Mở rộng thị trường xuất khẩu sắn

Khanh Lê 15/07/2023 08:00

Công nghiệp chế biến nông sản đã góp phần giải quyết việc làm cho trên 1,2 triệu lao động, chủ yếu ở khu vực trung du, miền núi, đóng góp không nhỏ trong việc xóa đói giảm nghèo, ổn định về kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu hiện nay vẫn còn hạn hẹp. Vì sao vậy?

Xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn đang có xu hướng tăng mạnh.

Ông Nghiêm Minh Tiến - Chủ tịch Hiệp hội sắn Việt Nam, cho biết cây sắn (khoai mì) là cây lương thực quan trọng thứ 3 của Việt Nam sau lúa, ngô (bắp). Tính đến nay, diện tích trồng sắn cả nước khoảng 530.000 ha/năm, tổng sản lượng trên 10 triệu tấn/năm. Cây sắn và ngành công nghiệp chế biến nông sản đã góp phần giải quyết việc làm cho trên 1,2 triệu lao động, chủ yếu ở khu vực trung du, miền núi, đóng góp không nhỏ trong việc xóa đói giảm nghèo, ổn định về kinh tế và xã hội.

10 năm trở lại đây ngành sắn Việt Nam phát triển nhanh. Kim ngạch xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn tăng từ 0,958 tỷ USD năm 2018 lên gần 1,5 tỷ USD vào năm 2022. Việt Nam hiện đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu sắn, sau Thái Lan.

Từ năm 2022, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang Hàn Quốc và Malaysia có xu hướng tăng mạnh nhưng không ổn định. Hơn nữa, việc phát triển thị trường mới còn chậm. Vì thế, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ chính các sản phẩm sắn của Việt Nam.

Cũng theo ông Tiến, mục tiêu xuất khẩu sắn đến năm 2028 sẽ đạt 2 tỷ USD/năm và tăng lên 2,5 tỷ USD/năm vào năm 2050. Tuy nhiên, để đạt được con số này, ngành sắn đang có 3 điểm yếu cần phải giải quyết là: xuất khẩu lệ thuộc quá nhiều vào một thị trường; công nghệ chế biến còn lạc hậu, chưa có nhiều sản phẩm chế biến sâu; mất cân đối giữa chế biến và vùng trồng sắn nguyên liệu…

Từ thực tế địa phương, ông Nguyễn Đình Xuân - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh, cho biết những năm qua, diện tích trồng sắn của Tây Ninh liên tục tăng, đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có gần 62.000 ha sắn; năng suất bình quân đạt trên 32 tấn/ha.

Mặc dù, diện tích trồng sắn đã tăng lên đáng kể, song theo ông Xuân, ngành sắn của Tây Ninh vẫn còn một số hạn chế. Đó là chưa có liên kết trong đầu tư thu mua nguyên liệu giữa nhà máy chế biến và người nông dân; chưa hình thành cơ chế chính sách liên kết vùng để thu hút nguồn đầu tư ổn định, lâu dài. Hiện nay, nguồn cung nguyên liệu sắn tại địa phương chưa đáp ứng tốt nhu cầu chế biến.

Nguyên nhân chủ yếu là do doanh nghiệp chế biến chưa phát triển vùng nguyên liệu. Cả nước mới có một số ít các nhà máy đã và đang thực hiện việc đầu tư vùng nguyên liệu, đáp ứng nhu cầu 30-40% công suất của nhà máy.

Là nước xuất khẩu sắn lớn thứ 3 trên thế giới tuy nhiên hiện cả nước mới có 27 tỉnh có nhà máy chế biến tinh bột sắn và có khoảng 120 nhà máy chế biến tinh bột sắn quy mô công nghiệp với tổng công suất thiết kết 11,3 triệu tấn củ tươi/năm. Trong đó, có khoảng 26% số cơ sở có gắn kết chặt chẽ với vùng nguyên liệu. Xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn chiếm khoảng 70% tổng sản lượng sắn thu hoạch của cả nước.

Tiêu thụ sắn và sản phẩm sắn vẫn còn nhiều khâu trung gian, cạnh tranh quốc gia thấp do chi phí logistics của Việt Nam cao. Để nâng cao sức cạnh tranh, nhiều chuyên gia cho rằng, ngành sắn cần phải khắc phục những điểm yếu, đồng thời cần đầu tư nâng cao chất lượng sắn xuất khẩu sang nhiều thị trường, đặc biệt là EU.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mở rộng thị trường xuất khẩu sắn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO