Mở rộng tuyến tàu sông pha biển

Bích Hạnh 09/12/2015 08:00

Sau một năm hoạt động, đã có trên 5,3 triệu tấn hàng hóa được vận chuyển trên tuyến vận tải ven biển. Luồng tuyến sông pha biển thực sự đang góp phần chia sẻ cho vận tải đường bộ, với những lợi thế riêng của mình như chi phí rẻ, nhiều cảng nội địa, luồng tuyến đan xen ... Năm 2016, Bộ GTVT dự kiến sẽ mở rộng hướng tuyến, thậm chí sẽ có tàu sông pha biển đi Thái Lan hay Campuchia.

Mở rộng tuyến tàu sông pha biển

Ảnh minh họa.

Ông Trịnh Thế Cường, Trưởng phòng vận tải và dịch vụ hàng hải, Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, Việt Nam có đường bờ biển dài khoảng 3.260 km, có hơn 42.000 km đường thuỷ nội địa, 55 cảng biển và 8.038 cảng, bến thủy nội địa. Sự chằng chịt, có thể đến bất cứ điểm nào trên toàn quốc, là “mỏ vàng” thực sự của doanh nghiệp vận tải thủy. Trên bộ, sự quá tải, chi phí cầu đường cao, đặc biệt sự siết chặt xe quá tải khiến doanh nghiệp đã chuyển hướng sang lĩnh vực vận tải tàu sông pha biển. Sức ép ùn tắc, quá tải cầu đường trên đường bộ nhờ đó cũng giảm nhiệt.

Theo Cục Hàng hải Việt Nam, được thí điểm từ tháng 7-2014 đến nay, tuyến sông pha biển đã được mở rộng thực hiện từ Quảng Ninh đến Kiên Giang, giúp vận chuyển tới 5,3 triệu tấn hàng hóa (tương đương với 176.107 xe tải loại 30 tấn).

Cụ thể như từ Quảng Ninh, Hải Phòng đi Thanh Hoá, chủ yếu các mặt hàng nặng như vật liệu xây dựng, thiết bị, than ... phục vụ Dự án lọc hoá dầu Nghi Sơn. Hải Phòng đi Vũng Áng (Hà Tĩnh) gồm mặt hàng thiết bị, máy móc (đóng container), vật liệu xây dựng ... phục vụ dự án Fomosa và khu vực.

Tuyến Vũng Áng đi các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế gồm các nguyên liệu, phụ gia cho các nhà máy xi măng, các loại mặt hàng xăng dầu và hàng hoá tổng hợp.

Tuyến từ Nghệ An, Hà Tĩnh đi Hải Dương với mặt hàng chủ yếu là đá. tuyến từ TP. Hồ Chí Minh đi Vũng Tàu, Kiên Giang và ngược lại gồm các mặt hàng tổng hợp như gạo, phân bón, vật liệu xây dựng, gỗ, hàng bách hoá... Trên tuyến cũng đã hình thành một số tour du lịch. Đây cũng là hướng phát triển của tương lai.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật, để nâng cao hiệu quả tuyến sông pha biển, Bộ GTVT đã cấp mới giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho 556 tàu mang cấp VR-S. Đồng thời, tổ chức 17 khoá học, cấp chứng chỉ cho 683 thuyền viên điều khiển phương tiện đi tuyến sông pha biển. Nếu so với tiềm năng to lớn của vận tải biển, việc mở rộng lực lượng tàu và thuyền viên sẽ được tính đến trong những năm tới.

Tuy nhiên, việc xây dựng một hệ thống hạ tầng cảng, bến, cầu bến, kho bãi, thiết bị bốc xếp, hệ thống hạ tầng kết nối… phù hợp với năng lực tàu sông pha biển đang là thách thức không nhỏ. Hiện nay, nhiều tuyến luồng còn bị hạn chế, đầu tư quy mô chưa đáp ứng nhu cầu vận tải. Một số vùng chưa có khu vực cho tàu neo đậu tránh, trú bão. Hệ thống cảng nội địa èo uột.

“Đó cũng là lý do bên cạnh việc đẩy mạnh hút vốn phát triển hạ tầng luồng, cảng. Bộ GTVT đang đề xuất cho phép VR-SB chở xăng dầu để vào cảng để xếp, dỡ hàng hóa. Đồng thời, yêu cầu tàu VR-SB trên tuyến sông pha biển phải trang bị thiết bị theo dõi, giám sát hành trình để tiện lợi trong quản lý”, ông Nguyễn Nhật nhấn mạnh.

Về hướng phát triển trong năm 2016 và những năm tiếp theo, để khai thác lợi thế của các tuyến tàu sông pha biển, Cục Hàng hải Việt Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu và đề nghị Bộ GTVT một số chính sách phù hợp để kích cầu tuyến giao thông sông pha biển nội địa. Đặc biệt sẽ nghiên cứu và đưa vào hoạt động tuyến vận tải ven biển liên quốc gia như Việt Nam, Thái Lan, Campuchia để tạo điều kiện phát triển vận tải hàng hóa, đặc biệt là sự trung chuyển. Dự kiến năm 2016 sẽ vận tải từ 8-10 triệu tấn hàng, tăng 30% trong những năm tiếp theo. Ưu thế và tiềm năng đường thủy sông ven biển đang được khơi dậy.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mở rộng tuyến tàu sông pha biển