xe buýt miễn phí. Ảnh: Anh Hùng.
Theo cơ quan chức năng của TP Hà Nội, hiện Thủ đô có khoảng 700 nghìn người cao tuổi, khoảng 64 nghìn nhân khẩu thuộc hộ nghèo (đối tượng hộ nghèo được cấp thẻ sử dụng trong vòng 1 năm). Đây là con số rất lớn, chứng tỏ chính sách ưu việt của Hà Nội.
Nói là ưu việt vì nhiều lý do, ở đây chỉ xin bàn về đối tượng người cao tuổi.
Người cao tuổi được đi xe buýt miễn phí là rất thiết thực, mang tính nhân văn sâu sắc trong việc chăm lo cho người cao tuổi. Chúng ta đã có nhiều chính sách ưu đãi cho người cao tuổi, nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều người trong số họ không có được niềm vui, sự an ủi cần thiết khi tuổi xế chiều. Người viết bài này từng chứng kiến sự cô đơn nhiều phần hiu hắt của những bậc cao niên. Sáng ra, không thấy bóng các cụ đâu. Chiều xuống, thi thoảng thấy một vài cụ ông ngồi “chầu rìa” xem con trẻ chơi cờ tướng. Xem chán thì về, ngay cả việc góp ý một nước đi cho “kỳ thủ” cũng e dè vì càng già càng ngại do tự biết mình rất lép vế.
Lép vế ngay từ trong nhà. Lép vế mãi thành quen. Cuộc sống phát triển với tốc độ nhanh chóng, nhiều giá trị trước kia tưởng như vĩnh hằng thì nay bỗng như thể vô nghĩa. Lắm cụ nói con cái không nghe. Nhiều lần như vậy một ngày kia mới “ngộ” ra rằng mình đã vô dụng mất rồi. Yếu đuối phải nhờ vào con cháu chăm sóc, lại cũng không có tiền mà vung vít nên dần dần mất đi sự tôn trọng. Con cái đi làm suốt ngày, về tới nhà là mệt mỏi, lắm khi vì thế cũng quên chăm nom cha mẹ già, chứ nào phải đâu là bất hiếu. Cô đơn trong chính ngôi nhà của mình, đó là điều rất buồn không ai muốn nói ra dù đó là sự thật.
Ở cái ngõ nơi tôi sống, có chừng chục cụ tóc phơ phơ. Điểm chung nhất của các cụ là luôn khoe con khoe cháu. Khoe các con hiếu thảo, khoe các cháu ngoan ngoãn, học giỏi. Nhưng kỳ thực thì không phải cụ nào cũng được hưởng cái phúc ấy. Nhiều cụ lủi thủi trong nhà, buồn lắm.
Vì thế, nếu có thể đi xe buýt không mất tiền, hẳn các cụ sẽ rất vui. Không còn ru rú trong nhà mà “mở cánh cửa” bước ra với cuộc đời. Vui thì lên xe buýt đi một vòng ngắm cảnh phố xá, đến cả những khu phố mới mà thường chỉ được thấy trên tivi. Buồn cũng lên xe buýt đi một lúc cho khuây khỏa, cho quên đi cái sự đời.
Chăm lo cho người cao tuổi cũng chính là việc làm rất thiết thực để bớt đi những cảnh ngộ đáng buồn, có khi còn là thảm cảnh do tuổi tác mang lại. Khi các cụ được xã hội quan tâm chăm sóc bằng những chính sách cụ thể thì sẽ bớt đi cảnh cầu bơ cầu bất. Làm một chuyến xe dạo quanh phố phường, tâm trạng cũng vui lên, tinh thần phấn chấn, giảm u sầu, từ đó không khí trong gia đình cũng vui lên. Con cháu thấy ông bà, cha mẹ được xã hội quan tâm thì không lý gì lại không chăm nom bố mẹ mình tốt hơn. Niềm vui từ xã hội lan vào gia đình, tạo hiệu ứng cộng hưởng tốt lành.
Người viết bài này cũng xin được kể thêm về chuyện “phong trào” đưa cha mẹ già vào nhà dưỡng lão xuất hiện những năm gần đây. Bận bịu quá, lại không muốn sống chung với người già, nhiều người đã đưa cha mẹ vào nhà dưỡng lão, nói rằng “Tây nó làm thế cả”. “Tây” ở đâu không biết nhưng với người Việt Nam mình với truyền thống “trẻ cậy cha, già cậy con”, tách cha mẹ ra như trút một gánh nặng, thấy thật không đành. Ở cái ngõ đông đúc nơi tôi sống, có một gia đình không giàu có gì, hai vợ chồng cũng đã ngoài 50, nhà cửa chật chội nhưng đã nhiều năm vẫn “kiên quyết” chăm bố già nằm một chỗ, không đưa đi đâu cả, khiến ai cũng cảm động. Những con người hiếu thảo như vậy không sách báo nào ghi nhưng trên thực tế đã làm cho xã hội tốt đẹp lên, ấm áp hơn rất nhiều.
Chăm lo cho người cao tuổi, rất tốt, nhưng ở đây cũng cần phải nói một điều, đó là việc chủ động trong cuộc sống của các cụ. Không ỷ lại con cháu, không trở thành gánh nặng cho con cháu- đó cũng là điều cần thiết. Vẫn lại chuyện ở cái ngõ nơi tôi sống, với những cụ sức khỏe cạn kiệt thì không nói làm gì, nhưng với các cụ còn sức khỏe rất may là đều năng vận động, có cụ còn kiếm việc làm thêm.
Ai rồi cũng sẽ già, sẽ yếu, thu nhập ít đi, quan hệ ít đi. Phải chăng đó là bi kịch của con người? Nhưng điều quan trọng nhất chính là làm gì để giảm bớt bi kịch của người già, điều đó cần đến sự ưu việt của xã hội. Mà việc cấp thẻ sử dụng xe buýt cho người cao tuổi của Hà Nội là một minh chứng cho sự tử tế ấy.