Mở lối cho Brexit

Ngọc Mai 09/08/2020 08:10

Các quốc gia thành viên EU lâu nay luôn yêu cầu Anh phải đảm bảo “sân chơi công bằng” nếu muốn tiếp tục trao đổi thương mại tự do với EU sau khi giai đoạn chuyển tiếp kết thúc vào cuối năm 2020. Nhưng tới thời điểm này đã xuất hiện tình huống mới cho cuộc “tháo chạy” của Anh khỏi Liên minh châu Âu.

Người dân Anh vẫn không thôi băn khoăn trước viễn cảnh Brexit. Nguồn: Reuters.

Hãng tin Reuters dẫn các nguồn tin ngoại giao cho biết Liên minh châu Âu (EU) sẵn sàng thỏa hiệp để tạo đột phá trong đàm phán với Anh về quan hệ song phương bằng cách linh động hơn các yêu cầu liên quan tới vấn đề trợ cấp nhà nước, trong đó cho phép áp dụng một cơ chế giải quyết tranh chấp với mọi khoản trợ cấp nhà nước mà Chính phủ Anh dành cho các công ty trong tương lai, thay vì buộc London phải tuân thủ các quy định riêng của EU ngay từ đầu.

Đây được coi là động thái mới trong tiến trình Brexit giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU), sau rất nhiều căng thẳng và cũng không ít lần tưởng như hoàn chỉnh đến nơi. Thế bế tắc được coi là xuất phát từ EU khi lâu nay vẫn luôn yêu cầu Anh phải đảm bảo “sân chơi công bằng” nếu muốn tiếp tục trao đổi thương mại tự do với EU sau khi giai đoạn chuyển tiếp kết thúc vào cuối năm 2020. Còn Chính phủ của Thủ tướng Anh Boris Johnson luôn từ chối mọi yêu cầu buộc Anh phải tuân thủ các quy định của EU về vấn đề trợ cấp nhà nước, các tiêu chuẩn môi trường hay các luật lao động.

Trước đó, chỉ trong một thời gian ngắn đã từng diễn ra 6 vòng đàm phán giữa Anh và EU, song hai bên đã không tìm được tiếng nói chung, chí ít là trên 2 lĩnh vực đảm bảo cạnh tranh công bằng và đánh bắt cá. Cho tới ngày 31/7, Trưởng đoàn đám phán thương mại của Anh David Frost cho biết nước này và EU đã nhất trí tiếp tục đàm phán về một thỏa thuận thương mại tự do đến ngày 2/10. Các vòng đàm phán sẽ diễn ra trong tháng 8, tháng 9. Theo đó, vòng đàm phán thứ 7 sẽ diễn ra từ ngày 17-21/8 tại Brussels (Bỉ). Vòng đàm phán thứ 8 vào ngày 7 đến ngày 11/9 tại London (Anh) và vòng thứ 9 vào ngày 28/9 đến ngày 2/10.

Hiện Anh vẫn đang trong quá trình chuyển tiếp hậu Brexit, trong đó hai bên tiếp tục duy trì mô hình quan hệ cũ cho tới cuối năm 2020 để có thời gian đàm phán thỏa thuận quan hệ mới, tránh kịch bản gián đoạn đột ngột.

Theo giới quan sát, đại dịch toàn cầu Covid-19 cũng là một trong những nguyên nhân khiến thời gian chuyển tiếp Brexit bị kéo dài. Nó đã và đang tiếp tục thử thách giới hạn các hệ thống quản lý quốc gia của cả Anh và EU, đồng thời đặt ra yêu cầu phải kéo dài thời hạn chuyển tiếp của Brexit.

Theo một phân tích trên tờ Financial Times, tuy thế thì Thủ tướng Boris Johnson chưa có kế hoạch yêu cầu EU gia hạn giai đoạn chuyển tiếp cho mối quan hệ EU - Anh theo thỏa thuận Brexit sau ngày 31/12/2020. Lý do được đưa ra là Chính phủ Anh đang phải tập trung đối phó với dịch Covid-19 khiến việc tiến hành các cuộc thảo luận chi tiết về mối quan hệ lâu dài Anh - EU không thể thực hiện được.

Trước đó, EU đã công bố một dự thảo thỏa thuận dài 441 trang về mối quan hệ tương lai, và Anh cũng đáp lại bằng văn bản dự thảo của riêng họ.

Không chỉ thử thách các hệ thống hành chính quốc gia của cả Anh và EU đến tận cùng giới hạn, đại dịch Covid-19 còn đẩy nền kinh tế của cả hai vào tình trạng khẩn cấp mà gần như chắc chắn sẽ kéo dài. Còn nhớ, giữa lúc khó khăn bộn bề, Trưởng đoàn đàm phán của EU, ông Michel Barnier, lại có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona (vào tháng 6).

Dư luận cũng chú ý tới một bình luận của ông Fabian Zuleeg- Giám đốc điều hành Trung tâm Chính sách châu Âu (một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Brussels), khi ông này viết: “Những hành động của chính phủ Anh trong thời gian tới là rất quan trọng, khi mà trong bối cảnh hiện nay việc gia hạn chuyển tiếp là cách duy nhất, bất kể ý định dài hơi của ông ta là gì cho mối quan hệ giữa Anh và EU. Việc cố tình và chủ ý bồi thêm một cú sốc kinh tế nữa trong giai đoạn khủng hoảng hiện nay sẽ là cực kỳ liều lĩnh”.

Trong khi đó, một con số đã từng được Văn Phòng Kiểm toán quốc gia Anh (NAO) cho biết, việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) - Brexit khiến nước này tiêu tốn hơn 4 tỷ bảng Anh (tương đương 5,2 tỷ USD) và Chính phủ Anh đã phải chuẩn bị khoản ngân sách 6,3 tỷ bảng Anh (8,16 tỷ USD) cho công tác chuẩn bị Brexit, trong đó từng tính tới kịch bản xấu là Anh rời EU mà không có thỏa thuận nào.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mở lối cho Brexit