Trong bối cảnh các biến chủng Covid-19 vẫn đang lan rộng tại nhiều nước và được dự báo sẽ tạo nên những làn sóng dịch bệnh mới, nhiều quốc gia vẫn không vì thế mà trì hoãn những kế hoạch khôi phục nền kinh tế bị tổn thương.
1. Đợt dịch Covid-19 đang lan rộng tại Australia nhiều khả năng sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế nước này ít nhất 6,3 tỷ đôla Australia (AUD) chỉ trong hai tuần.
Theo số liệu của công ty quản lý tài chính AMP Capital tại Australia, các khu vực đang bị phong tỏa tại bang New South Wales có dân số khoảng 6,6 triệu người và đóng góp 25% GDP của cả nước. Vì vậy khi khu vực này bị phong tỏa trong 2 tuần làm cho ngành du lịch và các ngành dịch vụ liên quan của Australia thiệt hại 6,3 tỷ AUD. Trong khi đó riêng bang đông dân nhất của nước này là New South Wales sẽ chịu thiệt hại 143 triệu AUD mỗi ngày, hoặc hơn 2 tỷ AUD trong 14 ngày.
Còn theo một tính toán khác của Diễn đàn Giao thông và du lịch, bang New South Wales thường chiếm 34% chi tiêu của khách du lịch cho kỳ nghỉ Đông trong tháng 7/2021. Vì vậy do đợt phong tỏa lần này đúng vào kỳ nghỉ của học sinh nên bang New South Wales sẽ thiệt hại 153 triệu AUD mỗi ngày. Trong đó riêng thành phố Sydney, thủ phủ của bang mỗi ngày sẽ thất thu 61 triệu AUD.
Để giúp đỡ các doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng bởi lệnh phong tỏa, Thủ hiến bang New South Wales dự kiến sẽ công bố một gói hỗ trợ tài chính mới trong vài ngày tới.
Giới phân tích tài chính cho rằng nếu không được ngăn chặn trong hai tuần phong tỏa, đợt dịch Covid-19 lần này có thể lan ra hầu hết các bang và vùng lãnh thổ của Australia và có khả năng sẽ tác động đến tăng trưởng kinh tế của nước này.
Một động thái mới được cho là những bước đi nhằm khôi phục nền kinh tế nước này khi ngày 28/6, phát biểu tại họp báo sau cuộc họp nội các liên bang khẩn cấp, Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết, sau khi có nhiều người dân tiêm vaccine trong năm nay, bắt đầu từ năm tới, nước này sẽ xem xét về việc mở cửa biên giới với những người đã tiêm vaccine ngừa Covid-19.
“Vào năm tới, chúng ta có thể cân nhắc về sự thay đổi trong chính sách cách ly khi có nhiều người dân tiêm vaccine. Trong năm nay, chúng ta cũng sẽ bắt đầu thử nghiệm cho phép một số người nhập cảnh, trước hết là lao động nhập cư chất lượng và các du học sinh”, Thủ tướng Australia nói.
Ngoài ra, Chính phủ Australia cũng đang tích cực kích hoạt chương trình hỗ trợ thu nhập cho người dân tại các điểm nóng của dịch bệnh, Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết các khoản thanh toán sẽ bắt đầu được triển khai từ ngày 1/7.
2. Không nằm ngoài chiến lược nhằm khôi phục nền kinh tế bị tổn thương bởi đại dịch Covid-19, ngày 29/6, Liên minh châu Âu (EU) cũng đã hành động, chi khoản tiền mặt đầu tiên từ quỹ phục hồi hậu Covid-19 dưới hình thức trợ cấp để tạo việc làm và hỗ trợ các doanh nghiệp ở các nền kinh tế bị tàn phá do đại dịch.
Trong một tuyên bố, Ủy viên phụ trách ngân sách EU Johannes Hahn nhấn mạnh: “Tôi rất vui vì chúng tôi đã thành công trong việc bắt đầu giải ngân quỹ phục hồi với tên gọi “Thế hệ tiếp theo của EU” (Next Generation EU) theo kế hoạch”.
Tại hội nghị thượng đỉnh vào tháng 12/2020, EU đã đạt được sự đồng thuận lịch sử là gộp nợ chung - được chia sẻ giữa các thành viên EU nhằm giảm chi phí đi vay cho các thành viên yếu hơn - để tài trợ cho gói phục hồi trị giá gần 700 tỷ euro. Trong gói hỗ trợ này, 500 tỷ euro sẽ được chi dưới dạng tài trợ cho các nước và 250 tỷ euro dưới dạng các khoản tín dụng. Trong 500 tỷ euro tài trợ, 310 tỷ euro sẽ được đầu tư vào các hoạt động chuyển đổi kinh tế số và kinh tế xanh.
Quỹ phục hồi kinh tế hậu Covid-19 là một phần trong gói ngân sách dài hạn đến năm 2027 của EU với tổng trị giá 1.800 tỷ euro (tương đương 2.190 tỷ USD) nhằm giải quyết những hậu quả về kinh tế và xã hội sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Ngày 15/6, EU thông báo đã huy động được 20 tỷ euro (khoảng 24 tỷ USD) đầu tiên cho quỹ phục hồi. Đến cuối năm, EU dự kiến sẽ phát hành trái phiếu và tín phiếu với giá trị 100 tỷ euro nhằm cung cấp nguồn tài chính cho các khoản tài trợ và cho vay theo kế hoạch trong năm 2021.
3. Trong khi đó, ngày 29/6, Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định nước này có thể dỡ bỏ hầu hết các hạn chế phòng, chống Covid-19 theo đúng kế hoạch vào ngày 19/7 tới.
Chính phủ Anh hy vọng có thể mở cửa trở lại nền kinh tế vào tuần trước, song do số ca nhiễm mới ngày một tăng, chủ yếu do sự lây lan của biến thể Delta, kế hoạch này đã được lùi lại cho đến ngày 19/7.
Còn tại Nga, kể từ ngày 29/6, khách hàng khi đến các quán cà phê ở Moscow buộc phải xuất trình mã QR theo đúng quy định bởi các quán cà phê chỉ được phục vụ khách hàng đã được tiêm chủng, có miễn dịch hoặc có xét nghiệm âm tính với Covid-19.
Các hạn chế này cũng được áp dụng tại các quán bar và nhà hàng trong bối cảnh nhà chức trách Moscow đang nỗ lực khống chế các ca nhiễm mới. Do mới được triển khai, nên hiện các cơ sở dịch vụ ăn, uống vẫn được phép phục vụ khách hàng không có mã QR ở khu vực ngoài trời cho đến ngày 12/7.
Trong 24 giờ qua, thủ đô Moscow ghi nhận số ca tử vong do Covid-19 cao nhất từ trước tới nay, với 124 ca, trong bối cảnh nước này đang đương đầu với làn sóng dịch thứ ba.
Nền kinh tế Australia đang đứng trước nguy cơ hứng chịu những thiệt hại không nhỏ từ đợt dịch Covid-19 mới. Vì hiện có đến 5 trên tổng số 8 bang và vùng lãnh thổ của nước này đang có ca mắc trong cộng đồng nên ngoài khu vực thành phố Sydney mở rộng và một số vùng lân cận đang bị phong tỏa 2 tuần thì thành phố Darwin (thủ phủ Vùng lãnh thổ Bắc Australia), thành phố Perth (thủ phủ bang Tây Australia) cũng ban hành lệnh phong tỏa trong vài ngày.