Giới lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) cho hay họ sẽ nỗ lực để chốt lại một thỏa thuận quan trọng với Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng di cư trong phiên họp đầu tiên bắt đầu ngày 18/3 tại Brussels, sau khi đạt được sự đồng thuận trong phiên thảo luận đêm trước đó.
Hàng chục nghìn người di cư đang bị mắc ket ở Hy Lạp trong điều kiện sống khắc nghiệt (Nguồn: ibtimes).
Chủ tịch EU Donald Tusk dự kiến sẽ đưa ra những vấn đề thảo luận được cho là “gai góc nhất” liên quan tới các đề xuất mà Ankara đưa ra để đổi lấy việc nước này hạn chế dòng người nhập cư di chuyển vào châu Âu thông qua cửa ngõ Hy Lạp, trong một cuộc họp riêng với Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức trước cuộc họp thượng đỉnh.
Châu Âu hiện đang phải dựa dẫm vào thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ trong việc đối phó với làn sóng người di cư lên tới 1,2 triệu người kể từ đầu năm 2015; mà bắt nguồn từ việc người dân bỏ chạy khỏi các vùng chiến sự ở Syria. Tuy nhiên, đổi lại Ankara lại đưa ra một cái giá quá cao cho sự đồng thuận của họ.
Trong khi cộng đồng các nước EU còn đang hết sức quan ngại về yêu sách của Ankara - ban đầu yêu cầu hỗ trợ 3 tỷ Euro và sau đó thêm 3 tỷ Euro nữa - thì nước này lại tiếp tục đòi hỏi khối này phải tăng tốc tiến trình gia nhập EU của họ cùng yêu cầu miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ. Các nhà bình luận quốc tế còn nêu mối quan ngại rằng, thỏa thuận này có thể sẽ vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó cấm trục xuất cùng lúc hàng loạt người tị nạn.
Cuộc khủng hoảng di cư đã khiến cho châu Âu ngày càng chia rẽ hơn. Trong khi nhiều nước lo ngại rằng khu vực tự do đi lại Schengen vốn là niềm tự hào của họ sẽ sụp đổ nếu như các nước thành viên cứ đua nhau kiểm soát biên giới như hiện nay. Đó là còn chưa kể các quan ngại về sự trỗi dậy của các đảng phái không thân thiện với người di cư.
Một số lãnh đạo châu Âu cũng thể hiện rõ sự lo lắng của mình, rằng thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ - trong đó có kế hoạch 1 đổi 1 người di cư - là bất hợp pháp. Mục đích của kế hoạch 1 đổi 1 này là nhằm khuyến khích công dân Syria nộp đơn xin tị nạn ở EU trong khi họ vẫn đang trên lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ, thay vì phải liều mình vượt biển của các băng nhóm buôn người để đến châu Âu.
Tổng thống Lithuania Dalia Grybauskaite nói rằng, kế hoạch này “rất phức tạp, rất khó để thực thi và có khả năng vi phạm luật pháp quốc tế”. Thủ tướng Bỉ Charles Michel thì thể hiện mối quan ngại về yêu sách của Ankara và cuộc xung đột giữa Thổ Nhĩ Kỳ và những người Kurd ly khai, thêm rằng: “Tôi không thể chấp nhận các cuộc đàm phán mà đôi khi chúng giống như kiểu tống tiền”.
Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói rằng thỏa thuận là “một cơ hội tốt để ngừng hoạt động của những kẻ buôn người”. Bà Merkel tuy nhiên cũng khẳng định rằng, cần phải có các điều kiện tiền đề và kế hoạch rõ ràng để ứng phó trước việc xử lý hàng nghìn đơn xin tị nạn đến từ các hòn đảo của Hy Lạp và gửi trả họ về Thổ Nhĩ Kỳ.
Một quan chức cấp cao của EU đã mô tả đề xuất mà ông Tusk sẽ đưa ra cho Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu là dựa trên “quan điểm chung”, trong đó tránh được các “lằn ranh đỏ” của mỗi bên đàm phán.
Cuối hôm 17/3, ông Tusk đã đưa ra các thay đổi trong thỏa thuận nhằm giải quyết một số vấn đề quan ngại - trong đó gồm kế hoạch sẽ để UNHCR tham gia vào quá trình trục xuất người tị nạn.
Về phần mình, Thủ tướng Davutoglu nói rằng thỏa thuận được đề xuất là “rõ ràng và trung thực” nhưng thêm rằng: “Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không bao giờ trở thành một nhà tù mở đối với người di cư”.
Ông Davutolgu dự kiến sẽ có cuộc gặp riêng với ông Tusk, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte trước khi giới lãnh đạo EU nhóm họp một lần vào sáng nay nữa để đưa ra các tham vấn cuối cùng. Một trở ngại lớn trong thỏa thuận này - sự phản đối từ Cyprus - đến nay đã có vẻ ổn thỏa.
Thỏa thuận giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ, ngoài ra, cũng đề cập tới một gói hỗ trợ lớn dành cho Hy Lạp, nơi mà hàng chục nghìn người di cư đang bị mắc ket trong các điều kiện sống khắc nghiệt sau khi các nước Balkan đóng cửa biên giới để ngăn họ không di chuyển về phía Bắc tới Đức và bán đảo Scandinavia.