Mô hình nhà chống bão ở Mỹ

Hà Anh 08/11/2023 10:00

Paulson không hề sợ hãi khi chính quyền cảnh báo sơ tán trước cơn bão lớn, bởi ngôi nhà bà ở được thiết kế đặc biệt để chống lại những cơn sóng dữ và gió mạnh.

Nhiều ngôi nhà theo mô hình vừa “xanh” vừa chống bão đang được xây dựng tại Mỹ. Ảnh: AP.

Khi cơn bão Michael tấn công khu dân cư Florida Panhandle (bang Florida, Mỹ) 5 năm trước, tàu thuyền, ô tô bị cuốn trôi chất đống trước cửa sổ nhà bà Bonny Paulson, bởi ngôi nhà được dựng trên những cây cột cách mặt đất hơn 4,2 m. Ngôi nhà hình tròn trông giống một con tàu chống chọi được gió mạnh và những con sóng dữ.

“Tôi không hề lo lắng chút nào” - bà Paulson nói. Trước đó, bà đã nhận được cảnh báo sơ tán của chính quyền. Sau cơn bão, ngôi nhà của bà chỉ mất vài tấm ván lợp, gần như nguyên vẹn giữa đống đổ nát xung quanh.

Một số nhà phát triển đang xây dựng những ngôi nhà như của bà Paulson nhằm chống chọi tốt hơn với kiểu thời tiết cực đoan ngày càng phổ biến do biến đổi khí hậu và cũng thân thiện hơn với môi trường.

Các tấm pin mặt trời được lắp đặt vừa khít trên mái nhà đến mức gió không thể lọt qua và chúng còn đảm bảo nguồn năng lượng cho gia đình sau khi cơn bão đã tàn phá hệ thống điện lưới. Các vùng đất ngập nước được bảo tồn và thảm thực vật có tác dụng giảm nguy cơ lũ lụt. Vật liệu xây dựng tái chế giúp tiết kiệm năng lượng, giảm nhu cầu chế tạo vật liệu mới.

Ngôi nhà này là một trong những cách tốt nhất giúp giảm lượng khí thải carbon. Các tòa nhà thông thường thải ra 38% lượng khí thải nhà kính liên quan đến tiêu thụ năng lượng mỗi năm. Một phần ô nhiễm carbon đến từ việc cung cấp năng lượng cho những thứ như đèn và điều hòa không khí, sản xuất vật liệu xây dựng như bê tông và thép.

Deltec - công ty thi công căn nhà của bà Paulson - cho biết, chỉ một trong số gần 1.400 ngôi nhà dạng này được xây dựng trong 3 thập kỷ qua bị hư hại cấu trúc do gió bão. Tuy nhiên, công ty tập trung nhiều vào việc xây dựng xanh, sử dụng vật liệu cách nhiệt chất lượng cao hơn giúp giảm nhu cầu sử dụng điều hòa không khí, bơm nhiệt để sưởi ấm và làm mát hiệu quả hơn, các thiết bị tiết kiệm năng lượng và tất nhiên là cả năng lượng mặt trời.

“Điều kỳ diệu ở đây là chúng tôi đang làm được cả hai điều đó. Bởi chúng tôi tin rằng, khả năng phục hồi thực sự là một phần cơ bản của tính bền vững”, Giám đốc điều hành Steve Linton nói.

Một số công ty khác đang phát triển các khu dân cư theo hướng vừa có khả năng chống bão vừa giảm các tác động gây biến đổi khí hậu.

Tại khu dân cư Hunters Point do công ty Pearl Homes phát triển ở Cortez, Florida, 26 ngôi nhà chống bão đã được hoàn thiện, 30 ngôi nhà sẽ được xây dựng vào cuối năm 2024, tất cả đều đạt chứng nhận bạch kim LEED - cấp độ cao nhất của một trong những hệ thống xếp hạng công trình xanh phổ biến nhất.

Để giảm nguy cơ lũ lụt, các ngôi nhà được nâng lên cao hơn quy chuẩn 4,8 mét. Đường sá cũng được nâng lên, được thiết kế để nước mưa chảy ra nơi mặt đất có thể thẩm thấu.

Giám đốc điều hành Pearl Homes, Marshall Gobuty, cho biết công ty đã làm việc với Đại học Trung tâm Florida về kế hoạch xây dựng một cộng đồng giúp giảm thiểu biến đổi khí hậu. “Tôi muốn các ngôi nhà không chỉ xanh mà còn vững chãi, tôi muốn chúng khác biệt với mọi thứ khác ra ở Florida. Tôi thấy những ngôi nhà mới xây cách đó nửa dặm đang chìm trong nước. Chúng ta gặp khủng hoảng vì thời tiết đang thay đổi” - ông Gobuty nói.

Bà Paulson cho biết, ngoài sự an tâm, nay bà chỉ phải chi 32 USD/tháng cho nhu cầu năng lượng, thấp hơn nhiều so với mức 250 USD trước đây.

Trang trại Babcock là một cộng đồng khác có khả năng chống chịu bão ở nam Florida. Những người ở trang trại tự gọi nơi họ sống là “thị trấn sử dụng năng lượng mặt trời đầu tiên ở Mỹ”, tạo ra 150 MW điện với 680.000 tấm pin trên diện tích 350 ha. Theo tính toán, công suất này đủ dùng cho hơn 100.000 hộ gia đình Mỹ mỗi tháng.

Babcock cũng là một trong những cộng đồng đầu tiên ở Mỹ có số pin lớn đủ để lưu trữ năng lượng mặt trời để sử dụng vào ban đêm hoặc khi mất điện.

Ông Syd Kitson thành lập Babcock vào năm 2006. Những ngôi nhà có khả năng chống chịu gió bão tốt hơn vì mái nhà được gắn kết với nền móng. Đường dây điện được chôn trong lòng đất nên không thể bị thổi bay.

Năm 2022, bão Ian cấp độ 4 (cấp độ nguy hiểm, tốc độ gió 211 - 250 km/h) đổ bộ vào trang trại Babcock nhưng theo ông Kitson, nó không để lại nhiều thiệt hại. “Chúng tôi bắt đầu chứng minh rằng, một thị trấn mới và xanh có thể song hành và chúng tôi đã làm được điều đó” - ông Kitson nói và cho biết: “Nước sẽ đi đến nơi nó muốn, nếu bạn cố gắng thách thức mẹ thiên nhiên, bạn sẽ thua cuộc. Các vùng đất ngập nước, ao và thảm thực vật bản địa có khả năng xử lý nước rất tốt khi có mưa lớn, giảm nguy cơ ngập lụt”.

Năm 2022, bão Ian cấp độ 4 (cấp độ nguy hiểm, tốc độ gió 211 - 250 km/h) đổ bộ vào trang trại Babcock nhưng nó không để lại nhiều thiệt hại. “Chúng tôi bắt đầu chứng minh rằng, một thị trấn mới và xanh có thể song hành và chúng tôi đã làm được điều đó” - ông Kitson, người thành lập trang trại Babcock cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mô hình nhà chống bão ở Mỹ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO