Mô hình “5+1”, nghĩa là 5 cựu chiến binh (CCB) khá, giàu giúp 1 CCB nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững, đã được các cấp Hội CCB tỉnh Bến Tre triển khai thực hiện từ năm 2012 và thí điểm ở 25 Hội CCB cơ sở của 25 xã điểm xây dựng nông thôn mới. Hiệu quả của mô hình đã được chứng minh rõ rệt.
Hội CCB tỉnh Bến Tre bàn giao nhà “Nghĩa tình đồng đội” cho hội viên CCB xã Định Thủy (Mỏ Cày Nam).
Thực hiện mô hình “5+1”, các cấp Hội CCB tỉnh Bến Tre không chỉ cử người giúp đỡ về vật chất, tinh thần cho CCB nghèo mà còn thông qua những hình thức khác như: Hỗ trợ cây, con giống, ngày công lao động, phương thức sản xuất…Đặc biệt, các CCB được phân công giúp đỡ những hộ CCB nghèo là những người có tâm huyết, khả năng, luôn bám sát từng hộ CCB để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng cũng như những điều kiện khó khăn cụ thể để đề xuất những giải pháp hỗ trợ thiết thực nhất.
Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền cơ sở cũng có sự quan tâm đối với CCB nghèo, tranh thủ thêm các nguồn tài trợ để giúp đỡ CCB vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, đến nay Hội CCB Bến Tre đã xây dựng được 1.128 mô hình với 5.887 thành viên tham gia vận động giúp vốn cho hộ nghèo sản xuất được hơn 3,3 tỷ đồng, 4.021 ngày công lao động, cho mượn đất sản xuất 15.700 m2 và 4.785 cây trồng, vật nuôi các loại để tạo điều kiện cho hộ nghèo sản xuất phát triển kinh tế, tăng thu nhập ổn định cuộc sống. Trong đó, đã có 874 hộ CCB thoát nghèo từ mô hình này.
Trao đổi với chúng tôi ông Trần Quốc Việt - Chủ tịch Hội CCB Bến Tre cho biết: Năm 2012, Hội xác định công tác giảm nghèo, xóa nghèo là khâu đột phá, thực hiện chính sách an sinh xã hội trong hội viên. Mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo giảm ít nhất 20% so với tổng số hộ hội viên nghèo. Đến năm 2015, Hội không còn hội viên thuộc diện hộ nghèo. Mô hình 5+1 là một trong những giải pháp để thực hiện mục tiêu này.
“Thực tiễn cho thấy mô hình “5+1” không chỉ 5 giúp 1 mà có thể 3 đến 4 hoặc 7 đến 10 giúp 1, tùy điều kiện thực tế ở địa phương. Mô hình không chỉ được xem là “đòn bẩy” để giảm nghèo, xóa nghèo hiệu quả trong hội viên CCB, mà còn thắt chặt tình làng nghĩa xóm” - ông Việt nói.
Thông qua việc triển khai thực hiện đã xuất hiện nhiều mô hình tiêu biểu và đang được nhân rộng. Điển hình là mô hình “5+1” của xã Tân Thiềng (Chợ Lách) đã giúp cho 3 hộ gia đình CCB nghèo mượn không tính lãi gần 20 triệu đồng để mua bò, mua dê và buôn bán nhỏ.
Riêng hộ CCB Nguyễn Văn Thắm được hội viên Lê Văn Ngưng cho mượn 2.000 m2 đất vườn để sản xuất, các thành viên còn lại trong nhóm giúp cho nhánh quất, ngày công lao động như: Phát hoang, vun mô, đã trồng được hơn 300 nhánh quất xanh tốt, hộ này thoát nghèo năm 2014. Hiện hội CCB xã Tân Thiềng không còn hộ nghèo và hội đang thực hiện mô hình này để giúp nhau khá, giàu.
Ở huyện Mỏ Cày Nam có CCB Trà Văn Phùng ở ấp An Lợi, xã An Thới có hoàn cảnh khó khăn, ít đất canh tác, được Hội CCB xã hỗ trợ 10 triệu đồng để mua một cặp dê giống về nuôi. Nhờ chăm chỉ, chịu khó, cũng như ham tìm hiểu, học hỏi về cách chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho dê nên đàn dê của gia đình anh Phùng đã phát triển được 6 con và tiếp tục phát triển đàn.
Có thể nói, mô hình “5+1” giúp nhau xóa nghèo bền vững đã giúp cán bộ, hội viên gắn bó nhau hơn, mang tính lan tỏa ra cộng đồng và tác động đến công tác giảm nghèo ở xóm ấp. Hiện nay tại các huyện đều đã thành lập Câu lạc bộ giảm nghèo. Đồng thời, trong việc triển khai các mô hình xóa nghèo, giảm nghèo, nhận thức của các hội viên đã có nhiều chuyển biến và đề ra nhiều giải pháp mới thiết thực phù hợp với hoàn cảnh của từng hộ để áp dụng có hiệu quả.