Xã hội

Mới có 50% trẻ em được tập huấn kỹ năng phòng, chống bạo lực

X.C/TTXVN 17/11/2023 11:42

Trong 2 ngày 16 và 17/11, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tổ chức Hội nghị sơ kết, đánh giá tình hình triển khai thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về trẻ em.

2-a1.jpg

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Nguyễn Thị Hà cho biết: “Phát triển toàn diện con người bắt đầu từ phát triển toàn diện trẻ em, muốn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cần chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em từ sớm, từ xa; gắn bảo đảm thực hiện quyền trẻ em với giải quyết kịp thời các vấn đề về trẻ em. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các đề án, kế hoạch nhằm đáp ứng các yêu cầu về chăm sóc và bảo vệ trẻ em trong giai đoạn phát triển và hội nhập mới của đất nước”.

Phó trưởng đại diện Unicef tại Việt Nam, Lesley Miller, đánh giá cao sự cam kết lâu dài của Chính phủ Việt Nam về thúc đẩy và bảo vệ quyền trẻ em: “Các quyết định của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam về các kế hoạch hành động cấp quốc gia minh chứng cho cam kết mạnh mẽ này”.

Các báo cáo, tham luận tại chương trình đã tập trung đánh giá mức độ quan tâm, trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức thực hiện của các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, chính quyền các cấp được Thủ tướng giao trong các quyết định và trong các kế hoạch triển khai do các bộ, ngành, địa phương xây dựng, thông qua.

Các giải pháp của Hội đồng nhân dân, UBND, cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội các cấp thực hiện các quyết định cũng được tập trung thảo luận. Trong đó nhấn mạnh việc ban hành các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, quyết định, kế hoạch của Ủy ban nhân dân về phân bổ ngân sách địa phương, bố trí hợp lý nhân lực để triển khai công tác phát triển toàn diện trẻ em và giải quyết các vấn đề trẻ em tại địa phương, cơ sở, cần được phổ biến, nhân rộng.

Thượng tá Khổng Ngọc Oanh, Đội trưởng Đội phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em (Phòng 5), Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an cho biết: "Trước năm 2018, nhiều vụ xâm hại trẻ em rơi vào tồn đọng kéo dài, không xử lý được. Bên cạnh đó, nhiều khi người dân không tin tưởng, không báo tin tố giác tội phạm khiến nhiều vụ xâm hại đi vào bóng tối. Sau khi có Quyết định 1863, chúng tôi đã triển khai thực hiện mô hình điều tra thân thiện. Theo đó, điều tra viên không được lấy lời khai quá 2 tiếng đối với trẻ em; phòng điều tra trẻ em dưới 18 tuổi và phụ nữ bị bóc lột có lối đi riêng, ở nơi yên tĩnh, diện tích 18m2, mô hình có không gian màu sắc hài hòa, tạo môi trường thân thiện, an toàn cho các em khi bước vào đây. Mô hình điều tra thân thiện, vừa giúp các em tránh tâm lý lo sợ, căng thẳng, tránh tổn thương vừa nâng cao hiệu quả điều tra, bảo vệ được quyền của các em".

Theo báo cáo của Cục Trẻ em, đối với kết quả thực hiện Quyết định số 1863/QĐ-TTg ngày 23/12/2019 về Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2020 – 2025, đến nay đã có 17 tỉnh, thành phố xây dựng và ban hành quy chế, quy định quy trình phối hợp trong hỗ trợ, can thiệp, giải quyết đối với các trường hợp trẻ em bị xâm hại: TPHCM, Vĩnh Long, Bình Dương, Hòa Bình, Đà Nẵng, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang, Điện Biên, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Cà Mau, Quảng Nam, Kon Tum, Nghệ An.

Bộ Công an cũng đã triển khai xây dựng 39 mô hình “Phòng điều tra thân thiện ” ở 38 đơn vị, địa phương, tập huấn cho trên 1.000 cán bộ điều tra các cấp phục vụ quá trình xác minh, điều tra các vụ việc liên quan đến người dưới 18 tuổi.

Công tác phối hợp liên ngành trong bảo vệ trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em được các bộ, ngành và địa phương quan tâm, chỉ đạo thực hiện. Tuy nhiên, đáng chú ý mới chỉ 50% trẻ em được tập huấn kỹ năng phòng chống bạo lực học đường…

Đối với việc thực hiện Quyết định số 588/QĐ-TTg ngày 17/5/2019 về Đề án Vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2019­2025, các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức và địa phương hỗ trợ cho hơn 6,4 triệu lượt trẻ em với tổng kinh phí trên 1.646 tỷ đồng.

Đối với kết quả thực hiện Quyết định số 1438/QĐ-TTg ngày 29/10/2018 về Đề án hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo duc tại cộng đồng giai đoạn 2018 – 2025, các đơn vị đã xây dựng bộ chỉ tiêu theo dõi, đánh giá việc thưc hiện quyết định 1438/QĐ-TTg và xây dựng bộ tài liệu sản phẩm truyền thông về hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận dịch vụ tại cộng đồng; hình thành mạng lưới các tổ chức của người khuyết tật, các hội cha mẹ khuyết tật nhằm tăng cường phối hợp trong việc hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ toàn diện tại cộng đồng…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mới có 50% trẻ em được tập huấn kỹ năng phòng, chống bạo lực