Mô hình mới giúp thanh niên thoát nghèo

Tuấn Quang 18/02/2017 10:00

Mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển mô hình nuôi trăn trên đệm lót sinh học đã giúp nhiều đoàn viên – thanh niên tại thị trấn Cây Dương (huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) mang về thu nhập hàng trăm triệu đồng, tạo ra cơ hội mới cho nhiều bạn trẻ vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế bền vững.

Anh Lý Út Nữa – Chủ nhiệm CLB nuôi trăn thị trấn Cây Dương - người tiên phong phát triển mô hình nuôi trăn trên đệm lót sinh học.

Người tiên phong phát triển rộng rãi mô hình nuôi trăn trên đệm lót sinh học là anh Lý Út Nữa (33 tuổi), ngụ tại ấp Mỹ Lợi, thị trấn Cây Dương, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Anh Nữa chia sẻ: Năm 2007, tôi mua 4 con trăn từ một người bà con về nuôi thử. Thấy trăn lớn nhanh, không mất nhiều thời gian chăm sóc và có giá trị kinh tế cao từ đó, tôi nghĩ đến việc nhân rộng quy mô nuôi.

Thành công từ những lứa trăn đầu tiên, kết hợp với các kiến thức học được từ chuyên ngành bác sĩ thú y, anh Nữa đã mạnh dạn ứng dụng đệm lót sinh học vào nuôi trăn. Giải thích cho ý tưởng này, anh Nữa cho biết: Nếu con trăn nuôi theo cách thông thường, trăn sẽ dễ bị nhiễm bệnh, chất lượng da trăn không cao, mùi hôi của phân trăn dễ phát tán ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

Đệm lót sinh học được làm khá đơn giản và có chi phí thấp. Người nuôi chỉ cần mạt cưa trộn với men vi sinh. Trung bình một lồng nuôi có diện tích khoảng 1 m2, thì chi phí đầu tư cho đệm lót chưa đến 40.000 đồng. Mỗi đệm lót sinh học có thời gian sử dụng kéo dài suốt một lứa trăn từ khi còn nhỏ đến xuất chuồng (từ 2 đến 2,5 năm).

Với cách làm trên, trừ chi phí đầu tư, mỗi năm anh Nữa thu về trên 200 triệu đồng.

Từ những thành công đạt được, anh Nữa đã truyền đạt lại những kiến thức, kinh nghiệm mà bản thân tích lũy được cho các đoàn viên - thanh niên trong thị trấn để cùng phát triển kinh tế. Hiện anh Nữa là Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) nuôi trăn thị trấn Cây Dương. Anh chia sẻ: Nhiều anh em khác cùng trang lứa cũng đang mong muốn có được một mô hình phát triển kinh tế như mình lúc ban đầu. Nghĩ vậy, nên tôi sẵn sàng chia sẻ những gì mình biết được để anh em cùng nhau phát triển kinh tế.

Anh Lê Long Hồ, ngụ ấp Mỹ Lợi, thị trấn Cây Dương cho biết: Thấy anh Nữa phát triển kinh tế từ con trăn, tui cũng cố gắng mày mò, học hỏi. Nhờ sự hỗ trợ của anh, tui mạnh dạn vay vốn ngân hàng để xây dựng trang trại nuôi trăn. Đến nay đàn trăn của tui đã lên đến 150 con, phát triển khá tốt. Nếu xuất bán theo giá thị trường hiện tại cũng vào khoảng 600 triệu đồng, trừ chi phí tui thu về được khoảng 300 triệu.

Hiện nay, CLB nuôi trăn thị trấn Cây Dương có 7 thành viên và đang chuẩn bị kết nạp nhiều thành viên mới, với tổng đàn giao động từ 500 – 600 con. Điều đặc biệt là các thành viên CLB nuôi trăn thị trấn Cây Dương đều là những đoàn viên – thanh niên trẻ và đầy nhiệt huyết. Cũng nhờ con trăn, nhiều đoàn viên – thanh niên đã vươn lên thoát nghèo, ổn định kinh tế và cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mô hình mới giúp thanh niên thoát nghèo