Khôi phục lại tất cả các đường bay quốc tế từ 15/2 và mở cửa hoàn toàn du lịch từ ngày 15/3 - hai quyết định gần đây của Chính phủ đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ mạnh mẽ của người dân, cộng đồng doanh nghiệp và giới chuyên gia.
Sốt vé sau thời gian dài “ngủ đông”
Ngay từ những tháng đầu năm 2022, tuy dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp nhưng các hãng hàng không đã xuất hiện tình trạng “cháy vé” nhất là thị trường nội địa. Cùng với thị trường nội địa, việc mở thí điểm lại các đường bay quốc tế từ tháng 1/2022 cũng đã mang lại những tín hiệu tích cực.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, trước khi mở lại các đường bay quốc tế thường lệ, trung bình khách quốc tế đi/đến Việt Nam khoảng từ 40 -50.000 khách/tháng. Kể từ khi thí điểm mở lại các đường bay quốc tế từ tháng 1/2022, lượng khách quốc tế đi/đến Việt Nam tăng lên hơn 103.000 khách trong tháng 1/2022, cập nhật đến hết ngày 14/2/2022 là 153.000 khách.
Dữ liệu của Google cũng cho thấy, ngay từ tháng 1 đầu năm nay, lượng tìm kiếm quốc tế về hàng không Việt Nam tăng 425% so với cùng kỳ năm 2021. Du khách Mỹ, Australia, Nga, Pháp, Đức, Nhật Bản, Ấn Độ, Anh, Canada có lượng tìm kiếm thông tin du lịch Việt Nam nhiều nhất.
Còn theo thống kê của Tổng cục Du lịch, từ khi thực hiện chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế (từ tháng 11/2021 - 8/2/2022), Việt Nam đón được hơn 8.900 khách du lịch quốc tế.
Việc thí điểm đón khách quốc tế được thực hiện bài bản, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, không để xảy ra sai sót, mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách với các loại hình hấp dẫn như: du lịch thể thao, giải trí sôi động, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái tại những điểm đến nổi tiếng của Việt Nam.
Tương tự, theo dữ liệu phân tích từ công cụ Google Destination Insights (công cụ theo dõi xu hướng du lịch) cho thấy, các tìm kiếm về điểm đến du lịch tại Việt Nam bắt đầu xu hướng tăng ổn định từ đầu tháng 12/2021, đến ngày 4/2/2022 đã lên gấp đôi so với ngày 1/12/2021 và cao nhất trong vòng 1 năm trở lại đây. Đồng thời, lượng tìm kiếm về du lịch Việt Nam đã tăng tới 75% trong vòng 84 ngày vừa qua.
Thực tế nhìn vào con số tốc độ tăng trưởng kinh tế quý IV/2021 đạt kỷ lục 22% so cùng kỳ, tăng rất cao so với mức âm 6% của quý III trước đó, khi gần 1/3 đất nước phong tỏa chính là minh chứng rõ nhất cho điều này.
Đánh giá về triển vọng phục hồi của ngành hàng không, du lịch, ông Đinh Việt Thắng - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, dù có tín hiệu khởi sắc trong vận chuyển khách quốc tế, nhưng so với thời điểm trước dịch, đây là con số còn khiêm tốn. Hành khách chủ yếu là khách thương mại, công vụ và đặc biệt người Việt hồi hương, chưa thu hút được khách du lịch.
Vì vậy, cần khôi phục hoàn toàn đường bay thường lệ quốc tế để các hãng hàng không chủ động lên kế hoạch lịch bay, hành khách có nhiều cơ hội tiếp cận lịch bay, chuyến bay hơn.
Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo kết luận của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp bàn về phương án mở cửa trở lại hoạt động du lịch.
Theo đó, Phó thủ tướng đã đồng ý với ý kiến đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về thời gian mở cửa hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” kể từ ngày 15/3/2022.
Động lực để khôi phục nền kinh tế
Quyết định này của Chính phủ đã nhận được sự ủng hộ cũng như kỳ vọng rất lớn từ cộng đồng doanh nghiệp. Bởi nhìn vào con số năm 2019 - thời điểm trước khi dịch Covid-19 xảy ra, tổng thu của ngành du lịch là 755.000 tỷ đồng. Song đến năm 2021, sau 2 năm đại dịch hoành hành, con số này chỉ còn 180.000 tỷ đồng. Điều đó cho thấy, việc mở cửa đón du khách quốc tế có vai trò rất quan trọng đối với sự hồi phục của nền kinh tế.
Theo nhận định của Hội đồng Tư vấn du lịch, nếu làm tốt, du lịch hoàn toàn có thể mang lại từ 300.000 - 400.000 tỷ đồng trong năm nay. Bước đà từ việc mở cửa bầu trời quốc tế sẽ giúp Việt Nam thu hút trở lại lượng khách du lịch quốc tế vốn chiếm trên 55% tổng doanh thu của ngành du lịch. Xét về lượng, khách quốc tế ít hơn nhưng tiêu tiền nhiều hơn. Nhờ đó, doanh thu từ khách quốc tế nhiều hơn doanh thu từ khách nội địa.
Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình nhận định: Việc sớm mở cửa hoàn toàn thị trường du lịch quốc tế là chủ trương cần thiết và kịp thời bởi vực dậy du lịch sẽ tạo động lực khôi phục các ngành liên quan. Nhưng mở cửa rồi có thu hút được nhiều khách quốc tế hay không, đòi hỏi nhiều giải pháp đồng bộ.
Bởi theo ông Bình, bên cạnh đẩy mạnh truyền thông trên các kênh marketing số, cần có chiến dịch xúc tiến, quảng bá trực tiếp tại các thị trường trọng điểm. Ngoài ra, biện pháp quan trọng là phải có chính sách thị thực thông thoáng.
“Thời gian trước, chúng ta miễn thị thực đơn phương, song phương cho công dân ở nhiều quốc gia, họ nghĩ chúng ta tôn trọng, chào mừng họ, giờ lại dừng sẽ gây tác động đến tâm lý du khách” - ông Bình nêu quan điểm.
Theo ông Trần Bảo Ngọc - Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông vận tải), tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã mở lại các đường bay quốc tế đi/đến 20 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Ông Ngọc cho biết thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ về việc triển khai các chuyến bay quốc tế chở khách thường lệ, Bộ Giao thông vận tải đã giao Cục Hàng không Việt Nam chủ động đánh giá, tổ chức trao đổi với nhà chức trách hàng không các đối tác để quyết định nối lại các chuyến bay quốc tế chở khách thường lệ với các thị trường đã có đường bay trực tiếp đến Việt Nam trước khi xảy ra dịch Covid-19, với tần suất được tăng dần theo lộ trình bảo đảm nguyên tắc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tạo điều kiện thuận lợi đi lại trên cơ sở tuân thủ hướng dẫn về giám sát y tế nhập cảnh.
"Trong thời gian tới, vận tải hàng không tiếp tục duy trì và tăng tần suất đối với các tuyến bay nội địa, từng bước khôi phục và tiếp tục mở lại hoạt động bình thường đối với các đường bay quốc tế"- ông Ngọc khẳng định.
Nhiều chuyên gia hàng không cho rằng, cùng với khách du lịch trong nước, việc từng bước mở cửa trở lại du lịch quốc tế là bước đi cần thiết để không bỏ lỡ lợi thế cạnh tranh và cơ hội phục hồi, nhất là khi một số quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Singapore đã đưa ra nhiều chính sách tái mở cửa biên giới để thu hút du khách quốc tế. Chính vì vậy, nếu chậm chân Việt Nam sẽ khó có cơ hội để phục hồi thị trường quốc tế.
Tuy nhiên để việc “mở cửa bầu trời” thật sự trở thành “đòn bẩy” cho sự phục hồi của ngành hàng không, ngoài dỡ bỏ hạn chế về tần suất khai thác với các chuyến bay, cần phải nới lỏng các quy định điều kiện nhập cảnh, cách ly y tế đối với du khách quốc tế.
Đặc biệt, phải thống nhất được với nhà chức trách các quốc gia nối lại đường bay quốc tế với Việt Nam cũng như giữa các địa phương trên cả nước về một quy định kiểm soát dịch bệnh cho khách du lịch chung, để tránh việc mỗi nơi làm một kiểu, gây phiền hà cho du khách.
Ông Nguyễn Trùng Khánh – Tổng cục trưởng Tổng cục du lịch: Đòn bẩy thu hút lớn lực lượng lao động
Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã khiến rất nhiều doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành phải đóng cửa, làm việc cầm chừng, nhân lực của ngành du lịch thiếu hụt. Vì vậy, nếu ngành du lịch được phục hồi mạnh mẽ, tạo được công ăn việc làm, thu nhập cao sẽ tự động là đòn bẩy thu hút lao động trước đây bị phân tán và chuyển sang làm các lĩnh vực khác quay trở lại.
Việc chính thức mở cửa đón khách du lịch quốc tế ngày 15/3 tới đây có ý nghĩa rất lớn không chỉ với ngành du lịch mà của nền kinh tế nói chung. Bởi khôi phục lại hoạt động du lịch cũng chính là góp phần tạo công ăn việc làm cho hàng chục nghìn người lao động, là đòn bẩy giúp các địa phương có thế mạnh du lịch bật dậy trước khủng hoảng do dịch.
Tuy nhiên việc mở cửa cần thực hiện song song với chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động quay trở lại ngành làm việc. Trước đó, Nhà nước cũng đã có những chính sách cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp. Tổng cục Du lịch sẽ tiếp tục đề xuất duy trì các cơ chế chính sách này đến hết năm 2023.
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống - Chuyên gia ngành hàng không: Mở cửa - mở ra nhiều cơ hội
Sau khi nghỉ Tết Nguyên đán 2022, hàng không đang phục hồi mạnh mẽ với tốc độ phục hồi cao hơn so với dự đoán của giới chuyên gia, thậm chí còn có thời điểm phục hồi cân bằng với cao điểm năm 2019.
Tuy nhiên, “cơn sốt” vé vừa qua mới chỉ là thời điểm và cũng chỉ có tác dụng kích thích, bổ trợ cho đà phục hồi của ngành hàng không. Động lực chính giúp hàng không vực dậy phải đến từ các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ.
Chỉ khi nào các đường bay quốc tế được khôi phục hoàn toàn, du khách nước ngoài ồ ạt vào nước ta để làm ăn, đi du lịch... thì khi đó hàng không mới thật sự có sức bật để phục hồi. Do đó thời điểm mở cửa hàng không quốc tế tháng 2 và chính thức mở cửa đón khách du lịch vào tháng 3 là hợp lý.
Thực chất chúng ta nói mở lại đường bay quốc tế, nhưng đây chính là phục hồi nền kinh tế, khi hàng không mở cửa thì mới thu hút được các nhà đầu tư vào Việt Nam để đầu tư. Chính vì vậy, các doanh nghiệp cũng như các địa phương cần phải chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch để đón đầu thời cơ.