LTS: Tại cuộc tọa đàm Sáng tác văn học về Hà Nội do Hội Nhà văn Hà Nội vừa tổ chức, nhà văn Thùy Dương trong bài tham luận đã cho rằng một mảnh đất có thế rồng cuộn hổ ngồi với hơn 1.000 năm tập trung tinh hoa khai phá và xây dựng để xứng danh “Kinh kỳ Kẻ chợ” là một cái “mỏ quặng lộ thiên” vĩ đại để các nhà văn khai phá. Dưới đây, chúng tôi xin giới thiệu bài tham luận này.
Nhà văn Thùy Dương đọc tham luận tại Tọa đàm.
Con người và luôn luôn là con người
Tôi hay ngẫm nghĩ về câu ca “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài, dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An” và cho rằng gần đây nó còn mang thêm một ý nghĩa nữa - đó là sự hối tiếc một phong cách sống tao nhã, thanh lịch tinh tế của người Thăng Long xưa. Bây giờ dường như những điều đẹp đẽ cứ mai một dần và thay thế vào đó là lối sống thực dụng, xa hoa phù phiếm, chạy theo thời thượng và thờ ơ với những giá trị đích thực của cuộc sống. Con người giờ đây cũng khác rất nhiều, không phải theo từng thế hệ mà khác theo từng năm tháng. Không thể mang những thước đo của ngày xưa áp vào thực tế bây giờ.
Tôi với tư cách của nhà văn – cũng đã từng trải qua “sự vỡ mộng” không chỉ một lần. Sự “lớn” quá nhanh của một thực thể gọi là thành phố chưa kịp được hậu thuẫn, được chuẩn bị về văn hoá về tinh thần. Người tứ xứ đổ về mang theo tất cả đặc trưng vùng miền, tốt có, xấu có pha loãng đi cái cốt cách của người Hà Nội trước, thậm chí còn khơi ra những điều không hay được nén chặt từ lâu…
Tất cả những điều ấy cộng với những thay đổi của một xã hội công nghệ thông tin, cộng với những tồn tại trong quản trị xã hội… càng đẩy nhanh hơn sự lên ngôi vật chất của những giá trị ảo, sự tha hoá trong tâm hồn và đặc biệt là nỗi bơ vơ trong tinh thần. Cái con người của thời đại này, của thế kỷ này, của vùng đất đặc biệt này, chắc chắn sẽ là một đề tài vô cùng phong phú cho các nhà văn khai thác bởi chính sự phức tạp, nhiều chiều vừa riêng biệt mà cũng rất tiêu biểu… của nó. Và sự tiếp cận thẩm thấu của nhà văn với cuộc sống đương thời này… sẽ là nền tảng cho những tác phẩm văn học đầy chiều sâu và có sức phổ quát lớn.
Nhà văn và sự lựa chọn của số phận
Chúng ta, các nhà văn chắc chắn đều rất buồn vì sự đọc của người Việt hiện đứng gần như top cuối bảng trên thế giới. “Chỉ có 30% người Việt đọc sách thường xuyên, 44% thỉnh thoảng mới đọc là 26% hoàn toàn không đọc sách” (Theo số liệu của Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông phát biểu trong Ngày Sách VN). Trong 30% đọc sách đó có bao nhiều phần trăm dành cho sách văn học? Chúng ta cũng chưa có thống kê nhưng tôi cho rằng chắc cũng không nhiều vì sau vài lần tôi có dịp quan sát ở hiệu sách, lượng sách mua nhiều nằm ở dạy kỹ năng sống, làm giàu, giới tính…
Chúng ta chắc chắn rằng những tinh hoa, trí tuệ của nhân loại đều nằm trong những trang sách và văn học luôn tác động tới phần thẳm sâu nhất trong tâm hồn người, truyền đi khát vọng về một cuộc sống tốt đẹp và nhân văn hơn. Vậy thì văn chương trong áp lực của đời sống hiện đại sẽ khó khăn và tìm cách đi ra sao? (Ngay điều này cũng có thể bàn riêng trong một hội thảo chuyên sâu nào đó) Nhưng tôi vẫn nghĩ dù còn ít người đọc, nhà văn vẫn viết như số phận mình bắt thế. Đó chính là “cuộc chiến” mà chúng ta tham dự để có thể bảo vệ cái đẹp và sự tự do, góp phần làm cho nhân loại khoan dung hơn, mở rộng con đường đi đến với điều thiện, thu bớt con đường đi đến điều ác…
Trong bộn bề của một thành phố lớn lên từng ngày, chịu áp lực từng ngày với những xung đột gay gắt; đặc biệt trong nó là những cá thể không hề đồng điệu, tính cách vừa cá biệt, vừa tiêu biểu – vốn mang trong mình ánh sáng của nhân tính vĩnh hằng, của những giá trị đạo đức muôn thuở đồng thời vẫn có cả những dục vọng thấp hèn… Thì người viết càng cần đi tìm và khắc hoạ cho được thế giằng co đầy quyết liệt ấy của đời sống, của con người. Dostoyevski từng nói “Toàn bộ hiện thực không nằm hết trong cái hiện hữu mà một phần to lớn còn tồn tại ở dạng tiềm ẩn như là tiếng nói chưa được phát ra của tương lai”. Vậy thì sứ mệnh của nhà văn – phải chăng là đi tìm và lý giải cho được sự “tồn tại ở dạng tiềm ẩn” ấy, khai phá cho được sự bí ẩn ấy? Bởi chính cuộc sống là những bí ẩn kỳ diệu nhất mà ta vật vã với nó suốt đời chưa thấy hết.
Ở đâu đó đôi khi ta vẫn nghe thấy sự phàn nàn rằng cuộc sống đâu phải chỉ toàn màu xám, vậy sao trong trang viết của các nhà văn những điều xấu xa, thậm chí cả cái ác cũng được phơi bày? Tôi thì cho rằng – phơi bày cái ác, lên án nó để người đọc thấy rõ hơn, yêu quí hơn cái thiện và hướng con người đến thiện lương.
Vì ngay từ khi bắt đầu cầm bút – ai nấy đều biết rõ – viết văn luôn phải đi liền với lương thiện!
Tôi không phải người sinh ra và lớn lên ở đây, quê hương tôi ở phía Đông xưa vẫn gọi là thành Đông (Hải Dương). Nhưng thành phố này đã đón nhận và bao bọc chúng tôi. Đêm giao thừa đặc biệt – chuyển giao giữa thế kỷ 20 và 21, tôi bỗng trăn trở về thân phận con người giữa lằn ranh của quá khứ và tương lai cũng nỗi buồn “ngụ cư” của con người trên trái đất này. Tiểu thuyết “Ngụ cư” ra đời như thế với 13 gia đình trong con ngõ nhỏ, cũng chủ yếu là dân ngụ cư trong thành phố với đầy đủ mọi cung bậc đời sống – ái, ố, hỉ, nộ “những điều tưởng như bình thường nhỏ nhoi nhưng đẹp và thương lắm...”.
Sau này, những cuốn tiểu thuyết của tôi vẫn luôn thấp thoáng những nhân vật “ngụ cư”, họ đem đến những vẻ đẹp riêng của mình, mạnh mẽ gan góc và khuất phục được những hoàn cảnh khó khăn để trưởng thành, vượt lên. Chính họ cũng đóng góp sức sống, tình yêu và giá trị cho thành phố mà họ yêu thương này. Chắc chắn những nhân vật như vậy sẽ ngày càng xuất hiện nhiều hơn trong các tác phẩm văn học và chính nó sẽ làm nên bản sắc mới lạ cho người Hà Nội.
Bởi phải bắt đầu từ những cái riêng mới đi đến và làm sâu sắc thêm cái chung của cộng đồng, của nhân loại.
Chắc chắn bao giờ những giá trị riêng biệt cũng có ý nghĩa và làm nên cái chung to lớn của và sâu sắc của nhân loại.