Theo đề án tuyển sinh của nhiều trường đã công bố, dự kiến năm học này sẽ mở các chương trình, ngành học mới trong đó không chỉ tập trung các ngành chuyên sâu, truyền thống, mà còn mở rộng, đa dạng hóa các ngành, lĩnh vực.
Đại học (ĐH) Quốc gia TPHCM thông tin về các lĩnh vực then chốt cần được tập trung trong công tác đào tạo và tuyển sinh gồm: Công nghệ bán dẫn, công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo và các ngành đào tạo liên ngành, liên trường. Đây cũng là các nhóm ngành then chốt để tuyển sinh định hướng đào tạo năm 2025 của nhà trường. Bên cạnh đó, cơ sở giáo dục ĐH này cũng đang nghiên cứu các ngành đào tạo mới liên quan đến năng lượng tái tạo, điện hạt nhân phục vụ chiến lược phát triển quốc gia về năng lượng điện, logistics mới cung cấp nhân lực phục vụ vận hành hệ thống đường sắt đô thị (Metro), sân bay quốc tế Long Thành, đường sắt cao tốc Bắc Nam
Năm 2025, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM dự kiến mở thêm 6 ngành học mới. Trong đó đáng chú ý, có một ngành khá mới mẻ so với các chương trình đào tạo lâu nay của trường là Dinh dưỡng và khoa học thực phẩm.
Trường ĐH Thương mại dự kiến mở thêm 10 chương trình đào tạo mới, bao gồm 7 chương trình theo hướng định hướng chuyên sâu nghề nghiệp quốc tế (IPOP), 2 chương trình song bằng quốc tế và 1 chương trình đào tạo tiên tiến. Trong đó, 7 chương trình IPOP mới được phát triển và kế thừa những thành công của 8 chương trình định hướng chuyên sâu nghề nghiệp quốc tế đã tuyển sinh năm 2024. Trường sẽ tiếp tục lấy ý kiến về khung chương trình, chuẩn đầu ra, phương pháp đào tạo để hoàn thiện chương trình trước khi tuyển sinh từ năm 2025. Để theo học các chương trình này, thí sinh có thể chọn lựa phương thức xét tuyển phù hợp, trong đó ưu tiên thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh.
Trường ĐH Tài chính - Marketing cũng thông tin sẽ mở thêm 3 ngành mới là ngành Kiểm toán, Quản lý kinh tế và Khoa học dữ liệu, nâng tổng số ngành tuyển sinh của trường lên 18. Trường xét tuyển theo tổ hợp 3 môn bất kỳ với môn Toán là bắt buộc. Theo lãnh đạo nhà trường, chỉ tiêu tuyển sinh năm 2025 sẽ ổn định như các năm qua để tăng cường chất lượng đào tạo, lấy người học là trung tâm.
Hàng năm mỗi mùa tuyển sinh đều xuất hiện thêm nhiều ngành mới mở từ các trường. Thậm chí, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội - từ một trường đào tạo kỹ thuật đã thành lập thêm trường chuyên khối ngành xã hội là Trường Ngoại ngữ - Du lịch với mục tiêu trở thành ĐH. Dẫu vậy, dù theo học các ngành mới mở hay ngành học truyền thông, các nhà trường đều nhấn mạnh đến việc trau dồi kiến thức chuyên ngành, rèn luyện các kỹ năng cần thiết, đặc biệt là kỹ năng ngoại ngữ để có thể tiếp cận cơ hội việc làm tại các môi trường trong và ngoài nước.
Không chỉ các trường ĐH, khối trường cao đẳng cũng mở thêm các ngành mới nhằm phù hợp với định hướng nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp. Đơn cử, Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội dự kiến đào tạo 3 ngành mới là Công nghệ thông tin; Công nghệ kỹ thuật Điện, điện tử và tiếng Trung Quốc.
Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc dự kiến trong mùa tuyển sinh năm nay sẽ mở thêm một số nghề mới như tiếng Hàn, tiếng Đức, Ứng dụng phần mềm, Điều khiển máy bay không người lái... Trong khi đó, Trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội mở thêm chuyên ngành Công nghệ bán dẫn và đang xây dựng chương trình để mở thêm một số nghề về ngôn ngữ, Thương mại điện tử và Marketing số, đáp ứng xu thế chuyển đổi số trong kinh doanh thương mại và hội nhập quốc tế.
TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, xu hướng đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực vừa đáp ứng nhu cầu thị trường, vừa nâng cao chất lượng đào tạo, tận dụng đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất sẵn có… Điều này hoàn toàn phù hợp khi chuyển sang nền kinh tế nhiều thành phần, các trường đào tạo chuyên ngành muốn tồn tại thì cần phát triển trở thành ĐH đa ngành, đa lĩnh vực.
Tuy nhiên, các trường chịu áp lực tài chính khi tự chủ nên việc thu hút thí sinh, nhất là lượng thí sinh dồi dào từ khối xã hội cũng được đặt ra. Điều này được các chuyên gia cảnh báo thí sinh và người nhà cần cân nhắc lựa chọn kỹ càng trước khi theo học các ngành mới mở của các trường. Đồng thời, cần có cơ chế giám sát việc mở ngành cần căn cứ vào nhu cầu xã hội, điều kiện đảm bảo chất lượng và kinh nghiệm đào tạo của trường. Không thể mở ngành có đông người học mà không đảm bảo các điều kiện cần thiết.
Theo TS Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, cao đẳng Việt Nam, mở ngành mới, nhất là những ngành khác với truyền thống đào tạo trước đó cần phải có lộ trình chuẩn bị chu đáo từng bước về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên chứ không thể chạy theo xu thế. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần kiểm soát chặt chẽ việc này để hạn chế tình trạng sản phẩm đầu ra kém chất lượng.