Văn hóa

Mở đường cho hồi hương cổ vật

Minh Quân 21/03/2024 07:09

Thời gian qua, nhiều cổ vật, bảo vật quý đã được hồi hương. Tuy nhiên, vẫn còn đó những rào cản pháp lý, cơ chế chính sách chưa được khai thông.

anhbaitren.jpg
Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”. Ảnh: Cục Di sản văn hóa.

Gian nan ngày trở về

Với nhiều nguyên nhân nên nhiều cổ vật, bảo vật quý của Việt Nam đã phải lưu lạc nơi “đất khách quê người” và được trưng bày, cũng như có mặt tại các phiên đấu giá quốc tế.

Có thể kể đến ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”, chiếc xe kéo tay của Hoàng Thái hậu Từ Minh (mẹ vua Thành Thái); chiếc mũ quan triều Nguyễn của Việt Nam từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20… Hay bộ đàn đá đầu tiên có niên đại khoảng 3000 năm tìm được tại Đắk Lắk năm 1949 đang được bảo quản tại Bảo tàng Con người ở Paris (Pháp)... Ngoài ra, còn hàng nghìn sản phẩm gốm sứ, tranh ảnh, tư liệu quý vẫn đang nằm rải rác tại các phòng trưng bày ở Bỉ, Tây Ban Nha, Anh... Chưa kể đến một số lượng lớn các cổ vật khác nằm trong những bảo tàng tư nhân, hoặc bộ sưu tập tư nhân.

Dù hết sức nỗ lực đem bảo vật trở về, nhưng những bảo vật quý của quốc gia vẫn đang gặp nhiều rào cản. Thực tế giá cổ vật in trên các danh mục trước khi đấu giá chính thức chỉ là giá dự kiến thường cách biệt rất xa so với giá bán sau cùng. Ngoài ra, người mua phải trả thêm lệ phí cho nhà đấu giá (thường từ 10-15% giá bán món đồ), cùng tiền thuế giá trị gia tăng, tiền đóng gói và vận chuyển cổ vật từ nơi đấu giá đến địa chỉ của người mua. Đây là một thách thức lớn cho những bảo tàng công lập ở Việt Nam khi muốn mua cổ vật đấu giá ở nước ngoài.

Theo TS Phạm Quốc Quân - Ủy viên Hội đồng Di sản Việt Nam, trên những sàn đấu giá quốc tế được thực hiện từ những công ty đấu giá tầm cỡ, uy tín như Sotheby’s, Butterfield… cổ vật Việt Nam và những tác phẩm thời mỹ thuật Đông Dương có giá trị tăng lên chóng mặt. “Làm sao để người Việt Nam có thể đối đầu với những đại gia tầm cỡ thế giới của những quốc gia phát triển?” - ông Quân bày tỏ.

Hiện nay Việt Nam mới chỉ tham gia Công ước 1970 về các biện pháp ngăn cấm xuất nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa, mà chưa tham gia một số công ước, hiến chương, khuyến nghị về di sản văn hóa và bảo vệ cổ vật. Đơn cử như Công ước UNIDROIT về tài sản văn hóa bị đánh cắp hay xuất khẩu trái phép năm 1955, Khuyến nghị của UNESCO về các nguyên tắc quốc tế áp dụng cho khai quật khảo cổ năm 1956 (Khuyến nghị New Dehli). Chính vì vậy, việc hồi hương các cổ vật đang gặp khó bằng luật pháp quốc tế.

Mang di sản về quê hương

Trên thực tế, những cổ vật được hồi hương về Việt Nam trong nhiều năm qua chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với một lượng lớn cổ vật của Việt Nam bị “lưu lạc” ra nước ngoài. Để có thể hồi hương những cổ vật, Nhà nước cần có những chính sách hợp lý và thông thoáng.

GS.TS Trương Quốc Bình - nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho rằng, bên cạnh việc kết hợp một số giải pháp về mặt ngoại giao và văn hóa để hồi hương các cổ vật, tác phẩm nghệ thuật, trong bối cảnh ngân sách nhà nước như hiện nay, cần khuyến khích các nhà sưu tập tư nhân, bảo tàng tư nhân, người có điều kiện tài chính tham gia đưa cổ vật về nước với những ưu đãi cụ thể về thủ tục hành chính, hải quan, thuế, an ninh. Nhà nước cần ghi nhận, tôn trọng và bảo đảm quyền sở hữu tư nhân của những người bỏ tiền đưa cổ vật về nước, đồng thời tổ chức trưng bày, triển lãm tôn vinh, quảng bá giá trị các cổ vật.

Còn theo Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Lê Thị Thu Hiền, đơn vị đang tham mưu lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch nghiên cứu, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng danh mục cổ vật của Việt Nam bị đưa ra khỏi đất nước bất hợp pháp trong quá khứ và tham vấn Ban Thư ký Công ước 1970 của UNESCO về danh mục này. Sau đó, xây dựng phương án từng bước hồi hương cổ vật, xin ý kiến các bộ, ngành liên quan và trình Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện.

Bà Hiền bày tỏ, hồi hương cổ vật lưu lạc ở nước ngoài trở về Việt Nam không chỉ để bổ sung, hoàn thiện các sưu tập cổ vật, bảo vật, di sản văn hóa bị thất lạc, “chảy máu” ra nước ngoài. Đây cũng là việc làm rất có ý nghĩa, bảo đảm tính toàn vẹn của di sản văn hóa, một nội dung quan trọng mà UNESCO rất chú trọng trong bảo tồn di sản văn hóa, đồng thời thể hiện vai trò của Việt Nam trong việc thực hiện cam kết tại các Công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Theo Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Lê Thị Thu Hiền, Việt Nam hiện nay hồi hương cổ vật bằng 3 hình thức. Đó là: cá nhân, tổ chức vận động quyên góp, mua cổ vật và hiến tặng về nước (như chuông chùa Ngũ Hộ được đưa từ Tokyo, Nhật Bản về Bắc Ninh năm 1978); cá nhân, tổ chức đấu giá từ nước ngoài và hiến tặng về nước (như xe kéo của Hoàng Thái hậu Từ Minh được đưa về Huế năm 2015); Chính phủ các nước tự nguyện trả cổ vật của Việt Nam thu được từ các cuộc điều tra buôn bán trái phép cổ vật (18 cổ vật nhận từ Đức năm 2018).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mở đường cho hồi hương cổ vật

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO