Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục quan tâm tới phát triển mô hình Hội quán, từ đó có rút kinh nghiệm, đánh giá và nhân rộng mô hình, xem đây là kênh hữu hiệu phát triển kinh tế tại Đồng Tháp.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cùng đoàn công tác thăm Hội quán.
Ngày 13/4, trong chuyến kiểm tra công tác tổ chức Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp tỉnh Đồng Tháp nhiệm kỳ 2019 – 2024, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cùng Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng và các thành viên trong đoàn UBTƯ MTTQ Việt Nam có chuyến thăm mô hình Hội quán Thuận Tân tại xã Tân Thuận Tây, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.
Sau khi trực tiếp thăm và khảo sát mô hình Thuận Tân Hội quán tại xã Tân Thuận Tây, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn bày tỏ niềm vui mừng, phấn khởi trước những kết quả đạt được của Thuận Tân Hội quán nói riêng và Hội quán tỉnh Đồng Tháp nói chung, đây là mô hình hợp tác mới của người nông dân đồng bằng Sông Cửu Long. Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội phải là là nơi gắn kết các Hội quán để nhân rộng các mô hình này, đây chính là ngôi nhà chung của nông dân tỉnh Đồng Tháp.
“Hội quán đã nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp để đây là ngôi nhà chung với những sinh hoạt tự giác, tự nguyện, tập hợp những người làm nông nghiệp để cùng trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh và ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất, qua đó tình làng nghĩa xóm ngày càng gắn bó. Hội quán chính là ngôi nhà chung, là nơi tập hợp và củng cố vững chắc hơn nữa khối đại đoàn kết toàn dân tộc”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Khẳng định đây là mô hình hợp tác hiệu quả trong phát triển kinh tế, để mô hình ngày càng phát huy hiệu quả, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn mong muốn mỗi thành viên trong Hội quán phát huy tinh thần đoàn kết, cùng chia sẻ những cách làm hay, những kinh nghiệm trong chọn lựa giống cây trồng, chọn lựa khoa học kỹ thuật phù hợp để chung sức đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đưa nông nghiệp của Đồng Tháp ngày càng xứng tầm, đảm bảo tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang các thị trường “khó tính” trên thế giới.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn tham quan các sản phẩm của Hội quán.
Cùng với đó, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho rằng, mỗi thành viên trong Hội quán cần đẩy mạnh nghiên cứu những sản phẩm nông nghiệp mới và tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, đặc biệt là tích cực tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua vận động bà con trên địa bàn ý thức trong việc xả rác ra môi trường.
“Chỉ khi môi trường sống sạch đẹp thì môi trường sống mới được đảm bảo và mới thu hút được đông đảo khách du lịch. Mỗi thành viên Hội quán chính là một hướng dẫn viên du lịch tích cực trên địa bàn”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục quan tâm tới phát triển mô hình Hội quán, từ đó có rút kinh nghiệm, đánh giá và nhân rộng mô hình để đây là kênh hữu hiệu phát triển kinh tế tại Đồng Tháp. Bên cạnh đó cần hỗ trợ bà con phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng đời sống, giữ vững an ninh trật tự, phát triển thương hiệu nông sản, từ đó, xây dựng cộng đồng dân cư vững mạnh, văn hóa.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị, phải phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức, chung lòng để xây dựng Hội quán ngày càng vững mạnh. Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội chính là cầu nối gắn kết các Hội quán trong xây dựng nông thôn mới và duy trì, phát triển các tiêu chí trên địa bàn.
Qua chia sẻ của lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, Hội quán ở Đồng Tháp là một hình thức liên kết tự nguyện của những người nông dân nhằm chia sẻ những “chuyện làng, chuyện xóm” và hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh. Dù mới bước đầu thành lập nhưng mô hình này đã tỏ rõ sức cố kết và lan tỏa trong cộng đồng.
“Hội quán” là mô hình quy tụ nông dân cùng chia sẻ kinh nghiệm, phương án sản xuất nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường tiêu thụ, phương thức làm ăn giỏi... Hội quán xuất hiện ở Đồng Tháp và cũng là địa phương đầu tiên ở đồng bằng Sông Cửu Long có mô hình này. Từ hội quán đầu tiên thành lập ở xã An Nhơn, huyện Châu Thành vào tháng 6/2016, đến nay toàn tỉnh Đồng Tháp đã có 68 hội quán với 3.836 thành viên tham gia.
Sản phẩm xoài Cát Chu của Hội quán xuất khẩu sang nước ngoài.
Thời gian qua, mô hình hội quán là nơi để bà con nông dân có thể cùng nhau hợp tác, giúp nhau phát triển. Thông qua hội quán, lãnh đạo tỉnh, các nhà chuyên môn, các doanh nghiệp đều có thể đến sinh hoạt cùng bà con.
Thời gian qua, Hội quán không chỉ là kênh trao đổi, chia sẻ giữa những người nông dân với nhau hay giữa người dân với chính quyền, mà còn là kênh liên kết giữa người nông dân với doanh nghiệp thu mua nông sản. Hội quán đã tạo chuyển biến trong tư duy sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp, từ sản xuất theo tự do thì chuyển sang sản xuất những sản phẩm thị trường cần. Đặc biệt, Hội quán đã thúc đẩy liên kết giữa những người nông dân, đây là chìa khóa để mở ra hướng mới trong liên kết giữa người nông dân và doanh nghiệp, từ đó đảm bảo được giá xuất khẩu nông sản cho nhân dân và vùng nguyên liệu lớn hơn cho các doanh nghiệp.
Là người khởi xướng đầu tiên mô hình Hội quán và là lãnh đạo tâm huyết nhất với mô hình này, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan chia sẻ thêm, Hội quán ra đời với mong muốn thay đổi tư duy của người dân trong sản xuất và tạo ra những sản phẩm nông sản sạch, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trên thị trường trong giai đoạn hiện nay, từ đó xây dựng được chuỗi ngành hàng và tạo niềm tin cho người nông dân trong sản xuất, kinh doanh, huy động người nông dân cùng xây - cùng quản - cùng hướng với cấp ủy, chính quyền địa phương.
Bên cạnh đó, Hội quán cũng chính là cách để người nông dân cùng chung tay phát triển du lịch cộng đồng, nâng cao ý thức người dân trong gìn giữ đường làng, ngõ xóm. “Đây chính là cách chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp của người nông dân”, ông Lê Minh Hoan nói.
Cũng theo ông Lê Minh Hoan, một trong những phương thức hữu hiệu trong Hội quán chính là xuất khẩu lao đông, đưa người nông dân ra nước ngoài với tư duy “đi làm thuê để về nhà làm chủ”, mỗi người lao động chính là nguồn nhân lực cho phát triển nông thôn mới, là phương thức hữu hiệu cho xóa đói giảm nghèo trên địa bàn.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn tặng quà cho Hội quán.
Đại diện Hội quán tặng quà cho Đoàn UBTƯ MTTQ Việt Nam.