Cuối cùng, thế giới đã buộc phải sử dụng đến chính sách đảm bảo tương lai sớm hơn dự kiến, khi lần đầu tiên phải mở kho chứa hạt giống toàn cầu Svalbard đặt ở quần đảo Bắc Cực để cứu giúp người dân Trung Đông.
Hầm hạt giống toàn cầu Svalbard ở Bắc cực lần đầu
phải mở cửa vì chiến sự Syria. (Nguồn: PBS)
Lần đầu mở cửa
Được biết đến với cái tên “Hầm ngày tận thế”, Ngân hàng hạt giống này – được vận hành bởi Chính phủ Na Uy và chứa hạt giống của gần như toàn bộ các loại cây lương thực trên thế giới – được xem là phương án dự phòng cho thế giới trong trường hợp mùa màng bị tàn phá hàng loạt trong một thảm họa toàn cầu.
Nhưng trớ trêu thay, không phải một thảm họa thiên nhiên đã khiến giới khoa học buộc phải mở cửa “Hầm ngày tận thế”, mà chính là một thảm họa do chính loài người gây nên – chiến tranh.
Cuộc nội chiến đẫm máu ở Syria đã khiến các nhà khoa học làm việc tại một ngân hàng gen quan trọng ở thành phố Aleppo – nơi nghiên cứu và sản xuất ra các loại lúa mì chống hạn hán và nhiệt độ cao – đã phải ngừng toàn bộ hoạt động trong suốt vài năm qua.
Đến nay, do không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy tình hình ở Syria được cải thiện, các nhà khoa học đã bắt đầu phải sử dụng đến kho chứa hạt giống toàn cầu vốn được đặt sâu trong băng giá ở vùng Bắc cực.
Số hạt giống lấy từ “Hầm ngày tận thế” này hiện đang được đem ra gieo trồng ở một số cơ sở nông nghiệp mới ở Lebanon và Morocco, để các nhà khoa học có thể nối lại công trình nghiên cứu quan trọng mà họ đã từng làm trong suốt nhiều thập kỷ qua, trong khi tránh được chiến sự ở Aleppo.
Được biết, Ngân hàng gen ở thành phố Aleppo, Syria thuộc Trung tâm quốc tế Nghiên cứu Nông nghiệp tại các vùng khô hạn (ICARDA); và là một trong số những cơ sở nghiên cứu nông nghiệp quan trọng bậc nhất thế giới. Ngân hàng này đã nghiên cứu và sản xuất ra hơn 135.000 chủng loại lúa mỳ, đậu fava, đậu lăng, đậu xanh cùng hàng loạt loại lúa mạch có giá trị khác của thế giới.
Giám đốc ICARDA, ông Mahmoud El-Solh, cho biết các chủng loại kể trên đã có từ đời xa xưa, nhưng đáng buồn thay chúng lại đang dần bị tuyệt chủng. Khu vực này cũng là được coi là cái nôi của ngành nông nghiệp khi có khởi nguồn từ cách đây 10.000 năm. Trước đây, chính trung tâm của ICARDA đặt tại Aleppo đã cũng cấp tới 80% số hạt giống và vật mẫu cho Kho hạt giống toàn cầu hồi năm 2012.
Hạt giống đến Lebanon
Tại Lebanon, ông Solh đã tự tay mở cánh cửa hầm tại Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Nông nghiệp của ĐH Mỹ ở Beirut tại thung lũng Bekaa. Đây chính là nơi lượng hạt giống mà ICARDA thu lại từ “Hầm ngày tận thế” được lưu trữ. Solh cho biết chính tay ông đã kiểm tra một số hạt giống đựng trong một phong bao màu nâu. Đây chính là hạt giống của loại lúa mỳ mà chúng ta thường sử dụng ngày nay, có nguồn gốc từ 10.000 năm trước.
“Đây là loại giống có sức chống chịu cao, gồm chịu hạn hán, chịu nhiệt, khả năng chống sâu bệnh và còn nhiều hơn nữa. Bợi vậy mà nó đã tồn tại qua sự chọn lọc tự nhiên suốt hàng trăm năm qua” – ông Sohl nói.
Chỉ cách 10 phút đi xe từ Trung tâm này, băng qua một dãy núi ở Syria, ICARDA đang xây dựng thêm một hầm chứa hạt giống mới. Để bắt đầu khôi phục một kho dự trữ hạt giống mới tại đây, họ đã xây dựng thêm một số nhà kính gần đó để bắt đầu gieo các loại hạt giống này, từ đó tái sản xuất thêm nhiều hạt giống khác. Một khi quá trình này hoàn thành, các nhà khoa học sẽ lại một lần nữa thu được lượng hạt giống đủ để nghiên cứu và cung cấp cho các hầm hạt giống khác của thế giới.
Một dự án khôi phục tương tự cũng đang được tiến hành ở Morocco, nhằm đảm bảo rằng nhân loại sẽ luôn có được các vật liệu gen quan trọng này trong trường hợp thảm họa xảy ra.
“2/3 số hạt giống này đến từ các vùng khô hạn, bởi vậy chúng có khả năng chống chịu môi trường khắc nghiệt như lạnh, nóng, khô hạn, nhiễm mặn hay sâu bệnh…” – ông Sohl nói.
Hiện các nhà nghiên cứu còn đang tìm cách để cải thiện mùa màng cung cấp thực phẩm cho con người bằng các loại hạt giống đang tồn tại và đã bị tuyệt chủng về nguồn gen; trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức do tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu.