Theo nhận định của Sở Công Thương TP HCM, “đi chợ hộ” đang giảm mạnh. Thời gian tới hệ thống phân phối hiện đại và chợ đầu mối sẽ bị áp lực lớn vì nhu cầu mua sắm trực tiếp tăng. Nguyên nhân chủ yếu là do đi lại và lưu thông hàng hóa thông thoáng hơn khi thành phổ nới lỏng giãn cách và chợ truyền thống sẽ dần hoạt động trở lại.
Đơn hàng “đi chợ hộ” tiếp tục giảm
“Trước đây, đi lại khó khăn nên việc mua lương thực, thực phẩm tôi phải trông chờ vào chương trình “đi chợ hộ”. Giờ đội ngũ shipper được hoạt động trở lại nên cần gì thì mua trên chợ online. Thành phố hết giãn cách thì lựa chọn của tôi vẫn là tự mua sắm”, bà Phạm Bích Thủy (thành phố Thủ Đức) chia sẻ.
Không riêng bà Phạm Bích Thủy, nhiều bà nội trợ khác rất mong thành phố sớm tháo gỡ hàng rào thép gai, giải phóng chốt chặn để người dân thoải mái mua sắm hàng hóa, thực phẩm.
Nói về việc “đi chợ hộ”, đại diện Sở Công thương từng khẳng định, ngày từ những ngày đầu áp dụng chương trình, vô số đơn hàng tồn đọng vì nhu cầu đi chợ quá cao. Tuy nhiên, vài ngày trở lại đây, đơn hàng “đi chợ hộ” giảm đáng kể.
Thống kê của Sở Công thương thành phố cho thấy, lũy kế từ ngày 23 tháng 8 năm 2021 đến nay, tổng nhu cầu đăng ký “đi chợ hộ” là: 2.549.953 lượt hộ. Với nhiều hình thức, phương thức bổ trợ trong hoạt động cung ứng hàng hóa (tăng điểm bán, kéo dài thời gian hoạt động, cho phép thêm loại hình cung ứng thực phẩm, tổ chức lực lượng shipper, tổ chức đặt hàng trực tuyến thông qua các ứng dụng,...).
Thế nhưng đến ngày 26/9 chỉ còn 45.180 lượt “đi chợ hộ”, giảm 4,7% (tương đương giảm 2.228 lượt hộ so với ngày hôm trước). Đây là mức nhu cầu đăng ký trong ngày thấp nhất kể từ khi bắt đầu triển khai chương trình. Ngày 23/8, nhu cầu đăng ký đạt 51.188 lượt hộ.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến việc “đi chợ hộ” giảm, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc – Phó Giám đốc Sở Công thương cho rằng: “Người dân đã chủ động chuyển sang đặt hàng trực tuyến và giao nhận hàng thông qua lực lượng shipper.
Ngoài ra, có nhiều quận – huyện thực hiện đi chợ trực tiếp tại các điểm bán hàng dã chiến như mô hình tại Quận 5. Quận 7, huyện Củ Chi và Cần Giờ được phép hoạt động bán trực tiếp cho người dân. Đây chính là những lý do dẫn đến nhu cầu đặt hàng và lượng hàng hóa cung ứng cho người dân thông qua mô hình “đi chợ hộ” đang có xu hướng giảm dần.
Dần dần mở cửa các chợ truyền thống
Hiện nay các địa bàn “vùng xanh” của thành phố đã tổ chức cho người dân đi chợ 1 lần/tuần. Đơn cử, Quận 7 tổ chức cho người dân đi mua sắm hàng hóa thiết yếu 1 lần/tuần thông qua kênh phân phối hiện đại với 9 siêu thị, 154 cửa hàng tiện ích.
Huyện Củ Chi có 14/14 xã “vùng xanh” tổ chức cho người dân đi mua hàng 1 tuần/lần tại các điểm cung ứng tại 62 điểm bán lẻ hiện địa, 6 chợ truyền thống, 81 sạp bán hàng dã chiến và 2 điểm liên kết tiêu thụ nông sản trên địa bàn.
Tương tự, huyện Cần Giờ triển khai 13.468 phiếu đi chợ cho hộ dân đi chợ 1 tuần/lần tại 8 chợ với 156 tiểu thương đang hoạt động. Ghi nhận của phóng viên, ở các “vùng xanh” của các quận – huyện khác, cả tiểu thương và người dân đều nóng lòng mong các chợ sớm hoạt động trở lại.
Sở Công thương nhận định, dự kiến, thời gian tới hệ thống phân phối hiện đại và chợ đầu mối sẽ bị áp lực lớn khi thành phố bắt đầu mở cửa nền kinh tế. Do nhu cầu đi lại của người dân và lưu thông hàng hóa sẽ thông thoáng hơn.
Sở Công thương tính đến chuyện dần dần đưa 3 chợ đầu mối và hàng trăm chợ truyền thống trên địa bàn thành phố hoạt động trở lại. Hiện thành phố chỉ mới mở 3 điểm tập kết và trung chuyển hàng hóa nông sản, thực phẩm tại ba chợ đầu mối với khối lượng khoảng 300 tấn/ngày để cung ứng cho toàn thành phố.
Cụ thể, tại điểm trung chuyển Chợ đầu mối Bình Điền khoảng 124,1 tấn. Trong đó, thủy hải sản đạt 100,1 tấn; rau củ quả đạt 24 tấn. Chợ đầu mối Thủ Đức khoảng 118 tấn trái cây và Chợ đầu mối Hóc Môn khoảng 60 tấn rau củ quả.
Về lộ trình mở cửa chợ truyền thống, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc cho biết, để chuẩn bị cho thời gian tới, Sở Công thương TP HCM phối hợp với các sở, ngành, địa phương rà soát, đánh giá các nguy cơ, khả năng kiểm soát trước khi đưa vào hoạt động trở lại các chợ đầu mối nông sản.
Song song đó, xây dựng các phương án, mở cửa hoạt động đối với chợ truyền thống trên địa bàn. Theo kế hoạch, các quận - huyện, thành phố Thủ Đức tổ chức hoạt động chợ trở lại trong điều kiện an toàn, bền vững.