Mới đây, tại Kỳ họp lần thứ 6 Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF 6) diễn ra ở Đà Nẵng, Việt Nam đề xuất sáng kiến “Thành lập đối tác vì khu vực các biển Đông Á không có rác thải nhựa”.
Rùa biển mắc vào rác thải ni lông.
Sáng kiến nhằm thúc đẩy sự hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm với các tổ chức toàn cầu và địa phương; chuyển hóa mô hình tăng trưởng từ nền kinh tế tiêu thụ nhiên liệu sang tái chế, huy động sự tham gia của các cấp, các nhà sản xuất; thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin và kiến thức về quản lý rác thải đại dương giữa các quốc gia trong khu vực; tăng cường năng lực và đào tạo về mặt chiến lược.
Theo giới chuyên gia, Việt Nam có đường bờ biển dài hơn 3.000 km là một thách thức và đang đối diện với hệ sinh thái bờ biển suy giảm, nước biển tăng, rác thải…
Không nghi ngờ gì nữa, rác thải nhựa đang là “tử thần” của các loài sinh vật biển: mỗi năm, 1,5 triệu động vật trên đại dương chết vì ngộ độc chất thải nhựa. Những loài sinh vật nhỏ như rùa biển hay những loài lớn như cá voi, đều đã và đang là nạn nhân trực tiếp của chất thải nhựa, mà nếu tình trạng này tiếp diễn thì tới năm 2050, rác thải nhựa trên đại dương sẽ nhiều hơn cá. Đặc biệt, châu Á là khu vực gây ô nhiễm môi trường biển nhất do rác thải nhựa.
Lý giải vì sao các loài sinh vật biển lại ăn nhựa, chuyên gia Matthew Savoca thuộc Trung tâm Khoa học Thủy sản Tây Nam NOAA ở Monterey, California cho biết, “Khả năng nhận thức và cảm nhận (môi trường xung quanh) của động vật khác xa so với con người. Tùy trường hợp mà khả năng này có thể vượt trội hoặc tệ hơn chúng ta”. Vì thế, động vật có thể nhầm lẫn nhựa với các thực phẩm quen thuộc của chúng, ví dụ một hạt nhựa nhỏ trông giống như trứng cá non. Loài rùa biển chủ yếu dựa vào tầm nhìn để tìm kiếm thức ăn. Ngoài ra, chúng cũng được cho là có khả năng nhìn thấy ánh sáng tia cực tím (ultra-violet), khiến thị giác của chúng khác xa chúng ta. Màu sắc cũng là một yếu tố quan trọng để nhận biết thực phẩm, dù mỗi loài có sở thích khác nhau. Rùa thích nhựa màu trắng, trong khi chim biển (shearwaters) lại chọn nhựa màu đỏ.
Theo bà Isabelle Vanderbeck - Quản lý Bộ phận Hệ sinh thái Biển, Chương trình phát triển môi trường Liên hợp quốc (UNDP), rác thải nhựa thải ra đại dương không chỉ gây ảnh hưởng đến các loài sinh vật biển mà còn gây ảnh hưởng rất lớn đến con người. “Rác thải nhựa tạo ra các chất độc nguy hiểm khiến các loài vi sinh vật bị nhiễm độc kéo theo các loài cá. Trong khi, con người lại sử dụng thực phẩm từ đại dương. Do đó, khi chúng ta ăn các loại cá biển thì vô tình những chất độc ấy đã thấm vào cơ thể, dần gây ra bệnh tật mà chúng ta cũng không nhận thức được”- bà Isabelle Vanderbeck chia sẻ.
Ông Tạ Đình Thi-Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết, Việt Nam đứng thứ tư trong danh sách các quốc gia xả nhiều rác ra đại dương, mỗi năm “đổ” ra đại dương 1,8 triệu tấn rác thải nhựa. Với việc đề xuất sáng kiến “Thành lập Đối tác vì khu vực các biển Đông Á không có rác thải nhựa”, Việt Nam sẽ cam kết chuyển dịch mô hình tăng trưởng trên cơ sở nền kinh tế tuần hoàn theo nguyên tắc giảm tiêu thụ, gia tăng việc tái chế và tái sử dụng nhựa; tạo lập cơ chế và huy động sự tham gia tích cực, hiệu quả của các cấp, các ngành và các bên liên quan đến sản xuất và sử dụng sản phẩm nhựa.
“Hiện nay việc giải quyết vấn đề rác thải nhựa đại dương sẽ là một trong những ưu tiên của Quỹ Môi trường Toàn cầu trong chu kỳ sắp tới. Vì vậy chúng tôi cũng hy vọng rằng sáng kiến của Việt Nam sẽ được các tổ chức quốc tế đặc biệt là Quỹ Môi trường Toàn cầu ghi nhận, ủng hộ và có hành động cụ thể để tài trợ cho cho Việt Nam dự án ở cấp khu vực này” – ông Tạ Đình Thi cho biết.
Hoan nghênh những nỗ lực của Việt Nam trong việc giảm thiểu chất thải nhựa đại dương, ông Erik Solheim, Tổng Giám đốc Chương trình Môi trường Liên hợp quốc cho rằng: Hiện nay, rác thải nhựa đang là vấn đề thách thức toàn cầu. Tuy nhiên, chúng ta đã có những bước tiến nhằm hiện thực những chiến lược liên quan đến rác thải nhựa phấn đấu đạt mục tiêu vào năm 2022 không còn rác thải nhựa đại dương.
“Ở đây chúng ta có những bài học kinh nghiệm từ những việc làm cụ thể như hạn chế sử dụng những sản phẩm ống nhựa, sản phẩm dùng một lần, xây dựng hệ thống tái chế hướng đến nền kinh tế tuần hoàn. Ở cấp độ vĩ mô, chúng ta cần thực hiện được ba trụ cột chính phủ - công dân - đổi mới sáng tạo trong giảm thiểu rác thải nhựa đại dương thì sẽ tạo thành một sức mạnh vô địch cùng cùng nhau cứu hành tinh của chúng ta”- ông Erik Solheim đề xuất.
Trong khi đó, ông Peter Thomson –Đặc phái viên đặc biệt của Liên hiệp quốc về vấn đề Đại dương cho rằng, các cam kết tuy quan trọng nhưng vấn đề vẫn nằm ở ý thức của con người. “Việc hình thành ý thức không sử dụng sản phẩm nhựa một lần trong mỗi con người là cực kỳ quan trọng”- ông Peter Thomson nhấn mạnh, đồng thời nghĩ tới viễn cảnh: Nếu hơn 8 tỷ người trên trái đất này không sử dụng sản phẩm từ nhựa thì sẽ không còn nhà cung cấp nào nữa, vậy đại dương sẽ luôn luôn sạch. Và đó mới chính là giải pháp tốt nhất để giảm thiểu rác thải nhựa.
Một con cá voi bị chết vì nuốt hơn 80 túi ni lông Mới đây, người dân Thái Lan đã phát hiện một con cá voi hoa tiêu bị mắc kẹt trong một con kênh thuộc tỉnh Songkhla miền Nam Thái Lan đã không thể sống sót vì nuốt hơn 80 túi ni lông đựng rác. Sau khi phát hiện, một nhóm các bác sĩ thú y đã nỗ lực làm việc trong 5 ngày để giải thoát con cá voi ra khỏi con kênh. Tuy niên, mọi nỗ lực của họ không thành. Trước khi chết, con cá voi này còn nôn ra 5 chiếc túi ni lông. Thon Thamrongnawasawat - một nhà sinh vật học hàng hải và là giảng viên thuộc Đại học Kasetsart giải thích, rất khó để một con cá voi có thể tiêu hóa bình thường với những chiếc túi ni lông cuốn đầy trong bụng như vậy. Nhà sinh vật học Thon còn tiết lộ thêm hàng năm ít nhất 300 loài động vật biển, bao gồm cá voi hoa tiêu, rùa biển, cá heo… mất mạng vì túi ni lông. P. Chi |