Đã 1 tháng kể từ khi Thủ tướng cho phép mở bay thương mại quốc tế định kỳ đón đồng bào ở 6 quốc gia, vùng lãnh thổ về nước, các hãng mới chỉ được bay 2 chuyến đón khách và đồng bào hồi hương. Các chuyến bay khác bị hoãn, kiều bào phải mòn mỏi mong chờ vì các bộ, địa phương còn đang bàn quy trình, địa điểm, phí cách ly.
Chưa được hồi hương vì quy trình cách ly
Sang Hàn Quốc lao động theo thời vụ, visa của anh Phạm Quang Nam (Vĩnh Phúc) đã hết hạn từ tháng 8 vừa qua. Do quá nhiều người đăng ký về Việt Nam trên chuyến bay giải cứu nên anh Nam và nhiều người khác trông chờ được bay thương mại. Bởi thế, đầu tháng 9, thông tin Việt Nam chính thức mở lại đường bay quốc tế với Hàn Quốc - một trong 6 quốc gia, vùng lãnh thổ kiểm soát dịch Covid-19 tốt khiến anh Nam và hàng chục ngàn người Việt vô cùng háo hức.
Thế nhưng “niềm vui ngắn chẳng tày gang”. Thông tin hành khách về nước trên chuyến bay ngày 30/9 gây ra cảnh lộn xộn tại sân bay Tân Sơn Nhất vì chưa thống nhất phương án cách ly ở khách sạn đã khiến các chuyến bay thương mại quốc tế bị tạm hoãn vô thời hạn. Không ít diễn đàn bùng lên những trách móc hãng hàng không, trách khách quá khích và than vãn về quy trình cách ly. Đại lý vé máy bay của Vietnam Airlines thì đổ lỗi cho việc phải hoàn tiền vé cho người Việt ở Hàn Quốc vì sự cố hôm 30/9 ở Tân Sơn Nhất khiến cơ quan chức năng quyết định tạm hoãn chuyến bay chở khách về Việt Nam để xây dựng quy trình cách ly thống nhất áp dụng cho toàn quốc.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia hàng không và khách am hiểu quy định bay thời chống dịch thì nguyên nhân lớn nhất của vụ lộn xộn hôm 30/9 ở Tân Sơn Nhất và đến nay vẫn chưa thể bay thương mại quốc tế là do cơ quan quản lý nhà nước không kịp thời ban hành quy định về quy trình, địa điểm và phí cách ly.
Đợt đầu bay thương mại, đối tượng ưu tiên bay là những người có hộ chiếu ngoại giao, công vụ, chuyên gia, kỹ thuật, nhà quản lý và người Việt có nhu cầu hồi hương. Các trường hợp trên đều có điều kiện, có nhu cầu và hài lòng với việc được cách ly ở khách sạn. Nhưng, nhiều người Việt điều kiện kinh tế không dư giả gì. Tính riêng ở Hàn Quốc có hơn 200.000 người Việt định cư và khoảng 60.000 du học sinh. Nhiều người có nhu cầu về nước. Nếu được bố trí cách ly ở khu tập trung của nhà nước do quân đội quản lý với chi phí thấp thì sẽ rất phù hợp với lao động Việt Nam về nước. Tuy nhiên, hôm 30/9, chính quyền địa phương chỉ đưa ra 3 khách sạn cho toàn bộ khách của chuyến bay này lựa chọn cách ly.
Chậm chân là lỡ cơ hội
Nhìn nhận việc chuyến bay thương mại quốc tế tạm hoãn đến nay vẫn chưa thể bay do thiếu quy trình cách ly thống nhất, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long gay gắt: “Không thể chấp nhận được cách làm của các cơ quan quản lý nhà nước!”.
Theo ông Long, quy trình cách ly, cách ly ở đâu, mức phí thế nào là trách nhiệm của chính quyền. Việc này lẽ ra phải hoàn tất trước 15/9, thời điểm Thủ tướng cho phép bay chuyến thương mại quốc tế đầu tiên. Thế nhưng hôm 30/9, Hãng Vietjet thậm chí phải chủ động đi tìm, giới thiệu các khách sạn với mức giá khác nhau cho khách lựa chọn, cách ly. Việc làm này của hãng đáng biểu dương nhưng hãng này phải nhận kết quả ngược lại từ khách hàng và đối thủ. Điều đó chẳng khác nào quýt (cơ quan quản lý nhà nước) không làm, cam (doanh nghiệp) phải gánh chịu.
Tính từ thời điểm Chính phủ quyết định mở lại đường bay đến nay đã 1 tháng, mới chỉ thực hiện được 2 chuyến bay chở khách từ Hàn Quốc với gần 300 hành khách về nước. Nay vẫn chưa có quy trình cách ly thống nhất để có thể bay trở lại! Tuần qua Bộ GTVT mới lại có văn bản gửi UBND TP Hà Nội và UBND TP Hồ Chí Minh lấy ý kiến đối với lịch khai thác các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ giữa Việt Nam và các nước. Trên cơ sở đó, Cục Hàng không Việt Nam mới xem xét, cấp phép bay cho các hãng hàng không trong thời gian tới.
“Điều này ảnh hưởng đến hãng hàng không, đến hình ảnh của Việt Nam với đối tác và gây mất niềm tin trong nhân dân, đặc biệt với những người đang mòn mỏi chờ hồi hương. Theo tôi, cần xử lý trách nhiệm những người gây nên sự chậm trễ này”, ông Long đặt vấn đề.
PGS.TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch tỏ ra “không ngạc nhiên” với việc chuyến bay thương mại quốc tế vừa nối lại đã tạm hoãn, vì “trên nóng dưới lạnh”, cơ quan quản lý chậm trễ, không tuân thủ đúng chỉ đạo của Chính phủ”.
PGS Lương e ngại sự chậm trễ không chỉ khiến cơ hội đoàn tụ của hàng vạn đồng bào bị trì hoãn mà còn lỡ cơ hội phục hồi hàng không, du lịch và lớn hơn là phát triển kinh tế.
Để phục hồi hàng không, du lịch, theo TS Lương Hoài Nam, không còn cách nào khác là chúng ta cũng phải tạo ra các vùng/điểm du lịch an toàn. Muốn vậy, cơ quan quản lý phải phối hợp xây dựng ngay các quy định, quy trình đón khách, cách ly, kiểm soát dịch. Việc này không khó, đã nói nhiều nhưng vẫn chưa có quy trình và cũng chưa ai bị xử lý.