Sau hơn 10 năm dừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh), cuộc sống của hơn 6.000 hộ dân ở 5 xã bị ảnh hưởng mới “ngoi” lên được một ít thì nay đứng trước “lằn ranh” giữa tái khởi động và dừng dự án. Những hệ lụy của việc bóc đất tầng phủ tại mỏ sắt có trữ lượng lớn nhất Đông Nam Á này đã đeo đẳng người dân vùng bãi ngang, trong khi tiềm năng lợi thế để phát triển du lịch sinh thái, du lịch biển bị kìm hãm. Lối đi nào cho dự án tuyển quặng lớn nhất Đông Nam Á?
Dự án Khai thác và tuyển quặng sắt mỏ sắt Thạch Khê sau khi bóc đất tầng phủ đã “treo” suốt 10 năm qua. Những gì người dân chịu đựng suốt thời gian này đủ để đánh giá dự án “mất nhiều hơn được”. Sau chuyến khảo sát của Thủ tướng Phạm Minh Chính, người dân sống trong khu vực của mỏ sắt Thạch Khê kỳ vọng Chính phủ sớm đưa ra quyết định đúng đắn, hợp lòng dân.
Dự án tầm cỡ nhưng “số phận long đong”
Dự án Đầu tư khai thác và tuyển quặng sắt mỏ sắt Thạch Khê (nằm trên địa bàn 5 xã: Thạch Khê, Thạch Lạc, Thạch Trị, Thạch Hải, Đỉnh Bàn), huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh được quy hoạch trên diện tích hơn 4.800ha (trong đó gần 3.900ha đất liền và 923ha lấn biển) với khoảng 6.000 hộ dân (27.000 nhân khẩu) bị ảnh hưởng.
Khi mới triển khai, dự án kỳ vọng sẽ biến Hà Tĩnh từ một tỉnh thuần nông thành một trong những trung tâm công nghiệp nặng của cả nước và là trung tâm khai thác luyện cán thép lớn nhất Việt Nam, nhưng thực tế không như mong đợi.
Dự án Đầu tư khai thác và tuyển quặng sắt mỏ sắt Thạch Khê (Dự án mỏ sắt Thạch Khê) được phê duyệt lần đầu ngày 24/11/2008. Chủ đầu tư của dự án là Công ty CP Sắt Thạch Khê (TIC). Công suất khai thác giai đoạn 1 là 5 triệu tấn/năm, giai đoạn 2 khoảng 10 triệu tấn/năm.
Theo báo cáo của TIC, tổng mức đầu tư dự án ban đầu hơn 9.932 tỷ đồng, sau đó điều chỉnh lên hơn 14.500 tỷ đồng (vốn góp cổ đông 30%, vốn vay và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác 70%). Tuổi thọ mỏ 52 năm. Mỏ có trữ lượng lớn nhất khu vực Đông Nam Á với 544 triệu tấn. Khối lượng quặng khai thác trong biên giới khai trường được chủ đầu tư xác định là 396,6 triệu tấn, tương đương khối lượng đất đá cần bóc xúc 651 triệu mét khối.
Mục tiêu của TIC là đầu tư khai thác mỏ sắt Thạch Khê để cung cấp quặng sắt trước hết cho nhu cầu luyện thép trong nước và dành một phần xuất khẩu, sau đó sẽ đầu tư và vận hành nhà máy luyện phôi thép…
Tháng 9/2009, chủ đầu tư bắt tay vào thực hiện dự án nhưng chỉ mới tiến hành bóc đất tầng phủ, mở rộng moong mỏ và bốc đất thử nghiệm trên diện tích khoảng 150ha tại địa bàn xã Thạch Khê (huyện Thạch Hà). Đến tháng 7/2011, TIC thực hiện bóc đất tầng phủ đến độ sâu -28m, đạt 12,7 triệu mét khối.
Tuy nhiên, quá trình bóc đất tầng phủ đã xuất hiện những bất cập trong thiết kế kỹ thuật, công nghệ khai thác và chủ đầu tư phải đối mặt với những khó khăn về tài chính. Đến tháng 11/2011, dự án phải tạm dừng để thẩm định lại thiết kế kỹ thuật và tái cơ cấu cổ đông. Từ đó đến nay, dự án vẫn “án binh bất động”.
Ông Đỗ Đình Thừa - Quyền Tổng Giám đốc Công ty CP Sắt Thạch Khê cho biết, tháng 4/2016, chủ đầu tư đã thực hiện đầy đủ thủ tục pháp lý theo quy định. Tuy nhiên, nếu dự án tiếp tục thực hiện thì công ty sẽ hoàn thiện, gia hạn Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) vì đã hết hạn.
Thâm nhập vào công trường khai thác tổng hợp của Xí nghiệp khai thác mỏ TIC tại xã Đỉnh Bàn (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh), ghi nhận của nhóm PV Báo Đại Đoàn Kết cho thấy, mọi thứ ở đây dường như đã “rỉ hóa”. Mặc dù công trường vẫn còn các tốp bảo vệ chia nhau trực, canh gác tài sản của công ty nhưng tất cả đã hoang hóa, vụn vữa, ăn mòn theo thời gian.
Ngay trước cổng vào xí nghiệp, có 4 chiếc máy xúc nhập khẩu cỡ lớn nằm bất động. Các tòa nhà điều hành, công xưởng hoang tàn, vụn vữa, rỉ sét, những mái tôn lung lay và chực rơi bất cứ lúc nào… Những tảng quặng lớn nằm trơ trọi trên nền đất trở màu xám xịt. Trải qua hơn thập kỷ, tất cả trở nên hoang tàn.
“Toàn bộ máy móc nhập khẩu, hàng loạt nhà xưởng, thiết bị đã hoen rỉ, hư hỏng, thành sắt vụn hết. Vì cuộc sống nên chúng tôi mới phải bám trụ ở đây chứ lương thưởng chẳng đáng bao nhiêu” - bảo vệ trông tại công trường than thở.
Chuyến khảo sát của Thủ tướng và kỳ vọng của người dân
Ngày 11/6/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã tới khảo sát thực trạng mỏ sắt Thạch Khê sau hơn 10 năm tạm dừng, đồng thời khảo sát thực tế khả năng phát triển du lịch biển trong khu vực.
Bí thư Huyện ủy Thạch Hà Nguyễn Thị Nguyệt cho biết, việc dừng dự án đã ảnh hưởng rất nhiều đến người dân và doanh nghiệp, đường đi lối lại phủ đầy cát, việc sản xuất của người dân bị ảnh hưởng rất lớn.
Vùng biển ở huyện Thạch Hà có 23km bờ biển và có sự kết nối vùng khăng khít với huyện Lộc Hà, huyện Kỳ Anh. UBND tỉnh Hà Tĩnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư dự án du lịch biển cao cấp ở vùng biển Thạch Văn, Thạch Trị của huyện Lộc Hà với tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng. Dự án sẽ liên kết với các khu du lịch hiện có như khu du lịch Thạch Hải, khu du lịch Quỳnh Viên, khu du lịch Thiên Cầm... nhằm tạo nên một quần thể du lịch đa dạng về màu sắc và loại hình du lịch ở Hà Tĩnh. Vì thế, nếu mỏ sắt Thạch Khê triển khai sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều huyện chứ không riêng gì huyện Thạch Hà.
Sau khi nghe các cấp ủy đảng, chính quyền Hà Tĩnh báo cáo và chứng kiến cảnh hoang tàn của dự án cũng như tiềm năng lợi thế phát triển du lịch của địa phương, Thủ tướng yêu cầu các bên liên quan, các cơ quan chức năng đánh giá tổng thể về các vấn đề kinh tế - xã hội, môi trường… Tất cả dựa trên cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn, bảo đảm đồng thuận, lựa chọn phương án có lợi nhất. Nếu thấy chưa có lợi, người dân chưa đồng tình thì dừng, tiếp tục nghiên cứu phương án khai thác trong tương lai lâu dài, khẩn trương giải quyết dứt điểm các vấn đề liên quan.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh: Đây là vấn đề quyết sách, nhưng quyết sách thì phải dựa trên cơ sở khoa học, trên cơ sở thực tiễn, trên cơ sở lòng dân. Cơ sở khoa học là rất quan trọng, đánh giá khoa học để người dân thấy trên cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn có lợi thì sẽ đồng tình; còn trên cơ sở khoa học, thực tiễn mà không giải thích được, không chứng minh được hiệu quả kinh tế cao mà người ta phải hy sinh thì thường là khó đồng thuận. Như vậy là có cả bài toán thực tiễn đặt ra, có cả bài toán lòng dân, có cả vấn đề xã hội, vấn đề kinh tế, vấn đề môi trường.
Sau chuyến khảo sát của Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác, người dân vùng bãi ngang kỳ vọng vào quyết sách của Chính phủ.
Ông Trần Đình Sách (SN 1963) - người dân thôn Thượng Hải, xã Thạch Hải, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) chia sẻ: Thủ tướng về khảo sát thực địa chắc hẳn đã thấy được phần nào sự khó khăn của người dân chúng tôi. Bây giờ điều chúng tôi cần nhất lúc này là Chính phủ sớm có quyết định đối với dự án.
“Thấy Thủ tướng về khảo sát tại Dự án mỏ sắt Thạch Khê và thăm biển Thạch Hải, nhìn thấy bãi biển hoang sơ, đẹp, trong, mát với nhiều lợi thế phát triển du lịch, bà con kỳ vọng Chính phủ, sẽ có quyết định đúng đắn, hợp lòng dân đó là dừng mỏ sắt Thạch Khê” - Chủ tịch UBND xã Thạch Hải Bùi Đình Lâm nói.
Dự án mỏ sắt Thạch Khê triển khai được 2 năm rồi dừng đã để lại hàng loạt hệ lụy, gần 6.000 hộ dân thuộc 5 xã của huyện Thạch Hà phải sống trong tình trạng “đi không được, ở không xong”. Năm 2017, tỉnh Hà Tĩnh quyết định “cởi trói” cho các xã ảnh hưởng bởi dự án bằng giải pháp đẩy mạnh xây dựng Nông thôn mới. Tuy nhiên, tình cảnh sống lay lắt, “sống mòn” trong dự án “treo” vẫn cứ bám riết lấy người dân nơi đây.
(Còn nữa)
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ, 14 năm nay không giải quyết nên mọi thứ đang dở dang. Phải có một quyết sách nhanh chóng để giải quyết số đầu tư này, dứt điểm là không làm thì phải giải thoát số công nhân, số lao động đang tham gia làm mỏ. Đồng thời, nhanh chóng quyết định làm hay không làm để ổn định khu dân cư, đời sống nhân dân với 27.000 người ở đây.