Với 70% dân số sống ở vùng nông thôn, nông nghiệp được coi là trụ đỡ của kinh tế đất nước. Những năm qua, nông nghiệp Việt Nam đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ, nhiều sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu đứng hàng đầu thế giới, an ninh lương thực được giữ vững. Tuy nhiên, trong xu thế hội nhập, sự cạnh tranh ngày càng gia tăng, việc tái cấu trúc nền nông nghiệp nước nhà là vấn đề cần thiết. Trong đó, việc tích tụ ruộng đất để có điều kiện đầu tư sâu vào nông nghiệp được coi là hệ trọng.
Cánh đồng mùa gặt.
Sự phát triển của ngành sản xuất nông nghiệp luôn gắn liền, phụ thuộc vào chính sách ruộng đất. Kể từ năm 1945 đến nay, chính sách về ruộng đất ở nước ta đã nhiều lần được thay đổi, tùy vào điều kiện, hoàn cảnh của đất nước, nhằm đáp ứng những yêu cầu của đất nước ở từng thời kỳ.
Đòi hỏi tái cấu trúc
Ngay sau khi đất nước giành được độc lập (năm 1945), Nhà nước khi đó ban hành, áp dụng chính sách ”người cày có ruộng”. Giai đoạn từ 1960 đến 1985, Nhà nước ban hành, áp dụng chính sách sở hữu tập thể về ruộng đất. Gắn liền với chính sách này là phong trào hợp tác hóa sản xuất nông nghiệp ở miền Bắc. Từ năm 1986, khi đất nước bắt đầu thời kỳ đổi mới, chuyển đổi từ cơ chế quản lý tập trung, bao cấp sang cơ chế thị trường định hướng XHCN, chính sách về đất đai của Nhà nước cũng có sự thay đổi. Theo đó, một chính sách mới về đất đai được thiết lập, dựa trên các nguyên tắc: đất đai thuộc sở hữu toàn dân, nhà nước thống nhất quản lý đất đai theo pháp luật và theo quy hoạch.
Thực tế cho thấy, đây là một chính sách đột phá, giúp nền nông nghiệp nước nhà được hồi sinh, phát triển mạnh sau thời kỳ phong trào hợp tác hóa nông nghiệp với phương thức sản xuất tập thể lâm cảnh trì trệ, thoái trào. Nhờ gắn liền quyền lợi, trách nhiệm với ruộng đất, hàng triệu hộ nông dân trên cả nước đã đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ, áp dụng khoa học, kỹ thuật, qua đó nâng cao được năng suất cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập, hầu hết đã xóa được đói, giảm được nghèo. Cũng từ chính sách này mà Việt Nam từ một nước thiếu đói đã có thể đảm bảo vững chắc được về an ninh lương thực, giữ vững được sự ổn định ở khu vực nông thôn. Hơn thế, còn trở thành quốc gia xuất khẩu lương thực đứng hàng đầu trên thế giới.
Tuy nhiên, để không bị lép vế, thua thiệt trên đường hội nhập, cạnh tranh có rất nhiều yêu cầu đang đặt ra với ngành nông nghiệp nước ta hiện nay, với đòi hỏi bức thiết là tái cấu trúc ngành nông nghiệp, với hàng loạt các yêu cầu cụ thể. Trong đó, việc tích tụ ruộng đất được coi là điều kiện đầu tiên để có thể xây dựng được một nền nông nghiệp hiện đại.
Thời gian qua, một số địa phương đã thực hiện dồn điền đổi thửa. Tuy nhiên, về bản chất đây chưa phải là tích tụ ruộng đất mà chỉ có tác dụng giảm số đầu thửa canh tác của mỗi hộ, tổng diện tích ruộng đất của mỗi hộ sau dồn đổi không thay đổi.
Ly nông và ly hương
Theo Luật Đất đai năm 1993, ruộng đất được Nhà nước giao cho các hộ nông dân trong thời hạn 20 năm. Theo Luật Đất đai mới, ruộng đất tiếp tục được Nhà nước giao quyền sử dụng cho nông dân thêm 50 năm...
Tại một số tỉnh thuộc vùng Nam sông Hồng như Nam Định, Thái Bình, Hà Nam... ở những địa phương này có điểm chung: bình quân ruộng đất nông dân được giao rất thấp, phổ biến mỗi khẩu chỉ được giao từ 1-2 sào Bắc Bộ. Với mức này, hộ nhiều cũng chỉ được giao trên dưới 1 mẫu (3.600m2). Ngoài diện tích đã giao cho các hộ nông dân, mỗi xã đều có một số diện tích ruộng đất công, thường là các loại đất bãi ven sông, ven làng, ven thổ... Phần nhiều trong số này được chính quyền cho các cá nhân, tổ chức thuê lại để canh tác, làm trang trại. Trong số những hộ được giao ruộng đất, việc sử dụng, sự gắn bó với ruộng đất cũng có sự khác nhau:
Thứ nhất, vẫn còn một bộ phận khá lớn các hộ nông dân đang gắn bó chặt chẽ với ruộng đất, nguồn sống dựa chính vào các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi.
Thứ hai là những hộ tuy vẫn đang được giao ruộng đất nhưng trên thực tế đã thoát ly hẳn khỏi ruộng đồng. Như trường hợp gia đình bà Trần Thị Vang ở xóm 5 thôn Bái Dương, xã Nam Dương (Nam Trực, Nam Định): ở thời điểm năm 1993, thời điểm được giao ruộng, gia đình bà có 6 khẩu, gồm hai ông bà và 4 người con. Khi đó, theo điều kiện ruộng đất của địa phương, mỗi khẩu trong gia đình bà Vang được giao 9 thước ruộng (10 thước là một sào Bắc Bộ), cả gia đình là 5,4 sào. Tuy nhiên, khi lớn lên, 3 trong số 4 người con của bà đều học tiếp sau phổ thông, ra trường công tác ở các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp; sinh sống, lập nghiệp ở thành phố, thoát ly hoàn toàn với ruộng đồng dù đến nay vẫn được giao một suất ruộng ở quê. Trên thực tế, 5,4 sào ruộng của cả gia đình lâu nay chỉ do vợ chồng bà canh tác. Năm 2005 ông Vang qua đời, từ đó mấy sào ruộng chỉ do một mình bà Vang đảm nhiệm. Vừa qua, do tuổi cao, không còn đủ sức khỏe bà Vang rời quê, ra ngoài thành phố sống cùng con cháu. Số ruộng ở quê được bà cho một số người thân trong dòng họ mượn lại để canh tác.
Trên thực tế những trường hợp như gia đình bà Vang có khá nhiều.
Thứ ba là những hộ dù vẫn đang được giao ruộng đất nhưng lao động chính cũng không làm nông mà tìm kiếm, có việc làm ổn định tại các khu, cụm công nghiệp trên cả nước. Nhiều người may mắn hơn, tìm kiếm được việc làm ở ngay những khu, cụm công nghiệp được xây dựng ngay tại địa phương mình. Đơn cử, xã Hải Phương (Hải Hậu, Nam Định) trước đây chỉ là xã thuần nông. Cách đây vài năm, một cụm công nghiệp chuyên ngành may được xây dựng trên địa bàn xã. Kể từ đó đến nay, cụm công nghiệp này đã thu hút, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho khoảng 4.000 lao động ở địa phương, phần nhiều trong số này trước đây là lao động nông nghiệp...
Thứ tư là những hộ dù vẫn đang được giao ruộng nhưng lao động chính cũng không còn gắn bó với đồng ruộng mà gia nhập vào khu vực lao động không chính thức. Đơn cử, từ nhiều năm trước, ở nhiều xã thuộc huyện Xuân Trường (Nam Định) có phong trào nam giới thì lên Hà Nội chạy xe ôm, phụ nữ thì ra đây hành nghề đồng nát, giúp việc gia đình. Hiện nay, rất nhiều thanh niên ở đây đang bám trụ tại Hà Nội và nhiều đô thị khác để hành nghề lái taxi. Ở xóm xóm 9, xã Hải Hà (Hải Hậu, Nam Định)- nơi chúng tôi có dịp tìm hiểu thì ngoài một số con em chọn con đường học hành, đi thoát ly, số đông đàn ông, thanh niên còn lại của xóm chọn nghề thợ xây để mưu sinh. Lập thành các tổ đội, quanh năm những người này đi ra ngoài hành nghề, có mức thu nhập cao hơn nhiều so với làm nông, nhiều người trong số này xây được nhà cao tầng. Tương tự như vậy, trước đây nghề bán phở chỉ có ở thôn Giao Cù, xã Đồng Sơn (Nam Trực, Nam Định). Nhận thấy nghề này mang lại thu nhập cao, những năm gần đây nhiều hộ dân, nhất là các gia đình trẻ ở các làng xã xung quanh như Nam Thái, Nam Tiến, Bình Minh...cũng học theo, gửi lại nhà cửa, ruộng đất ở quê, tìm về các đô thị trên cả nước thuê mặt bằng hành nghề bán phở.
Cuối cùng là các hộ tuy không ly hương nhưng cũng đã ly nông, sống dựa chính vào việc kinh doanh, cung cấp nhiều loại hình dịch vụ cho chính cộng đồng làng quê của mình. Họ có thể mở một cửa hàng tạp hóa, một hàng ăn, một quán Internet, cho thuê phông bạt, bàn ghế phục vụ đám cưới, đám ma...Với những thôn làng có nghề truyền thống thực tế này còn rõ hơn.
Từ thực tế đó cho thấy đang và sẽ dẫn đến một thực tế: ruộng đất không còn là nhu cầu thiết yếu của một bộ phận khá lớn trong số những người đang được giao quyền canh tác. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có thêm nhiều thửa ruộng, cánh đồng trở nên vắng vẻ. Về lý thuyết, đây là điều kiện thuận lợi cho việc tích tụ ruộng đất, mở đường cho các mô hình, dự án sản xuất nông nghiệp tập trung, hiện đại, quy mô lớn...