Việc giúp đỡ người nghèo không chỉ là hành động giàu tính nhân văn mà còn là yêu cầu, là mục tiêu của phát triển bền vững. Cho nên “Vì người nghèo” là một hoạt động mà Mặt trận đã thực hiện trong hơn 18 năm qua. “Vì người nghèo” vẫn đang là đích đến để Mặt trận góp phần cùng Đảng, Nhà nước, Chính phủ lo cho người nghèo với mục đích là tạo điều kiện để người nghèo vươn lên giảm nghèo bền vững, hạn chế nguy cơ tái nghèo.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Trần Bình Minh khởi động Chương trình nhắn tin trên Cổng thông tin điện tử nhân đạo quốc gia 1400: “Cả nước chung tay vì người nghèo”. Ảnh: Quang Vinh.
Có một nơi để về, đó là nhà. Có những người để yêu thương, đó là gia đình. Có được cả hai, đó chính là hạnh phúc. Và nhà có lẽ là một hình tượng đẹp đẽ nhất để thể hiện cho sự an cư lạc nghiệp.
Sự thật này được coi là hiển nhiên trong vô số gần 8 tỷ người trên Trái đất nhưng lại là mơ ước với biết bao người. Đó là người nghèo, trong đó, trẻ em luôn là đối tượng phải chịu nhiều tổn thương nhất. Câu chuyện của bé Ngà, 9 tuổi ở Phú Quốc, Kiên Giang là một ví dụ.
Nếu như Phú Quốc được biết đến là một thiên đường nghỉ dưỡng với những khách sạn, khu resort 5 sao sang trọng thì “thiên đường” của Ngà chính là bãi rác trên hòn đảo này. Vì đó là nhà- nơi mà cả gia đình cô bé quây quần sinh sống.
Ba mẹ cô bé từ An Giang di cư vào hòn đảo này từ 20 năm trước nhưng cho đến lúc này gia cảnh họ vẫn chỉ là một căn nhà vá víu tạm bợ giữa một bãi rác khổng lồ. Những khó khăn chồng chất của gia đình, cộng thêm việc mất giấy khai sinh, cô bé 9 tuổi chưa thể đến trường. Trong giấc mơ thơ bé, Ngà vẫn luôn khao khát được đến trường và trở về trong vòng tay ba mẹ dưới một mái nhà bình yên.
Còn với cậu bé Hồ Minh Hiếu, 12 tuổi ở Quảng Nam, việc được sống trong vòng tay của ba mẹ là điều mãi mãi không thể nào thực hiện. Hiếu mồ côi cả ba lẫn mẹ nên em sống trong sự đùm bọc của dì. Chỉ có điều, gia cảnh của dì cũng bi đát như biết bao thân phận nghèo khó khác. Gánh nặng cuộc đời khiến dì của Hiếu là trụ cột chính trong gia đình. Người đàn bà bé nhỏ ấy phải bôn ba làm thuê tận Sài Gòn để có tiền cho Hiếu đi học và thuốc thang chữa trị cho chồng, con đau ốm liên miên.
Những ai từng xem Chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo” năm 2018 có lẽ không cầm được nước mắt khi cậu bé liên tục nhắc đến tên của dì. Ai cũng hiểu, với Hiếu, dì chính là mẹ, dì chính là ngôi nhà bình yên nhất.
“Dì đã nuôi em bằng cả cuộc đời nên em muốn dành cả cuộc đời để chăm lo cho dì”- Đạo lý ấy đâu dễ gì được thấu hiểu đối với một đứa trẻ. Nhưng với Hiếu đó chính là mục đích của cuộc đời em.
Để làm được điều đó, Hiếu quyết tâm học giỏi, làm bất cứ việc gì có thể phụ thêm gia đình như nuôi lợn, trồng rau. Chính vì vậy cậu bé gần như không kìm được xúc động khi Ban Tổ chức Chương trình mời lên sân khấu người dì yêu thương của mình - như một món quà bất ngờ và ấm áp nhất.
Hai dì cháu còn nhận được nhiều món quà ý nghĩa từ các doanh nghiệp ủng hộ ngay tại Chương trình như một sự đồng hành, sẻ chia với mong muốn chính trong mỗi người như Hiếu hay dì của Hiếu sẽ làm được điều kì diệu để vượt lên số phận.
Từ lâu, hộ nghèo, cận nghèo và người nghèo luôn là vấn đề được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm nhưng xã hội càng phát triển, khoảng cách giàu nghèo càng rộng hơn, rõ hơn và vì thế việc thoát nghèo lại trở nên khó khăn hơn.
Theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020, hiện nay trên cả nước có hơn 1,3 triệu hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 5,23% so với tổng số hộ dân cư toàn quốc) và hơn 1,23 triệu hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 4,95%) cần được giúp đỡ nhằm ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.
“Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” là phong trào thi đua giai đoạn 2016-2020 được Thủ tướng Chính phủ phát động tại Hội nghị toàn quốc triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.
Để đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động trợ giúp người nghèo, tạo sự lan tỏa rộng rãi hơn nữa trong cộng đồng, từ năm 2017, UBTƯ MTTQ Việt Nam, Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu Quốc gia, Đài Truyền hình Việt Nam cùng phối hợp tổ chức Chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo”.
Chương trình cầu truyền hình “Cả nước chung tay vì người nghèo” là sự nối tiếp đầy nhân văn của Chương trình “Nối vòng tay lớn” và cũng là một cách để người Mặt trận tạo thêm sự lan tỏa trong xã hội, hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động, qua đó góp phần thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Tại Chương trình này, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã phối hợp tổ chức đợt vận động nhắn tin ủng hộ vì người nghèo trên Cổng Thông tin điện tử nhân đạo quốc gia 1400: “Cả nước chung tay vì người nghèo”.
Trong các năm 2016-2018, thông qua các đợt vận động đóng góp qua tin nhắn vì người nghèo, Cổng Thông tin điện tử nhân đạo Quốc gia 1400 đã nhận được ủng hộ của các chủ thuê bao di động số tiền hơn 13,8 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền này được Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia chỉ đạo sử dụng hỗ trợ cho hộ nghèo phát triển sinh kế nhằm thoát nghèo bền vững trên địa bàn vùng khó khăn, hỗ trợ phương tiện nghe - xem cho hộ nghèo thuộc đồng bào dân tộc thiểu số.
Năm 2019, Lễ phát động nhắn tin vì người nghèo trên Cổng thông tin điện tử nhân đạo quốc gia 1400 “Cả nước chung tay vì người nghèo” đã được Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ và Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn phát động, kêu gọi toàn thể xã hội, những người có điều kiện kinh tế nhắn tin gửi tới Cổng thông tin nhân đạo quốc gia 1400 để giúp người nghèo vươn lên trong cuộc sống và quyết tâm thoát nghèo bền vững.
Lễ phát động nhắn tin năm nay diễn ra sớm hơn 2 tháng. Theo đó, bắt đầu từ 00 giờ 00 ngày 19/8 đến hết 24 giờ 00 ngày 31/12/2019, Cổng Thông tin điện tử nhân đạo Quốc gia 1400 mở hệ thống để đón nhận đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân cho việc thực hiện công tác giảm nghèo bền vững. Tin nhắn ủng hộ, đóng góp vì người nghèo theo cú pháp: “VNN n” gửi 1408 (trong đó, n là số lần ủng hộ 20.000 đồng; n giới hạn từ 1 đến 100); không giới hạn số lần nhắn tin. Với mỗi tin nhắn, chủ thuê bao di động sẽ đóng góp tối thiểu 20.000 đồng vì người nghèo. Mỗi tin nhắn “VNN n” gửi 1408 là một sự đóng góp thiết thực vì người nghèo.
Là người nhiều năm đồng hành, gắn bó với Chương trình này, thấu hiểu, sẻ chia với những mảnh đời, những hoàn cảnh khó khăn trên khắp cả nước, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn chia sẻ niềm xúc động khi trực tiếp đến trao quà cho người nghèo, đặc biệt là gia đình đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn và trao những căn nhà đại đoàn kết cũng như hỗ trợ áo ấm tình thương cho các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong dịp Tết Nguyên đán. Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho rằng, qua chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo” đã thu hút sự quan tâm của toàn xã hội, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, mạnh thường quân trong và ngoài nước đóng góp để bảo đảm an sinh xã hội cho người nghèo.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn tin tưởng, Chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo” năm 2019 sẽ tiếp tục phát huy kết quả của các năm trước, hướng đến việc tăng cường sự đoàn kết, tính nhân văn, bảo đảm người nghèo luôn được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, toàn xã hội để bước qua khó khăn, thoát nghèo bền vững.
Chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo” dự kiến tổ chức vào ngày 17/10/2019 tại Cung Văn hoá Hữu nghị Hà Nội và phát sóng trực tiếp trên kênh VTV1 - Đài Truyền hình Việt Nam. Chắc chắn rằng, sự cộng hưởng của muôn triệu tấm lòng sau Chương trình như thế này sẽ như chiếc chìa khóa vạn năng để cho những cô bé, cậu bé như Ngà hay Hiếu vững vàng mở lối trên con đường hy vọng.
5 năm qua, Mặt trận và các tổ chức thành viên đã vận động trên 19.700 tỷ đồng cho các chương trình an sinh xã hội, trong đó vận động vào Quỹ Vì người nghèo 4 cấp được 4.670 tỷ đồng. Từ nguồn vận động đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa trên 153.000 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, xây dựng hàng nghìn công trình phúc lợi và giúp đỡ hàng triệu gia đình phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.