Ngày 20/11, tại Hà Nội, Cục Phòng, chống HIV/AIDS - Bộ Y tế đã tổ chức hội thảo “Hướng dẫn tiếp nhận, quản lý, sử dụng và thanh quyết toán thuốc ARV nguồn BHYT năm 2019” cho các tỉnh phía Bắc. Nhận định chung cho thấy, thời gian qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong phòng, chống HIV/AIDS, nhưng dịch HIV vẫn đang tiềm ẩn nguy cơ bùng phát.
Tăng cường hỗ trợ điều trị BHYT cho người nhiễm HIV.
Nguyên nhân là do hiện nay nhiều người nhiễm HIV chưa được phát hiện, trong khi tỉ lệ nhiễm HIV trong nhóm người nghiện ma túy có xu hướng tăng trở lại, cũng như sự gia tăng số người sử dụng ma túy tổng hợp.
Chủ động thuốc ARV qua quỹ BHYT
TS Nguyễn Hoàng Long- Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS cho biết: Theo ước tính, Việt Nam đã tránh được cho 400 nghìn người không bị lây nhiễm HIV, tránh cho 150 nghìn người không bị tử vong do HIV/AIDS. Tuy nhiên, hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, tình hình dịch HIV đã giảm nhưng chưa ổn định, nguy cơ bùng phát dịch trở lại nếu chúng ta không còn những giải pháp tích cực hơn nữa. Tỉ lệ nhiễm HIV ở nhóm nguy cơ cao xu hướng tăng, đặc biệt trong nhóm nghiện chích ma túy và trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới nam. Bên cạnh đó, các nguồn lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS từ các nguồn tài trợ đã bị cắt giảm, nguồn ngân sách trong nước gặp nhiều khó khăn. Mục tiêu 90-90-90 trong phòng, chống HIV/AIDS vẫn còn rất nhiều thách thức.
TS Nguyễn Hoàng Long cho hay, theo đánh giá từ các quốc gia trên thế giới, Việt Nam là một trong những nước đang có sự chuyển đổi, một trong những sự chuyển đổi đó là điều trị thuốc ARV. Trước kia 80-90% nguồn thuốc ARV do nguồn viện trợ từ nước ngoài, tuy nhiên nguồn viện trợ từ nước ngoài đã bị cắt giảm. Để chuyển giao chương trình điều trị HIV/AIDS từ các chương trình, dự án sang quỹ BHYT, Bộ Y tế đã phối hợp với BHXH Việt Nam và các Bộ, ngành có liên quan tham mưu và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2188/QĐ-TTg ngày 15/11/2016 quy định việc mua sắm tập trung cấp quốc gia sử dụng nguồn quỹ khám bệnh chữa bệnh BHYT và hỗ trợ người sử dụng thuốc kháng HIV.
Quyết định của Thủ tướng đã phê duyệt một số cơ chế đặc thù cho cung ứng thuốc ARV như: Đấu thầu tập trung cấp quốc gia thuốc ARV nguồn quỹ BHYT; cơ quan BHXH ký hợp đồng trực tiếp với nhà cung ứng thuốc; giao Ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố đảm bảo 100% người nhiễm HIV có thẻ BHYT; căn cứ khả năng ngân sách, các đia phương bảo đảm ngân sách cho việc hỗ trợ phần cùng chi trả thuốc ARV đối với bệnh nhân có thẻ BHYT.
89% bệnh nhân HIV có thẻ BHYT
Theo thống kê, tỉ lệ bệnh nhân điều trị ARV có thẻ BHYT đã tăng lên nhanh chóng từ 30% (năm 2015) lên đến 89% ở thời điểm hiện nay. Nhiều tỉnh, thành phố đạt 100% bệnh nhân đang điều trị ARV có thẻ BHYT. Bộ Y tế đã hướng dẫn, phổ biến và hỗ trợ các địa phương vận động nguồn ngân sách địa phương và các nguồn chương trình, dự án hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người nhiễm HIV. Các cơ sở điều trị đã rất tích cực tư vấn, truyền thông và hỗ trợ người nhiễm HIV tự nguyện tham gia BHYT.
Ngoài ra, cơ chế tham gia BHYT cho người không có giấy tờ tùy thân đã được giải quyết trong Thông tư số 27/2018/TT-BYT ngày 26/10/2018 của Bộ Y tế thông qua hình thức phát hành thẻ BHYT có ảnh.
Hiện Bộ Y tế đã lựa chọn phác đồ Bậc 1, với những thuốc thông dụng và có sẵn tại Việt Nam (Tenoflovir/Lamivudine/Efavirenz 300/300/600mg và Zidovudine/Lamivudine/Neviraphine 300/150/200mg). Huy động nguồn các chương trình, dự án viện trợ quốc tế để mua phác đồ bậc 2 và thuốc toàn quốc. Dự kiến, tổng số cơ sở nhận thuốc ARV năm 2019: 190/433 cơ sở điều trị thuốc ARV tại 63 tỉnh, thành phố. Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia làm đầu mối tổ chức đấu thầu thuốc ARV với kết quả tốt, giá cạnh tranh. Thỏa thuận khung đã được ký ngày 26/10/2018 với nhà cung cấp, giao hàng cho các cơ sở điều trị từ 1/1/2019, theo đúng tiến độ dự kiến.
Theo TS Nguyễn Hoàng Long, hiện Bộ Y tế đang phối hợp với BHXH Việt Nam xây dựng cơ sở dữ liệu bệnh nhân điều trị ARV phục vụ cho việc theo dõi thanh toán thuốc ARV nguồn BHYT và thiết lập hệ thống thông tin quản lý đến từng bệnh nhân tham gia điều trị ARV từ ngày 1/1/2019.
Thông tin về hệ thống quản lý bệnh nhân ARV mới từ ngày 1/1/2019, TS Dương Thuý Anh- Phó Chánh văn phòng Cục Phòng chống HIV/AIDS cho biết: Quy trình quản lý mới này có nhiều điểm thuận lợi so với thời gian trước. Theo đó, với cơ sở dữ liệu này, cơ sở y tế có thể quản lý được bệnh nhân có thẻ BHYT và cả bệnh nhân chưa có thẻ BHYT. Các cơ sở y tế cũng xác định danh tính bệnh nhân kể cả khi bệnh nhân chuyển viện sang địa bàn khác, tuyến khác. Cùng với đó, hệ thống quản lý bệnh nhân ARV mới cũng tạo được mã định danh duy nhất cho mỗi bệnh nhân dựa vào dữ liệu ngày sinh, số chứng minh thư/thẻ căn cước, thẻ BHYT, mã vạch, dữ liệu sinh trắc hoặc kết hợp các loại dữ liệu này. Đồng thời cung cấp được thông tin liên quan đến người bệnh như hồ sơ bệnh án, đơn thuốc, phiếu xét nghiệm, bệnh phẩm xét nghiệm máu.