Ngày 9/6, Hội đồng tư vấn Dân chủ Pháp luật - UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức góp ý kiến vào dự thảo Luật trợ giúp pháp lý (TGPL) sửa đổi. Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha chủ trì buổi góp ý.
Hội đồng tư vấn Dân chủ Pháp luật thảo luận về dự thảo Luật trợ giúp pháp lý (TGPL) sửa đổi.
Sau gần 10 năm triển khai thi hành Luật TGPL, công tác TGPL đã góp phần ổn định tình hình chính trị - xã hội, là cầu nối giữa chính quyền và nhân dân, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL, nâng cao ý thức pháp luật cho nhân dân, phát huy dân chủ ở cơ sở, tích cực tham gia xoá đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội.
Công tác TGPL đã có tác động tích cực đến việc tổ chức thực hiện pháp luật để đưa pháp luật vào cuộc sống, nhất là đối với người nghèo và người có hoàn cảnh đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, miền núi, góp phần đáng kể vào sự ổn định, phát triển mọi mặt của đời sống xã hội, nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan, ban, ngành trong công tác này.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thi hành Luật TGPL còn một số khó khăn, vướng mắc phát sinh từ thể chế và thực tiễn đòi hỏi cần được nghiên cứu, đánh giá để đề xuất xây dựng Luật TGPL (sửa đổi) nhằm tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thuận lợi cho hoạt động TGPL.
Góp ý vào dự thảo Luật, các thành viên Hội đồng tư vấn Dân chủ pháp luật đều cho rằng cần mở rộng diện người được quan tâm hỗ trợ về TGPL, đề nghị hoạt động TGPL nên đi theo hướng xã hội hóa, nâng cao trách nhiệm nghề nghiệp của luật sư để giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Ông Đỗ Duy Thường - Phó Chủ nhiệm HĐTV Dân chủ pháp luật phát biểu.
Theo ông Đỗ Duy Thường - Phó Chủ nhiệm HĐTV Dân chủ pháp luật cần mở rộng quy định về người được TGPL vì chuẩn nghèo mới khiến tỷ lệ người thuộc hộ nghèo khác trước, đồng thời xuất hiện thêm đối tượng cần quan tâm là những người thuộc hộ cận nghèo, trẻ em, người bị yếu thế, người có công.
Bên cạnh đó, ông Thường cũng đề nghị hệ thống TGPL cần phát huy hiệu quả để bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp chính đáng của người dân.
Cùng quan điểm, PGS.TS Thái Vĩnh Thắng, thành viên HĐTV Dân chủ pháp luật cũng cho rằng, qua 10 năm thực hiện Luật trợ giúp pháp lý đã giúp cho nhiều cho người nghèo và người yếu thế nhưng Luật cũng đã có nhiều quy định không còn phù hợp nên việc mở rộng theo hướng các hộ cận nghèo, những người yếu thế người có công, người dân tộc thiểu số là cần thiết và phù hợp với xu thế của xã hội.
Ông Thắng cũng đề nghị, trong hoạt động TGPL cần phải phân biệt rõ ràng giữa hoạt động của cơ quan Nhà nước và hoạt động trợ giúp tự nguyện miễn phí của các luật sư khi tham gia tư vấn miễn phí.
“Phải yêu cầu cao hơn người làm nhiệm vụ TGPL cũng như kinh phí cho hoạt động này. Cần củng cố bộ máy trợ giúp pháp lý cũng như đào tạo đội ngũ này như luật sư công để phục vụ việc bảo vệ công lý, quyền lợi ích hợp pháp chính đáng của người dân”, ông Thắng nêu ý kiến.
GS.TS Nguyễn Đăng Dung, thành viên HĐTV Dân chủ pháp luật đề nghị hoạt động TGPL nên đi theo hướng xã hội hóa và nâng cao trách nhiệm nghề nghiệp của luật sư để giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Đặc biệt cần quan tâm đến vai trò hoạt động của các tổ hòa giải, các người tiêu biểu như già làng, trưởng bản trong giải quyết các tranh chấp.
Theo Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha, việc góp ý vào dự án Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi) để góp phần bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp chính đáng của người dân.
Qua tiếp thu các ý kiến của các thành viên HĐTV Dân chủ pháp luật, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Pha cho rằng dự án Luật cần quan tâm đến những đối tượng được hưởng trợ giúp pháp lý, cùng với đó, Luật cần phát huy theo hướng xã hội hóa để giảm bớt gánh nặng cho Nhà nước về mặt ngân sách, bộ máy nhằm tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thuận lợi cho hoạt động TGPL đúng với yêu cầu thực tiễn.
Anh Vũ