Thay mặt Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu đã ký ban hành Kế hoạch số 345, về việc tổ chức các hoạt động Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2021; bắt đầu từ ngày 17/10 đến ngày 18/11/2021.
Kể từ năm 2000, năm nay là năm thứ 21 UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Tháng cao điểm “Vì người nghèo”. Đây là hoạt động có ý nghĩa nhân văn cao cả, phát huy truyền thống tương ái của dân tộc ta, vận động các nguồn lực xã hội để san sẻ yêu thương với người nghèo, những người yếu thế trong xã hội; góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo của cả nước.
20 năm qua, Tháng cao điểm “Vì người nghèo” do Mặt trận tổ chức luôn nhận được sự hưởng ứng của toàn xã hội, khơi dậy nghĩa đồng bào của tất thảy người Việt Nam trong nước cũng như kiều bào ta tại nước ngoài.
Năm nay, Tháng cao điểm “Vì người nghèo” diễn ra trong bối cảnh vô cùng đặc biệt khi mà dịch Covid-19 đã kéo dài gần 2 năm, nhất là với đợt bùng phát dịch lần thứ 4 (kể từ ngày 27/4/2021) đã đẩy hàng trăm nghìn người vào cảnh thiếu thốn. Nhiều hộ gia đình thu nhập thấp chưa kịp gượng dậy vì thiên tai cuối năm 2020 thì lại phải hứng chịu những đòn tấn công khủng khiếp của Covid-19. Nghèo khó kéo dài, nhiều người đã kiệt sức.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng sâu sắc đến tình hình lao động, việc làm tại Việt Nam. Lao động có việc làm giảm, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng. Dịch Covid-19 không chỉ tước đi cơ hội có việc làm của hàng triệu lao động mà còn đẩy nhiều lao động khác rơi vào trạng thái dễ bị tổn thương do không có việc làm chính thức. Chỉ tính trong quý II năm 2021, cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập… So với quý I, dịch Covid-19 đã làm tăng thêm 3,7 triệu lao động rơi vào tình trạng bị ảnh hưởng tiêu cực. Nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất là nhóm lao động ở độ tuổi từ 25-54 với 75% lao động bị ảnh hưởng.
Lao động khu vực thành thị chịu thiệt hại nhiều hơn so với khu vực nông thôn. Có 21,9% lao động khu vực thành thị bị ảnh hưởng xấu, trong khi đó con số này ở nông thôn là 14,3%.
Đáng chú ý, lao động tự do là những người phải chịu nhiều khó khăn nhất do không còn việc làm, không có bảo hiểm, trong số đó đa phần không có tích lũy. Dịch bệnh kéo dài đã lấy đi những đồng tiền cuối cùng còn sót lại, khiến cuộc sống của họ lâm nguy, rất cần được sự giúp đỡ để vượt qua cơn hoạn nạn.
Chính vì thế, Tháng cao điểm “Vì người nghèo” do UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức năm nay mang ý nghĩa đặc biệt, góp sức cùng Đảng, Nhà nước lo cho người nghèo để “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Người Việt ta có truyền thống “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách”, không bỏ rơi người khi hoạn nạn, khó khăn. Suốt thời gian qua chúng ta đã chứng kiến muôn vàn hành động cao đẹp giúp đỡ những người nghèo để bà con đủ sức chống chịu với dịch bệnh. Sự đóng góp cho công cuộc phòng, chống dịch Covid-19, cho Quỹ vaccine, cho Quỹ “Vì người nghèo”... thực sự là chỗ dựa cả về vật chất lẫn tinh thần cho những người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Những hành động cao cả mang ý nghĩa nhân văn ấy lan tỏa ngày càng sâu rộng. Một em nhỏ biết nhịn tiền ăn quà sáng; một cụ già chống gậy đi bộ từ nhà lên ủy ban xã để đóng góp chút tiền dành dụm vốn để lo cho tuổi già... đó là những nghĩa cử vô cùng cao đẹp, đáng trân trọng khiến chúng ta ấm lòng. Và trong lúc dịch giã bủa vây, việc làm khó khăn, nhiều doanh nghiệp vẫn sẵn sàng chia ngọt sẻ bùi, tình cảm thật là đáng quý.
Với tinh thần đó, truyền thống đó, Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm nay do UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức chắc chắn sẽ nhận được sự ủng hộ, đóng góp của toàn xã hội. Hơn lúc nào hết, đây chính là lúc mở lòng đến với nhau, giúp đỡ người nghèo, góp phần vào công tác an sinh xã hội, đưa đất nước sớm vượt qua đại dịch, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội.
Để trong cuộc chiến chống đói nghèo sẽ không ai bị bỏ lại phía sau.